Giá cà phê 8/8: Giá cà phê bất ngờ đảo chiều tăng vọt vì lý do này
Giá cà phê 8/8: Giá cà phê bất ngờ đảo chiều tăng vọt vì lý do này
Nguyễn Phương
Thứ ba, ngày 08/08/2023 10:59 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 8/8: Mối lo thiếu hụt nguồn cung tiếp tục hỗ trợ xu hướng thị trường giá tăng với hai sàn cà phê. Trong nước, giá cà phê hôm nay cũng tăng tới 1.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Đắk Nông có giá thu mua cà phê cao nhất trong các địa phương là 68.000 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 70 USD, lên 2.682 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 66 USD, lên 2.554 USD/ tấn, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 2,60 cent, lên 163,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 2,50 cent, lên 163,45 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng tới 1.000 đồng, lên dao động trong khung 67.100 - 68.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất 67.100 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 67.400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 67.800 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 68.000 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê hai sàn đảo chiều tăng, bất chấp sức ép bán ra từ nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, sau quyết định cắt giảm bớt 0,5% lãi suất của Uỷ ban Chính sách tiền tệ (Copom) làm dấy lên mối lo lạm phát ở Brazil sẽ tăng trở lại, do tỷ giá đồng Reais tiếp tục giảm thêm 0,39% xuống ở mức 1 USD = 4,8944 R$ đã khuyến khích nhà nông đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu khiến sức tăng của sàn New York bị chùng lại.
Trong khi đó, báo cáo của ICE cho thấy mức tồn kho trên cả hai sàn tiếp tục giảm sâu đã kích hoạt mối lo toàn cầu thiếu hụt cà phê trở lại khiến nhà đầu tư duy trì cấu trúc giá nghịch đảo trên cả hai thị trường kỳ hạn. Góp thêm phần là báo cáo thương mại tháng 6 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự kiến toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ cà phê sắp tới 2023/2024.
Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 7 chỉ đạt 31.607 tấn (khoảng 526.000 bao), ghi nhận kỳ xuất khẩu có khối lượng thấp nhất trong nhiều năm qua do nguồn cung đã cạn kiệt.
Theo các nhà quan sát, cấu trúc giá nghịch đảo sẽ được duy trì trên các thị trường kỳ hạn, chi ít là cho tới khi Việt Nam bước vào thu hoạch vụ mùa Robusta mới cuối mùa mưa, khoảng cuối tháng 10 năm nay. Trong khi thị trường nội địa Brazil vẫn duy trì sự kháng giá mỗi khi đồng Reais mạnh trở lại.
Quý II/2023, giá cà phê Robusta thế giới duy trì mức cao do thị hiếu tiêu dùng có sự thay đổi và lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên, đà tăng giá đã chậm lại từ cuối tháng 6/2023 kéo dài sang tháng 7/2023 do áp lực bán hàng vụ mới của Brazil.
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tăng trở lại trong các tháng còn lại của quý III/2023. Các yếu tố hỗ trợ giá cà phê tăng gồm: Lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong ngắn và trung hạn.
Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê giảm trong 6 tháng đầu năm 2023. Tại Indonesia, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê nước này (AEKI) dự kiến sản lượng cà phê trong năm 2023 giảm khoảng 20%, xuống còn 9,6 triệu bao; tồn kho tại sàn giao dịch ICE – London giảm thêm 70 tấn, xuống 53.440 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2016 và chưa ghi nhận có sự cải thiện;Đồng USD suy yếu hỗ trợ giá hàng hóa phục hồi.
Sâu đục thân hại cà phê và biện pháp phòng trừ
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, trong canh tác các loại cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng, khi có chế độ thâm canh càng cao thì các đối tượng sâu, bệnh hại càng có khả năng phát triển nhờ vào thức ăn dồi dào, sức chống chịu với điều kiện bất thuận của cây thấp.
Các đối tượng sâu bệnh thường gây hại ở các thời điểm khác nhau và cách gây hại cũng khác nhau, do đó cần phải nắm bắt được đặc điểm gây hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp với từng đối tượng và bảo vệ được thiên địch.
Trong giai đoạn hiện nay tại các vùng trồng cà phê tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nguyên có xuất hiện một số đối tượng gây hại cần chú ý như sâu đục thân cây cà phê.
Đặc điểm hình thái: Sâu đục thân thường có 2 loại là sâu mình trắng và sâu mình hồng.
Sâu đục thân mình trắng: Trứng và sâu non có màu trắng ngà, sâu non có chiều dài từ 2 - 2,5 mm, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt, răng cứng khỏe, đục vào thân, phần gỗ, làm cây cà phê chết nên gọi là sâu đục thân hoặc sâu Bore. Sâu trưởng thành là một loại xén tóc dài 10-15mm, Râu đầu thẳng và có nhiều đốt, cánh cứng màu đen, lưng ngực màu vàng xám.
Sâu đục thân mình hồng: Trưởng thành là loài bướm trắng, nhộng dài 15-34mm, thân trường thành dài 20-30mm màu đỏ, khi đẫy sức dài 30-50mm và cũng có màu hồng nên gọi là sâu hồng.
Đặc điểm sinh sống và gây hại: Sâu mình trắng chủ yếu gây hại nhiều ở cây cà phê chè, còn sâu mình hồng thì gây hại cả cà phê chè và cà phê vối, sâu phát triển và gây hại quanh năm, nhưng thường gây hại nhiều từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, sâu trưởng thành đẻ trứng rải rác hoặc thành từng cụm vào kẽ nứt của vỏ thân cây.
Sau khi nở thành sâu non thì đục vào thân thành đường ngoằn ngoèo trong thân cây. Tại lỗ đục có phân và mạt gỗ đùn ra. Sâu trưởng thành sinh sống và gây hại trong thân cho đến khi chuẩn bị sắp hoá nhộng thì đục ra phía gần vỏ lột nhộng.
Triệu chứng cây bị hại
Lá bị vàng héo, cây mọc thêm nhiều chồi thân.
Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2-3 mm.
Khi bị nặng thì cây dễ bị gãy tại chỗ bị sâu đục.
Nếu chẻ dọc thân cây thì thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sâu non màu trắng ngà, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt.
Biện pháp phòng trừ
Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Tạo hình sửa cành, tạo cho cây có một hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới.
Bón phân cân đối, đầy đủ để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cây.
Dùng bẫy đèn thu hút trưởng thành và tiêu diệt.
Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ; Đối với cây bị hại nặng cần cưa cắt đoạn thân có sâu đem đốt tiêu hủy.
Sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc: Tungcydan 55EC, Diazol 10G, Diazan 50EC, Nitox 30EC, Bonus 40 EC,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.