Giá cà phê 7/8: Cà phê hai sàn vẫn giảm, thị trường nội địa lặng sóng
Giá cà phê 7/8: Cà phê hai sàn vẫn giảm, thị trường nội địa lặng sóng
Nguyễn Phương
Thứ hai, ngày 07/08/2023 15:12 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 7/8: Giá cà phê trên thị trường thế giới vẫn giảm. Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước lặng sóng. Theo đó, 67.000 đồng/kg là mức giá cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới giảm. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2023 được ghi nhận tại mức 2.612 USD/tấn sau khi giảm 1,25% (tương đương 33 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 tại New York ở mức 161,35 US cent/pound sau khi giảm 2,06% (tương đương 3,4 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 14h06 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên hôm nay chững lại. Trong đó, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 66.100 - 67.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 66.100 đồng/kg. Kế đến là hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với 66.400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.800 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 67.000 đồng/kg. Đây là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Lãi suất ngân hàng tăng lên đã khiến các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý, rút vốn rời khỏi các thị trường cà phê phái sinh chuyển sang các thị trường khác có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Trước đó, tính chung cả tuần qua, thị trường London có 3 phiên tăng đầu tuần và 2 phiên giảm cuối tuần. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng tất cả 24 USD, tức tăng 0,93 %, lên 2.612 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng tất cả 51 USD, tức tăng 2,09 %, lên 2.488 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng tất cả 3,45 cent, tức tăng 2,18 %, lên 161,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng tất cả 2,75 cent, tức tăng 1,74 %, lên 160,95 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Nổi bật trong tuần qua là kết quả điều chỉnh lãi suất tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. DXY tăng mạnh 3,05% đã đẩy các tiền tệ mới nổi vào thế suy yếu làm giảm sức mua hàng hóa nói chung. Đầu cơ và các quỹ cân đối thanh lý bớt các tài sản rủi ro khiến chứng khoán và giá cà phê kỳ hạn suy thoái trở lại.
Trong khi thị trường vàng được chọn làm nơi trú ẩn và dầu thô có cơ hội hứng trọn dòng vốn đầu cơ do Tổ chức dầu mỏ OPEC+ tuyên bố không chỉ gia hạn cắt giảm sản lượng và sẽ cắt thêm trong tháng 9.
Trong khi đó, áp lực bán hàng cà phê vụ mới từ nhà sản xuất hàng đầu càng mạnh thêm do tỷ giá đồng Reais giảm 0,44%, xuống đứng ở mức 1USD = 4,8751 R$ khiến người Brazil càng tăng cường bán cà phê xuất khẩu.
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) trong báo cáo thương mại tháng 6 cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng đạt 9,39 triệu bao, giảm 6,66% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này góp phần lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 9 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 6,52% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống ở mức tổng cộng 84,02 triệu bao.
ICO đã duy trì dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê 2022/2023 ở mức cao hơn 1,70% so với năm trước với tổng cộng 171,27 triệu bao.
Đồng thời, ICO cũng giữ nguyên dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ hiện tại sẽ tăng 1,66% so với niên vụ trước, lên đạt tổng cộng 178,53 triệu bao. Do đó, dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao trong niên vụ cà phê tới 2023/2024.
Tồn kho cà phê Robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ sáu ngày 4/7 đã giảm thêm 1.090 tấn, tức giảm 2,09% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 50.960 tấn (khoảng 849.333 bao, bao 60 kg), tiếp tục đứng ở mức thấp nhưng vẫn không thấy có sự bổ sung nào từ các nhà sản xuất Robusta chính trên toàn thế giới.
Mọt đục quả hại cà phê và biện pháp phòng trừ
Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong những loài sâu hại cà phê thì mọt đục quả (Hypothenemus hampei) là loài gây hại khá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hạt cà phê.
Mọt đục quả là đối tượng gây thiệt hại lớn đến sản lượng cà phê trên thế giới vì nó không chỉ gây hại trên đồng ruộng mà còn gây hại cả trong quá trình bảo quản.
Triệu chứng gây hại:
Quả cà phê bị mọt gây hại thường có một lỗ tròn nhỏ cạnh núm hoặc chính giữa núm quả. Phần phôi nhũ hạt cà phê bị sâu non ăn rỗng chuyển màu đen và có các rãnh nhỏ để mọt trưởng thành đẻ trứng. Thông thường quả cà phê bị mọt gây hại sẽ bị mất hẳn một nhân. Tuy nhiên cũng có trường hợp mất cả hai nhân nếu mật độ mọt trên vườn nhiều.
Tác nhân gây hại: Mọt trưởng thành là bọ cánh cứng nhỏ, đầu gục về phía trước. Con cái có màu đen bóng, dài từ 1,5 - 2mm và có cánh màng. Con đực có màu nâu đen, không có cánh màng và nhỏ hơn con cái, chỉ dài 1mm.
Sự phát sinh, phát triển, gây hại của mọt đục quả: Mọt đục quả lưu truyền quanh năm trên vườn cà phê. Mọt sống trong các quả khô dưới đất và trên cây sau vụ thu hoạch, tiếp tục lan truyền sang các quả xanh già và quả chín trong suốt mùa mưa. Mọt có thể phá hoại cả quả khô trong kho bảo quản nếu không được phơi khô và ẩm độ hạt còn cao (>13%). Vòng đời của mọt kéo dài khoảng 43 - 54 ngày.
Biện pháp phòng trừ:
Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch bằng cách tận thu tất cả các quả khô và chín còn sót lại ở trên cây và dưới đất.
Thu hái các quả chín trên cây bất cứ lúc nào để hạn chế tác hại và cắt đứt sự lan truyền của mọt.
Bảo quản hạt cà phê ở ẩm độ <13%.
Thường xuyên thăm vườn để phát hiện dấu hiệu của mọt. Ở vùng bị mọt đục quả phá hoại nặng nhiều năm liền có thể dùng thuốc hóa học để phun trên toàn vườn, ví dụ như thuốc Buprofezin + Chlorpyrifos Ethyl (Proact 555 EC); Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Subside 505 EC)… (liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.