Giá cà phê hôm nay 6/7: Giá cà phê suy yếu do áp lực bán hàng vụ mới
Giá cà phê suy yếu do áp lực bán hàng vụ mới
Nguyễn Phương
Thứ năm, ngày 06/07/2023 13:45 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 6/7: Các thị trường cà phê kỳ hạn tiếp tục chịu sức ép bán hàng vụ mới của các nhà sản xuất và xuất khẩu lớn. Giá cà phê hôm nay (6/7) tại thị trường trong nước tiếp đà giảm 200 đồng/kg. Theo đó, 64.500 đồng/kg là mức giao dịch thấp nhất, được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 15 USD, xuống 2.512 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 17 USD, còn 2.414 USD/ tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 1,60 cent, xuống 158,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 1,55 cent, còn 158,15 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Phân tích kỹ thuật trên thị trường Robusta cho thấy các chỉ số đang cho tín hiệu động lượng giảm vẫn còn. Dự kiến trong ngắn hạn giá cà phê Robusta giằng co tích lũy trong biên độ 2500 – 2550. Giá Robusta cần bật tăng vượt mức 2550 để tìm cơ hội tăng trở lại mức kháng cự tâm lý 2600.
Ngược lại, cần lưu ý vùng giá 2495 – 2500, nếu xuống dưới vùng này giá cà phê Robusta có thể thiết lập xu hướng giảm.
Trên thị trường Arabica, nhịp điều chỉnh tăng trong phiên hôm qua đã tạm thời ngắt xu hướng giảm của giá cà phê Arabica. Tuy nhiên, các chỉ số kỹ thuật đều cho tín hiệu động lượng giảm vẫn còn.
Dự kiến trong ngắn hạn giá có thể còn tiếp tục giảm dò hỗ trợ vùng 155 – 157. Tuy nhiên không loại trừ khả năng sớm xuất hiện nhịp điều chỉnh tăng phục hồi kỹ thuật do giá đang ở gần vùng quá bán.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tiếp đà giảm 200 đồng, xuống dao động trong khung 64.500 - 65.100 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 64.500 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 64.700 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 64.900 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 65.100 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Các thị trường cà phê chủ yếu trở lại xu hướng tiêu cực do áp lực bán hàng vụ mới hiện đang thu hoạch ở Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới với dự báo được mùa kỷ lục.
Trong báo cáo phát hành hàng tuần mới nhất, hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới Cooxupé (Brazil) cho biết các thành viên của họ đã thu hoạch 34,60% sản lượng, nhiều hơn mức 25,72% thu hoạch cùng thời điểm năm trước, nhờ thời tiết khô ráo thuận lợi cho việc phơi sấy và nâng cao chất lượng hạt.
Trong báo cáo thị trường cà phê hàng tháng, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết xuất khẩu cà phê Milds của Colombia đã giảm 7,2% trong tháng 5, trong khi xuất khẩu cà phê Naturals của Brazil giảm 14%. Cả hai đều là cà phê Arabica chất lượng cao được giao dịch rộng rãi nhất trên thị trường.
Trong 8 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023, xuất khẩu cà phê Naturals của Brazil đã giảm 9,8% và xuất khẩu cà phê Mild của Colombia có 11 tháng liên tiếp xuất khẩu giảm.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt Robusta, một loại được sử dụng rộng rãi để làm cà phê hòa tan hoặc sản xuất cà phê rang và xay, tăng 6,8% trong tháng 5.
Xuất khẩu cà phê Việt có khả năng đạt 4 tỷ USD năm thứ 2 liên tiếp
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt 150.000 tấn, trị giá 392 triệu USD. So với tháng 5, con số này gần như không thay đổi về lượng và tăng 2% về giá trị.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 2.367 USD/tấn, tăng 5,2% so với nửa đầu năm ngoái.
Như vậy trong 9 tháng của niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê. Ngoải ra, thị trường trong nước ước tiêu thụ khoảng 200.000 tấn cho cả niên vụ. Trong khi đó, sản lượng cà phê ước giảm 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống 1,6 - 1,5 triệu tấn. Như vậy tồn kho hiện tại còn rất ít, kể cả việc cộng thêm hàng tồn kho gối từ vụ trước khoảng 100.000 tấn.
Thực tế, mức kim ngạch xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đã cao nhất trong vòng 10 năm qua của Việt Nam. Với kết quả đạt được, có khả năng năm 2023 sẽ là năm tiếp theo Việt Nam đạt mức kim ngạch 4 tỷ USD xuất khẩu cà phê (sau khi ghi nhận kỷ lục 4 tỷ USD vào năm 2022).
Mặc dù lượng xuất khẩu cà phê giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng do nhiều tháng qua giá cà phê Robusta thế giới ghi nhận xu hướng tăng liên tục, điều này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương.
Trong đó, riêng tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu 150.00 tấn cà phê với trị giá đạt 392 triệu USD, tăng lần lượt 9,1% về lượng và 24,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), thời gian qua, giá cà phê Robusta thế giới kéo dài chuỗi tăng giá chủ yếu do hụt cung. Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê niên vụ 2022/23 của Việt Nam giảm từ 10 -15% so với niên vụ 2021/22, tồn kho trong dân gần như đã cạn kiệt.
Bên cạnh đó, nền kinh tế suy thoái và lạm phát vẫn duy trì ở mức cao ở hầu hết các nước, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ cà phê có giá thấp hơn so với cà phê Arabia. Các nhà rang xay buộc phải đáp ứng theo xu hướng này và mua cà phê Robusta nhiều hơn để phối trộn với cà phê Arabica nhằm giảm giá sản phẩm cà phê xuống mức thấp có thể để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, áp lực bán hàng vụ mới của Brazil khiến giá cà phê Arabica giảm.
Các chuyên gia dự báo, thời gian tới giá cà phê Robusta tiếp tục xu hướng tăng khi cầu vượt cung đã tác động tích cực lên giá mặt hàng này.
Để thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc thường trực Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, sẽ thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu trong top đầu thế giới đối với một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê... Ví dụ như cà phê, nước ta là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 2, xuất khẩu cao su lớn thứ 4 và xuất khẩu hạt điều đứng thứ nhất toàn cầu.
Chính vì thế, tiềm năng tiêu thụ, giao dịch các sản phẩm này trên các Sở Giao dịch hàng hóa là rất lớn. Trên thực tế, sản phẩm cà phê Robusta đã được Sở Giao dịch ICE London niêm yết với khối lượng giao dịch từ 100.000 – 200.000 tấn mỗi ngày.
Trong các mục tiêu MXV đề ra trong năm nay, có những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về việc việc niêm yết giao dịch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, và cụ thể là thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt đối với mặt hàng cà phê.
Trong thời gian qua, MXV đã làm việc với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam để có thể niêm yết giao dịch các mặt hàng này một cách hiệu quả, và điều kiện bắt buộc là phải chuẩn hóa sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.