Giá đất nông nghiệp vùng ven Hà Nội tăng chục lần

An Vũ Chủ nhật, ngày 17/01/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngay sau khi công bố quy hoạch, giá đất nông nghiệp một số nơi như đất vườn, đất ruộng vùng ven Hà Nội vốn chỉ vài trăm nghìn đồng đã tăng lên vài triệu đồng/m2.
Bình luận 0

Giá đất nông nghiệp vùng ven Hà Nội tăng hàng chục lần

Theo ghi nhận, từ vài tháng cuối năm 2020 đến nay, giá đất nền, đất thương mại dịch vụ, đất nông nghiệp tại các vùng nông thôn thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội như Ứng Hòa, Đông Anh, Quốc Oai, Hòa Lạc...đây tăng chóng mặt với mức tăng cả chục lần.

Trước các thông tin có dự án chuẩn bị triển khai, không ít nhà đầu tư chuyển sang mua đất nông nghiệp ở vùng ven Hà Nội.

Một nhà đầu tư trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, cách đây vài tháng, anh mua mảnh đất nông nghiệp có diện tích hơn 400m2 ở huyện Thạch Thất, gần Khu đô thị Hòa Lạc với giá 1,5 triệu đồng/m2. Hiện đã có người trả giá sang tay giá hơn 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, anh vẫn chưa bán vì theo dự tính, rất có thể trong năm 2021 giá đất nông nghiệp tại đây sẽ được đẩy lên.

"Giá đất nông nghiệp quanh khu Hòa Lạc hiện rất có giá. Tại đây sắp đầu tư các Khu đô thị rồi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nên nhiều cò đất đến hỏi mua, nhưng tôi đợi giá lên khoảng 3-4 triệu đồng/m2 mới bán", anh này nói.

Khảo sát của PV Dân Việt trên một số website bất động sản, giá đất nông nghiệp tại khu Hòa Lạc (Thạch Thất) được rao từ 2 - 4 triệu đồng/m2.

Giá đất nông nghiệp vùng ven Hà Nội tăng chục lần - Ảnh 1.

Giá đất nông nghiệp vùng ven Hà Nội tại các huyện như Đông Anh, Thạch Thất có giá ở mức 2 - 4 triệu đồng/m2.

Trên trang batdongsan, một mảnh đất vườn có diện tích 2.165 m2 được rao với giá 3,9 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là sát đường DH09, cạnh đường chính Hòa Thạch, sát đô thị Hòa Lạc. Đất có sổ đỏ, mặt tiền 38m với 3 mặt tiền.

Hay một mảnh đất trồng cây được giới thiệu là "đất vàng" khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích 1.000 m2 với hướng "Tây tứ trạch - Đông trạch đều có" có giá là 2,1 triệu đồng/m2.

Tương tự như vậy, giá đất nông nghiệp tại huyện Đông Anh mấy năm gần đây cũng liên tục tăng. Theo tìm hiểu, từ năm 2019 đến nay, những diện tích đất nông nghiệp trong đê sông Hồng, thuộc địa phận các xã Xuân Canh, Tàm Xá, Đông Hội được cò đất tăng cường săn mua.

Nhiều cò đất ở Đông Anh cho hay, nếu năm 2019, giá đất trong đê chỗ đẹp khoảng 400.000-500.000 đồng/m2 thì từ cuối năm ngoái đã tăng lên từ 2 triệu - 3 triệu đồng/m2. Dù giá đất nông nghiệp đắt nhưng nhà đầu tư muốn xuống tiền để "lướt sóng" cũng khó.

Đơn cử như một mảnh đất có diện tích 1080m2 nằm ở xã Xuân Canh (Đông Anh) hiện được rao với giá 2 triệu đồng/m2. Theo người bán, do cần tiền gấp nên mới bán mảnh đất nông nghiệp với giá này.

Mức giá này hiện cao hơn rất nhiều so với giá Nhà nước đền bù khi lấy đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhiều nếu so với giá đất đền bù theo giá thị trường mà nhiều chủ đầu tư chuyển đổi thành đất dự án, đất ở tại Hà Nội hiện nay.

Nhu cầu mua đất nông nghiệp vùng ven tăng cao

Ông Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc sàn giao dịch BĐS IP Land cho rằng, những năm gần đây, nhu cầu tìm mua đất nông nghiệp tại các huyện như Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh... tăng cao. Nguyên nhân khiến người mua quan tâm đến những khu vực này do giá đất còn thấp so với nhiều địa bàn khác. 

Bên cạnh đó, thông tin về dự án khu đô thị, dự án hạ tầng giao thông đã và chuẩn bị được triển khai ở đây cũng phần nào tác động khiến giá đất sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Việc nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô mua đất nông nghiệp với hy vọng giá đất sẽ tăng cao nếu như được nằm trong diện tích đất được chuyển đổi theo quy hoạch bởi tác động từ thông tin nhiều hạng mục hạ tầng Khu đô thị Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Rồi huyện Hoài Đức cũng có thêm nhiều dự án hạ tầng giao thông đang tiếp tục được triển khai đầu tư như Dự án đường Vành đai 2,5; Dự án đường Liên khu vực 1, kết nối giao thông Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 422 và Đại lộ Thăng Long hay Dự án đường liên khu vực 8, đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Tỉnh lộ 423, chạy qua địa bàn xã An Khánh, An Thượng...

Giá đất nông nghiệp vùng ven Hà Nội tăng chục lần - Ảnh 3.

Việc nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô mua đất nông nghiệp với hy vọng giá đất sẽ tăng cao.

Trên báo chí, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, tình trạng phát triển dự án bất động sản tại Hà Nội trong khoảng thời gian 2 - 3 năm trở lại đây rất ì ạch, gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư. Những dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cũng chỉ cung cấp khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý cho thị trường. 

“Trong khi lượng cung mới từ các dự án trở nên hiếm hoi, thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang có xu hướng chuyển dịch sang tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất...” - ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, nhận được sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của nhiều nhà phát triển bất động sản lớn của Việt Nam và đã thực hiện công bố quy hoạch phát triển đô thị. 

Việc nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng này đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp, giá được đẩy lên cao. Có nơi trước đây ngưỡng giá đất trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng một mét vuông. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng một mét vuông.

Giá đất làng Hà Nội "sốt ảo", tăng 50%

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây công bố báo cáo cho thấy, năm 2020 đất làng, xã tại Hà Nội đã tăng 50% so với năm 2019.

Theo báo cáo, nhà đất tại các dự án được đầu tư tốt về hạ tầng, đã tăng 5% so với năm 2019. Một số khu vực tại Hà Đông, Tố Hữu đã ghi nhận mức giá kỷ lục, lên tới 300 triệu đồng/m2.

Trước tác động của quá trình đô thị hóa, một số nơi Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức;... giá đất đã tăng lên ngưỡng 25 triệu - 30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019. Các huyện như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng 20% - 30% so với năm 2019.

VARS nhận định, mặc dù giá tăng cao nhưng khối lượng giao dịch không nhiều, chủ yếu giá tăng là hoạt động đầu cơ.

Sở dĩ các huyện ven đô Hà Nội tăng giá đột biến trong năm 2020 một phần là do thông tin được quy hoạch lên quận trong năm 2022 - 2025. Hiện tượng tăng giá bất thường này đã tạo ra các cơn sốt đất cục bộ ở nhiều nơi.

"Do sốt đất đã có hiện tượng người dân đòi đền bù giá cao 4 - 5 triệu đồng/m2, diễn ra ở nhiều khu vực, làm bế tắc nhiều dự án phát triển bất động sản tại Hà Nội", VARS nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem