Gia tăng trẻ mắc tay chân miệng, cảnh giác với chủng virus gây bệnh nặng
Gia tăng trẻ mắc tay chân miệng, cảnh giác với chủng virus gây bệnh nặng
Diệu Linh
Thứ năm, ngày 06/07/2023 06:58 AM (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ Y tế, nửa đầu năm 2023, nước ta ghi nhận gần 15.000 ca tay chân miệng, 6 trường hợp tử vong. Đáng nói, chủng khiến bệnh diễn tiến nặng đang gia tăng.
Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây các bác sĩ ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám và điều trị, chủ yếu ở mức độ 1 và 2a.
Các bệnh nhi nhập viện với các biểu hiện như xuất hiện vết tổn thương da vùng chân tay miệng, sốt cao trên 39 độ C, giật mình, nôn, quấy khóc. Tuy nhiên cũng có một số trẻ lại không có biểu hiện bên ngoài, gây khó khăn cho việc phát hiện và chẩn đoán.
Theo bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71.
Trong đó virus Enterovirus typ 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các bác sĩ khuyến cáo, để chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ cần:
– Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống, cho trẻ nhỏ ăn, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
– Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
– Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
– Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.
– Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
– Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần cho trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa ngay để điều trị kịp thời .
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến cuối tháng 6/2023, nước ta ghi nhận gần 15.000 ca tay chân miệng, 6 trường hợp tử vong.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16.
Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Về bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Nếu như tuần 14 chủng này chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm thì tuần 23 tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40% trong các mẫu xét nghiệm.
Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.