Những doanh nghiệp tên tuổi lớn như Dabaco, Hòa Phát, Mitraco hay Dolico…lãi đậm nhờ giá thịt heo tăng cao trong 3 tháng đầu năm. Đơn cử như Dolico, lợi nhuận quý I đã cao hơn cả lợi nhuận năm 2019; lợi nhuận của Dabaco năm 2020 có thể bằng vốn điều lệ của doanh nghiệp. Cùng với đó, cổ phiếu tăng phi mã lên tới 3 chữ số.
Giá thịt heo tăng cao từ cuối năm 2019 và gần hết 6 tháng đầu năm 2020, đã giúp cho các doanh nghiệp chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và một số ngành nghề liên quan "lãi đậm" trong quý I/2020.
Đứng đầu trong danh sách những công ty thực phẩm lãi lớn trong quý I/2020 là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Theo đó, Dabaco ghi nhận 3.248 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2020. Lợi nhuận sau thuế của Dabaco tăng trưởng 17 lần so với cùng kỳ năm 2019, đạt 340 tỷ đồng.
Để có được kết quả này, Dabaco đã tăng cường sản xuất các sản phẩm là nhu yếu phẩm thiết yếu như trứng gà tươi, trứng gà chế biến, thực phẩm chế biến từ thịt và tổ chức hệ thống phân phối, vận chuyển an toàn đến tận tay người tiêu dùng.
Đơn vị chăn nuôi cũng tăng cường bán lợn thịt, gà thịt nhằm cung cấp cho thị trường nguồn cung thực phẩm chất lượng cao và ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đáng chú ý, tại phiên họp cổ đông thường niên năm 2020, theo Chủ tịch HĐQT Dabaco ông Nguyễn Như So, Dabaco có thể điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với kết quả kinh doanh thực tế, khi đã thực hiện 74% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý I. Cũng theo vị Chủ tịch Dabaco, lợi nhuận doanh nghiệp có thể đạt bằng vốn điều lệ (hiện là 911 tỷ đồng) với tình hình thị trường như hiện nay.
Bên cạnh mức tăng trưởng 17 lần về lợi nhuận quýI/2020, dòng tiền kinh doanh chính của Dabaco cũng chuyển từ trạng thái âm 219 tỷ đồng lên dương 116 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu DBC của Dabaco tăng phi mã với mức tăng lên tới 543% kể từ khi niêm yết và tăng 80% trong vòng 1 quý.
Đứng thứ hai là Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - VSN). Báo cáo tài chính quý I/2020 của doanh nghiệp cho thấy, doanh thu thuần của Vissan trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 1.453 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019 và lãi sau thuế 46,5 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, doanh thu thịt tươi sống chiếm gần 669 tỷ đồng, tăng 20% và doanh thu thực phẩm chế biến chiếm gần 742 tỷ đồng, tăng 22%.
Theo giải trình của Vissan, lợi nhuận tăng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi lợn tại chi nhánh. Đồng thời, công ty không trích lập lợi thế kinh doanh trong kỳ do đã thực hiện đủ trong năm 2019.
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico - VLC) cũng có kết quả kinh doanh khả quan khi lợi nhuận sau thuế của báo cáo tài chính riêng lẻ đạt hơn 53,9 tỷ đồng tăng hơn 29,6 tỷ đồng tương ứng với 123% cùng kỳ năm 2019. Còn báo cáo tài chính hợp nhất quý I có lợi nhuận sau thuế đạt 49,8 tỷ đồng tăng hơn 11,3 tỷ đồng tương ứng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco (MLS), đơn vị chuyên chăn nuôi heo siêu nạc, sản xuất và kinh doanh heo thương phẩm, lợn giống… cũng nhờ giá lợn tăng vọt đã thu được doanh thu quý I/2020 hơn 93 tỷ đồng, tăng gần 34% so với quý I/2019. Chốt quý, Mitraco có lãi sau thuế hơn 22,1 tỷ đồng thay vì bị thua lỗ 7,1 tỷ đồng trong quý đầu năm 2019.
Không những có hoạt động kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng tăng đáng kể từ đầu năm đến nay. Tính đến kết phiên18/5, cổ phiếu này đứng ở mức 22.700 đồng/cp, tăng 100% trong vòng 1 tháng qua.
Mới đây nhất, HĐQT Công ty Cổ phần Nông Súc Sản Đồng Nai (Dolico, UPCoM: NSS) đã thông qua Nghị quyết đề ra kế hoạch kinh doanh cho quý II/2020.
Trong quý II, NSS đặt kế hoạch tổng doanh thu 65 tỷ đồng, lãi trước thuế 15 tỷ đồng. Được biết, trong quý I vừa qua, Dolico ghi nhận tổng doanh thu và lãi trước thuế lần lượt 80,7 tỷ đồng và 38,6 tỷ đồng. Với kết quả này, Dolico đã thực hiện gần 48% kế hoạch doanh thu năm vượt 141% kế hoạch năm về lợi nhuận và cao hơn cả lợi nhuận năm 2019 (27,3 tỷ đồng).
"Không chuyên" về nông nghiệp, sau 5 năm đầu tư vào lĩnh vực này, Hòa Phát của ông Trần Đình Long cũng "lãi đậm" từ bán trứng gà, nuôi bò và nuôi heo trong quý I.
Theo đó, quý I/2020, lợi nhuận từ mảng nông nghiệp bao gồm bán trứng gà, nuôi heo, nuôi bò của Hòa Phát tăng "đột biến", hơn 420% so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ mảng nông nghiệp đạt 482 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước.
Tại buổi gặp mặt với nhà đầu tư mới đây, Chủ tịchTrần Đình Long đánh giá "mảng nông nghiệp quá tốt", "2 con bò nhập khẩu từ Úc thì chúng tôi có 1 con, 5 tuổi bước chân vào ngành bò, làm cẩn thận và vững chắc, trứng gà hiện nay cũng đang số 1 Việt Nam mỗi ngày tiêu thụ 400.000 quả".
Ở thời điểm hiện tại, Hòa Phát mỗi năm tiêu thụ khoảng 150.000 con bò, 200.000 con heo. Tỷ trọng lợi nhuận phân bổ mảng heo 60%, bò 30% và 10% còn lại từ gà và thức ăn chăn nuôi. Công ty đặt mục tiêu nâng sản lượng trứng gà từ nay đến cuối năm lên 700.000 quả/ngày. Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ mảng nông nghiệp.
Ngược lại, Masan MEATLife của ông Nguyễn Đăng Quang lại ghi nhận khoản lỗ 31 tỷ đồng quý I vừa qua mặc dù doanh thu hợp nhất tăng hơn 6% lên 3.397 tỷ đồng. Trong đó mảng thịt có giá trị 278 tỷ đồng chiếm tỷ lệ hơn 8%. Lợi nhuận gộp tăng 11% lên mức 563 tỷ đồng.
Đặc thù của Masan MEATLife vẫn là doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhưng đang chuyển đổi dần sang ngành hàng thịt với mục tiêu tỷ trọng tăng lên 20% doanh thu thuần. Đến cuối quý I, mảng thịt có 1.100 điểm bán đi vào hoạt động, tăng từ mức 600 điểm bán vào tháng 12/2019 nhờ mở rộng đại lý và phân phối qua VinMart+.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.