Trên thị trường thế giới, USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 104,75 (lúc 8h00 giờ Việt Nam), tăng 0,5% so với giao dịch cùng thời điểm ngày hôm qua (104,20).
Đồng USD tăng vào phiên giao dịch vừa qua, do có thông tin cho rằng, lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng trưởng lần đầu tiên trong tháng 3 kể từ tháng 9/2022.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết, sản xuất của Mỹ phục hồi và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên, mặc dù việc làm tại nhà máy vẫn giảm và giá đầu vào tăng. Sự phục hồi này đã chấm dứt 16 tháng suy thoái liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất, chiếm 10,4% nền kinh tế.
Theo công cụ CME FedWatch cho thấy, thị trường hôm 1/4 đã giảm đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cuối tuần trước cho biết, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,3% trong tháng 2, giảm so với mức ước tính 0,4% của các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Reuters. Trong khi đó, giá hàng hóa tăng 0,5% trong tháng 2, được thúc đẩy bởi giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác tăng 3,4%. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa giải trí, xe cộ, quần áo và giày dép cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá đồ nội thất, thiết bị gia dụng và các hàng hóa sản xuất lâu dài khác đã giảm xuống.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 29/3 cho biết: dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ “phù hợp với những gì mà chúng tôi dự đoán”, khẳng định nhận xét của ông sau cuộc họp chính sách của Fed vào tháng trước.
Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bất ngờ bật tăng mạnh, tăng từ 0,31% trong phiên ngày 28/3 lên 2,51% phiên ngày 29/3, tương ứng tăng tới 2,2 điểm %.
Tương tự tại các kỳ hạn khác như kỳ hạn 1 tuần tăng từ 1,7% lên 2,98%; 2 tuần từ 1,97% lên 2,71%; 1 tháng tăng từ 3,16% lên 3,80% và tại kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,29%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.