Giá vật liệu hôm nay 1/6: Thép trong nước giảm tiếp 350.000 đồng/tấn, giá xi măng lại tăng mạnh
Giá vật liệu hôm nay 1/6: Thép trong nước giảm tiếp 350.000 đồng/tấn, giá xi măng lại tăng mạnh
P.V
Thứ tư, ngày 01/06/2022 13:07 PM (GMT+7)
Giá vật liệu hôm nay 1/6: Giá thép hôm nay tăng lên mức 4.711 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục hạ giá thép từ ngày 1/6 và là lần giảm thứ 4 liên tiếp trong 3 tuần, còn giá xi măng thì tăng mạnh.
Giá thép hôm nay giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 55 nhân dân tệ lên mức 4.711 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Trước đó, giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc ngày 31/5 tăng gần 4%, chạm mức 900 nhân dân tệ (tương đương 135,00 USD)/tấn, mức tăng lần đầu tiên sau gần 6 tuần, do trung tâm tài chính Thượng Hải hoạt động trở lại làm tăng hy vọng về sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sau thời gian dài giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Các quan chức ở Thượng Hải cũng đã thông báo chấm dứt tình trạng giãn cách kéo dài suốt 2 tháng. Thành phố sẽ chuyển sang giai đoạn kiểm soát dịch bệnh bình thường, cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại và người dân ở khu vực "có nguy cơ thấp" quay trở lại làm việc.
Mức tiêu thụ sản phẩm quặng sắt ở hạ nguồn dần tăng lên sau khi buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng do dịch Covid-19 bùng phát, làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất kim loại trong mùa cao điểm truyền thống.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc trong tháng 5 giảm chậm hơn so với tháng 4/2020, mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý II vẫn còn nhiều hạn chế.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 tăng 3,8% lên 908 nhân dân tệ/tấn. Trước đó, quặng sắt đã tăng 2,7% lên 898 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay với hàm lượng sắt 62%Fe để giao cho Trung Quốc không đổi so với phiên trước, được duy trì ở mức 136,5 USD/tấn.
Giá than cốc kỳ hạn trên sàn hàng hóa Đại Liên tăng 2,3% lên 2.682 nhân dân tệ/tấn và giá than luyện cốc tăng 2% lên 3.496 nhân dân tệ/tấn.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép biến động trái chiều, với thép cây được sử dụng làm vật liệu xây dựng giao tháng 10 tăng 0,8% lên 4.650 nhân dân tệ/tấn và thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 4.764 nhân dân tệ/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 giảm 1,5% xuống 18.240 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép trong nước lần thứ 4 giảm đến 350.000 đồng/tấn
Trong nước, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục hạ giá thép từ ngày 1/6 và là lần giảm thứ 4 liên tiếp trong 3 tuần.
Giá thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn 17,25 triệu đồng/tấn và 17,81 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, hai loại trên lần lượt giảm 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn xuống còn 17,25 triệu đồng/tấn và 17,71 triệu đồng/tấn.
Với thương hiệu thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 hạ theo thứ tự là 200.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn xuống 17,22 triệu đồng/tấn và 17,73 triệu đồng/tấn.
Với Việt Đức ở khu vực miền Bắc, CB240 và D10 CB300 sau điều chỉnh còn 17,12 triệu đồng/tấn và 17,78 triệu đồng/tấn, cùng giảm 200.000 đồng/tấn.
Thép Kyoei giảm 200.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300. Sau thay đổi, giá còn lần lượt là 17,22 triệu đồng/tấn và 17,68 triệu đồng/tấn.
Việt Nhật hạ 200.000 đồng/tấn đối với cả CB240 và CB300. Sau khi giảm, giá còn lần lượt là 17,17 triệu đồng/tấn và 17,37 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam cũng cùng mức giảm 200.000 đồng/tấn đối với hai loại thép trên. Từ ngày 1/6, giá CB240 và CB300 còn 17,66 triệu đồng/tấn và 18,07 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina giảm 210.000 đồng/tấn đối với CB240 và 300.000 đồng/tấn đối với CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại trên còn 18,06 triệu đồng/tấn và 18,27 triệu đồng/tấn.
Trong 3 tuần, giá thép giảm 4 lần liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 1,1-1,7 triệu đồng/tấn. Cụ thể, thép CB240 và CB300 của Hòa Phát ở miền Bắc giảm lần lượt 1,08 triệu đồng/tấn và 1,43 triệu đồng/tấn. Thép Việt Ý hạ 1,67 triệu đồng/tấn và 1,26 triệu đồng/tấn với hai loại thép trên.
Theo các chuyên gia trong ngành, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc làm nhu cầu thép tại nước này giảm. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ lạm phát cao cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thép. Giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thép đi xuống cũng góp phần khiến giá thép hạ nhiệt.
Ngược với giá thép thì giá xi măng lại tăng mạnh. Trong khi giá thép giảm mạnh tới gần 1 triệu đồng/tấn chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 5 thì giá xi măng vẫn tăng mạnh.
Giá bán xi măng trong nước trong tháng 5 tăng khoảng 40.000-80.000 đồng/tấn, tùy từng loại và thương hiệu xi măng.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, giá xi măng tăng 13,7% so với 5 tháng cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với quý IV/2021.
Các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho hay, năm 2022, chi phí trong sản xuất ngành xi măng tăng mạnh do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng tăng rất mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.