Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 19/10/2022 08:25 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 19/10: Giá dầu tăng vọt trong phiên 19/10 vì những lo ngại về nguồn cung, dù đà tăng bị hạn chế trước các dự báo nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc giảm, trong lúc chính sách "Zero Covid" tiếp tục được thực hiện.
Sau khi lao dốc trong phiên 18/10 do lo ngạị nhu cầu tiêu thụ dầu yếu, giá dầu hôm nay đã quay đầu tăng mạnh khi đồng USD suy yếu và lo lắng nguồn cung thắt chặt.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 19/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 83,14 USD/thùng, tăng 1,07 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 18/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã giảm tới 1,84 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 90,92 USD/thùng, tăng 0,89 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 1,18 USD so với cùng thời điểm ngày 18/10.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh chủ yếu do đồng USD mất giá và tâm lý tích cực của nhà đầu tư trước đà tăng diểm của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu.
Giá dầu ngày 19/10 cũng được hỗ trợ mạnh bởi lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn khi các biện pháp trừng phạt, áp trần giá dầu, giá khí đốt Nga của EU, G7 có hiệu lực.
Ở diễn biến mới nhất, theo báo cáo từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 14/10 đã giảm 1,27 triệu thùng, xuống còn 405,1 triệu thùng. Tồn kho xăng của Mỹ giảm 2,17 triệu thùng và các sản phẩm chưng cất giảm 1,09 triệu thùng.
Trước đó, giá dầu thô phiên 18/10 đã giảm mạnh khi Trung Quốc trì hoãn việc công bố các chỉ số kinh tế ban đầu, làm dấy lên nhiều lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu thô của nước này.
Thông tin Mỹ lên kế hoạch bán dầu thô từ kho dự trữ chiến lược cũng tạo áp lực không nhỏ lên giá dầu thô.
Cụ thể, nhiều thông tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ công bố việc bán dầu mỏ từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) ra thị trường nhằm bình ổn giá nhiên liệu trong nước.
Việc EU triển khai một loạt các biện pháp nhằm bình ổn thị trường năng lượng, áp trần giá bán khí đốt và các kho dự trữ khí đốt được lấp đầy tới 90%, qua đó kéo giá khí đốt xuống ở mức còn 1/3 so với mức đỉnh cũng góp phần kéo giá dầu thô đi xuống.
Theo các nhà phân tích của ANZ Research, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, đầu tháng này thông báo cắt giảm mạnh sản lượng, các nhà đầu tư đã tăng cường mua vào với nhận định giá sẽ tăng trong tương lai.
Trong khi đó, khả năng Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chịu những tác động do các hạn chế nhằm kiểm soát dịch đã hỗ trợ giá dầu. Ngân hàng trung ương nước này ngày 17/10 đã cấp các khoản vay chính sách trung hạn, trong khi giữ nguyên lãi suất tháng thứ hai.
Tuy nhiên, những dự báo về nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư, sau khi nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới hoãn công bố các số liệu kinh tế muộn hơn so với dự kiến là ngày 18/10.
Về phía nguồn cung, khảo sát sơ bộ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ ước tính tăng tuần thứ hai liên tiếp, với mức tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 14/10.
Giá dầu thế giới giảm trong phiên 18/10 do kỳ vọng về nguồn cung của Mỹ tăng. Mỹ đang tiến tới việc giải phóng ít nhất 10 -15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp quốc gia trong một nỗ lực để giữ giá xăng không tăng cao hơn nữa.
Những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng cũng gây áp lực lên giá dầu. Trong khi đó, các nhà kinh doanh đang chờ số liệu về dự trữ nhiên liệu của Mỹ khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ chuẩn bị công bố báo cáo tồn kho xăng dầu hàng tuần của nước này vào ngày 19/10.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực trở lại khi Mỹ tìm cách can thiệp vào thị trường. Việc Trung Quốc trì hoãn công bố các dữ liệu kinh tế như GDP quý III và cán cân xuất nhập khẩu trong khi Đại hội Đảng đang diễn ra phần nào “trì hoãn” được các tin xấu cho thị trường, và làm nổi bật lên triển vọng phục hồi kinh tế trong tương lai của nước này.
Tuy vậy, giá có thể sớm gặp áp lực trở lại, khi Mỹ quyết tâm tìm biện pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu. Trong kế hoạch bán 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ, công bố từ tháng 3, Chính phủ Mỹ vẫn còn khoảng 14 triệu thùng dầu tung ra thị trường. Bên cạnh đó, theo các quy định từ trước để đảm bảo về ngân sách, Mỹ sẽ phải bán thêm 26 triệu thùng dầu, bắt đầu từ tháng 10 năm nay. Nếu chính phủ tăng tốc quá trình này, có thể sẽ tạo thêm áp lực điều chỉnh cho giá trong ngắn hạn. Đặc biệt, sức ép Mỹ lên OPEC+ đang tăng lên sau khi nhóm quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, có thể thấy rõ khi các thành viên OPEC+ phải lên tiếng “bênh vực” cho Saudi Arabia. Điều này có thể khiến cho mức giảm sản lượng của các thành viên có thể không quá mạnh, và OPEC+ cũng khó có thể lặp lại biện pháp cắt giảm sản lượng trong tương lai gần để hỗ trợ giá.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/10.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.
Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết, trong kỳ điều hành lần thứ 2 trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nên giá cơ sở xăng dầu đều tăng.
Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi quỹ đối với các loại xăng dầu khác.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 19/10 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 715 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít, giá sẽ tăng 2.179 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.387 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).
Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3/10 - 11/10) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+.
Cụ thể, mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và dự kiến xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm.
Bộ Công Thương cho biết, lượng hàng xăng dầu tồn trong kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa. Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...
Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.
Diễn biến mới nhất, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu…
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật. Thông tin khách quan, phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng.
Tại buổi họp với Bộ Công Thương mới đây, nhiều doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh định mức premium và chi phí kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp có thể nhập thêm hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Được biết, giá dầu thô tiếp tục biến động nên giá xăng dầu trong nước dự kiến tăng tiếp trong kỳ tới. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc vào tình hình giá dầu thô thế giới trong vài ngày tới và mức chi/trích quỹ bình ổn giá. Ngược lại, nếu dầu thô giảm, giá xăng dầu trong nước có cơ hội giữ nguyên hoặc giảm. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước còn tùy thuộc và diễn biến dầu thô trong những ngày tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.