Giám đốc NIC: Sẽ xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam

An Linh Thứ ba, ngày 13/02/2024 09:48 AM (GMT+7)
Với hội đủ các điều kiện sẵn có nguồn lực nội tại và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu và có thể xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam.
Bình luận 0

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ thấy cơ hội đáng kinh ngạc của Việt Nam....

hia sẻ với báo giới, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tại Việt Nam (NIC) chia sẻ hàng loạt cơ hội của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng ngành bán dẫn và những thách thức cực lớn để Việt Nam đổi thay vận mệnh đất nước mình.

Thưa ông, thời gian vừa qua Việt Nam đón rất nhiều doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn từ Mỹ và các nước trên thế giới, ông đánh giá sao về sự quan tâm của những đại bàng công nghệ về Việt Nam?

- Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực công nghệ cao dồi dào và Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Giám đốc NIC: Sẽ xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam- Ảnh 1.

ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tại Việt Nam (NIC) (Ảnh: MPI).

Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Đó là hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập NIC Hoà Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất…

Các doanh nghiệp nước ngoài đã đánh giá rất cao những tiềm năng của Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng.

Đặc biệt mới đây, Chủ tịch của Nvidia, ông Jensen Huang đã cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam.

Ngành bán dẫn mở ra cơ hội lớn, nhưng theo ông, liệu có thách thức? Mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu, vai trò NIC sẽ thể hiện ra sao?

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như đã đề cập ở trên. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt:

Thứ nhất, chi phí đầu tư cao: Mức đầu tư cho sản xuất chip là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.

Giám đốc NIC: Sẽ xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam- Ảnh 2.

Trụ sở NIC tại Hà Nội

Thứ hai, cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD.

Thứ ba, thách thức về công nghệ: Sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào R&D để duy trì sự cạnh tranh.

Cuối cùng, yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn. Thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Về giải pháp, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030, đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2023 có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, với kỳ vọng cung cấp đủ số lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.

Đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence và Đại học Bang Arizona (ASU) để hình trung tâm ươm tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Kích thích làn sóng đầu tư vào Việt Nam - Sóng FDI thứ 4

Trong quá trình làm việc với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Theo ông, liệu có làn sóng FDI lần thứ 4 vào Việt Nam trong thời gian tới? Và có những câu chuyện thú vị nào mà ông ấn tượng khi các CEO chia sẻ về môi trường đầu tư của Việt Nam?

- Chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến đi của ông Biden cũng mang đến một số thương vụ kinh doanh lớn. Đơn cử, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 Max, trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Giám đốc NIC: Sẽ xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam- Ảnh 3.

Toàn cảnh dự án trụ sở NIC tại Hà Nội (ẢNh: MPI)

Trước đó, FDI của Mỹ và Việt Nam được nhìn nhận là rất khiêm so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2022, tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỉ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam. Hiện Việt Nam muốn chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sáng các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước.

Tiếp đó vào tháng 11 vừa qua, Nhật Bản và Việt Nam đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức chung về tính cấp thiết trong việc thúc đẩy các dự án kinh tế lớn, bao gồm các dự án sử dụng nguồn ODA và FDI của Nhật Bản, khẳng định sẽ xác định cụ thể các dự án này sớm nhất có thể, từ đó nghiên cứu khả năng thiết lập các nhóm công tác điều phối giữa hai chính phủ để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn này. Việc nâng cấp quan hệ song phương được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thu hút dòng vốn Nhật vào Việt Nam.

Theo khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với FDI toàn cầu. Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp.

Năm 2023, chúng ta nhắc đến rất nhiều cơ hội về ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam. Tuy nhiên theo tìm hiểu, các quốc gia phát triển đã đầu tư cho ngành này từ hàng chục năm trước, ông có thể đánh giá cụ thể về vị trí của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay?

- Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã hình thành và trải qua một thời kỳ phát triển dài hơn 40 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp thiết bị với linh kiện và các vi mạch chính đều được mua của nước ngoài. Phương thức hoạt động này làm cho các sản phẩm điện tử ở Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm điện tử được sản xuất ở nước ngoài và nền công nghiệp điện tử đã phát triển rất chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế đất nước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, chứ chưa có dấu hiệu đầu tư vào công nghệ nguồn, cụ thể là công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn. Không làm chủ được công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn, Việt Nam không thể tạo ra được các sản phẩm điện tử có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn, và càng không thể tạo ra các sản phẩm mới có tính chất đột phá về mặt công nghệ sử dụng cho các mục đích khác nhau và đặc biệt là cho an ninh quốc phòng.

Giám đốc NIC: Sẽ xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam- Ảnh 4.

Khuôn viên biểu tượng của NIC

Nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tới năm 2030 dự báo cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế (gồm 14.000 cho nhu cầu trong nước và 1.000 cho nhu cầu từ nước ngoài) và 35.000 kỹ sư trong các công đoạn khác. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng công ty thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại với khoảng 100 công ty, mỗi công ty khoảng 150 kỹ sư và có khoảng 15 nhà máy đóng gói vi mạch với vốn đầu tư trung bình 1 tỷ USD và quy mô trung bình khoảng 2.300 kỹ sư trên một nhà máy.

Với nguồn cung nhân lực dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Kỹ thuật - Công nghệ. Tuy nhiên, việc tập trung đào tạo kỹ sư trong ngành bán dẫn chưa được chú trọng, nên tạo ra khoảng cách lớn giữa nguồn cung và nhu cầu trong ngành. Do đó, việc tập trung đầu tư vào đào tạo kỹ sư bán dẫn là một hướng đi chiến lược nhằm tận dụng tốt nội lực trong nước để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước và góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước là điều rất cấp thiết.

Việt Nam có thể sẽ tham gia sâu vào chuỗi sản xuất chip bán dẫn trong thời gian tới. Trong mảng chip bán dẫn, Việt Nam nên chọn một khâu nào để có nhiều nhất cơ hội?

- Với 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói, thì Việt Nam chỉ mới có hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn.

Đối với thiết kế: Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 36 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.600 kỹ sư.

Đối với kiểm thử, đóng gói: Việt Nam có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn lắp ráp, kiểm thử và đóng gói. Hiện tại, Intel đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD, hoạt động từ 2009 với gần 3.000 kỹ sư. Tại Bắc Ninh, nhà máy Amkor với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD chia làm 3 giai đoạn.

Giám đốc NIC: Sẽ xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam- Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Nvidia (Ảnh: Chinhphu.vn).

Ở khâu thiết kế, tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng phụ thuộc nhiều vào số lượng doanh nghiệp có trong thị trường. Việc gửi kỹ sư ra nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào chất lượng và khả năng đáp ứng các đòi hỏi về kỹ thuật và kỹ năng cũng như trình độ ngoại ngữ của nhân sự được đào tạo tại Việt Nam.

Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế. Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đủ điều kiện và năng lực để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông…; một số trường đại học hàng đầu của Việt Nam là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…; và một số khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu kinh tế các tỉnh thành triển khai nhiệm vụ và giải pháp đào tạo sinh viên, đào tạo sau đại học; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ, thu hút chuyên gia, nhân tài…

Công nghệ bán dẫn đang mở ra cơ hội lớn đối với Việt Nam. Đã có nhiều thỏa thuận được ký kết. Vậy đâu là lộ trình của NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong việc thực hiện hóa các thỏa thuận này thưa ông?

- Trong tháng 9 vừa qua, NIC đã ký MOU với Synopsys, Cadence và Trường Đại học bang Arizona (ASU). Theo biên bản thỏa thuận, Synopsys đã hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại cơ sở Hòa Lạc. Trung tâm này bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Theo đó, Synopsys cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình "Đào tạo Giảng viên" cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Ngoài ra, NIC ký MOU Cadence Design Systems về triển khai các hoạt động, nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; với ASU về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Những hợp tác này đã được cụ thể hóa khi Lễ Khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế Vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ muốn nâng cao năng lực thiết kế vi mạch đã diễn ra vào ngày 11/12 tại Trung tâm ươm tạo thiết kế chip ở NIC Hòa Lạc dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Nvidia Jensen Huang cùng các lãnh đạo Bộ ban ngành, tỉnh thành phố khác.

Chương trình đào tạo được xây dựng với sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu của tập đoàn Cadence, đặc biệt, còn có sự tham gia của các giảng viên đến từ ASU với các chuyên gia có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm lâu năm về mạch tích hợp bán dẫn.

NIC cùng các đối tác trên đã lên kế hoạch định kỳ tổ chức các khóa học đào tạo này. Thông qua những hợp tác này, NIC cũng sẽ cung cấp cho các trường đại học, trung tâm đào tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam công nghệ và chương trình đào tạo cần thiết, để thiết kế và phát triển sản phẩm cho hệ sinh thái bán dẫn và điện tử đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Cadence sẽ cung cấp quyền truy cập vào các công cụ cho các viện nghiên cứu do NIC lựa chọn, mang đến cho sinh viên cơ hội có được trải nghiệm thực tế trong việc tạo ra các thiết kế IC sáng tạo.

ASU sẽ giới thiệu cơ hội việc làm cho các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại trung tâm thiết kế vi mạch NIC để ươm tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành bán dẫn, bao gồm các mối liên kết với hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu rộng lớn của Arizona.

Giám đốc NIC: Sẽ xuất hiện làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam- Ảnh 6.

bộ trưởng Bộ KH&ĐT tiếp Chủ tịch Nvidia (Ảnh: MPI).

ASU và NIC hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam hoặc các tổ chức giáo dục khác để phát triển các chương trình đào tạo, trao đổi nghiên cứu liên quan đến chất bán dẫn và các lĩnh vực liên quan. Hơn nữa, ASU sẽ tạo điều kiện hợp tác với các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn trong ngành bán dẫn tại Hoa Kỳ và trên thế giới để hỗ trợ cho hợp tác giữa ASU và NIC hướng tới việc phát triển hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Các đối tác cũng phối hợp với NIC triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem