Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ III): Bác sĩ sợ sai, bệnh nhân thiếu thuốc

Diệu Linh Thứ năm, ngày 25/08/2022 06:05 AM (GMT+7)
Những nghịch lý trong quy định đấu thầu thuốc, vật tư y tế khiến cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài. Dù biết bệnh nhân khó khăn nhưng các bệnh viện vẫn không dám "phá rào" vì sợ kiểm tra, kỷ luật…
Bình luận 0

Chậm trễ đấu thầu thuốc vì đụng đâu cũng sợ sai

Năm 2022, "căn bệnh" thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trầm trọng và kéo dài hơn mọi năm do công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế quá chậm trễ.

Lý giải về điều này, nhiều bác sĩ cho biết, thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngành y đã bị bắt, khởi tố liên quan đến sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị đã khiến nhiều cơ sở y tế, lãnh đạo, cán bộ đều e ngại khi mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Bộ Y tế cũng thừa nhận có sự chậm trễ trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế thời gian qua là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu thuốc, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ III): Bác sĩ sợ sai, bệnh nhân thiếu thuốc - Ảnh 1.

Bộ Y tế cũng thừa nhận có sự chậm trễ trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế thời gian qua là do tâm lý lo ngại, sợ sai (Ảnh minh họa: Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. BVCC)

Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Kết quả sơ bộ của Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại 1 số cơ sở y tế vừa qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trưởng đoàn, cho rằng, vấn đề nổi lên hiện nay là hoạt động đấu thầu tại các bệnh viện, các quy định về đấu thầu còn bộc lộ bất cập, có những quy định phải sửa, bổ sung và điều chỉnh.

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện, bác sĩ giỏi về chuyên môn nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong lập kế hoạch khiến việc dự trù, đấu thầu và mua sắm thuốc bị chậm; cùng đó cũng có tâm lý e ngại làm sai, sợ kiểm tra… nên khiến công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế bị chậm, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cục bộ tại 1 số đơn vị.

Một bác sĩ từng "buộc" phải đứng trong hội đồng đấu thầu thuốc chia sẻ, bác sĩ chỉ giỏi chuyên môn khám chữa bệnh, mổ xẻ chứ tham gia lập kế hoạch dự trù thuốc, vật tư y tế rất khó khăn.

Trong khi đó, thuốc, trang thiết bị y tế giống như "ma trận" hàng chục nghìn mặt hàng, mỗi mặt hành có tính năng, cấu tạo, thành phần khác nhau.

"Việc lập kế hoạch đấu thầu cho từng loại thuốc, từng trang thiết bị y tế là vô cùng khó khăn. Làm sao để có được thuốc, vật tư y tế điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mà giá cả lại không được "cao nhất" là bài toán nhiều khi nan giải với bác sĩ.

Nếu mua vật tư giá rẻ, điều trị không tốt thì mình có tội mà mua vật tư tốt, giá cao thì là sai quy định về đấu thầu…", vị bác sĩ này "nhăn nhó".

Chia sẻ về nguyên nhân nhiều lãnh đạo ngành y tế còn e ngại trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cái đang vướng nhất hiện nay liên quan đến vấn đề giá.

Theo PGS Cơ, giá công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, hiện tại các doanh nghiệp khai trên đó và các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính pháp lý, chứ chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm về tính pháp lý của giá đó.

Điều này thực sự khiến cho Giám đốc các Sở Y tế và bệnh viện ngần ngại khi làm giá kế hoạch. Vậy giá nào là giá thật, giá nào là giá đúng?

Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ III): Bác sĩ sợ sai, bệnh nhân thiếu thuốc - Ảnh 3.

Nhiều lãnh đạo ngành y tế còn e ngại trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế vì sợ rơi vào "ma trận" giá mà không chắc giá nào là đúng, giá nào bị thổi giá (Ảnh minh họa Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. BVCC)

"Tôi nghĩ chỗ này cần có liên ngành chịu trách nhiệm về giá công bố trên đó, chứ không để cho các doanh nghiệp tự công bố giá. Các doanh nghiệp tự công bố giá, các công ty, các nhà phân phối công bố giá trên đó, họ sẽ bắt tay với nhau và thổi giá lên.

Như thời gian này vấn đề đang hết sức nóng câu chuyện về giá, có công bố giá nhưng các cơ sở mua vẫn mua bằng giá không hợp lý.

Như stent ở Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện liên quan đến can thiệp tim mạch. Mua 1 stent của công ty A hay hãng A, sự thật giá công bố trên cổng là của các công ty đó công bố, không có cơ quan nào của Nhà nước kiểm soát giá đó và chủ đầu tư (Giám đốc các bệnh viện) cũng không biết được giá đó là thật hay đã thổi giá.

Ví dụ, giá của 1 stent là 300 đồng nhưng 1 công ty có thể có 5-6 nhà phân phối, họ đã chỉ đạo đẩy lên giá A này, mình không biết được giá đó đã chuẩn chưa. Giá thuốc thì công khai, có cơ quan kiểm soát nhưng giá vật tư không có cơ quan kiểm soát", PGS Cơ phân tích.

"Đấu thầu thuốc với động cơ trong sáng sẽ tìm được thuốc với giá hợp lý!"

Ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công văn yêu cầu Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kiến nghị của chuyên gia tại buổi Tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" của Cổng thông tin Chính phủ mới tổ chức;

Đồng thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có nhiều giải pháp "cởi gỡ" các khó khăn trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: "Tôi chia sẻ với ngành y vừa rồi có tâm lý e ngại vì một số sự việc. Nói rằng không e ngại là không đúng vì chúng ta là con người. Nhưng trong ngành y, vẫn còn nhiều y, bác sĩ rất dũng cảm, trong trường hợp này, cần sự dũng cảm của các đồng chí.

Hãy vào cuộc, với động cơ trong sáng, thì các đồng chí sẽ tìm được thuốc với giá hợp lí. Người dân không bao giờ trách sao mua đắt; đắt mà hợp lý thì chúng tôi vẫn chấp nhận".

Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ III): Bác sĩ sợ sai, bệnh nhân thiếu thuốc - Ảnh 4.

Đấu thầu thuốc chậm trễ thì sẽ dẫn đến thiếu thuốc và người bệnh sẽ thiệt thòi (Ảnh minh họa: Điện não đổ cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh BVCC)

Tuy nhiên, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, khi hệ thống thể chế chưa rõ ràng, chưa cụ thể thì dù có giao cho ai cũng sẽ không dám làm, dù họ không nhận tiền hối lộ thì họ cũng không dám làm vì còn liên quan đến trách nhiệm của họ.

TS Quang công nhận, do thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu thuốc, vật tư y tế, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu.

"Cái này cũng tác động bởi các cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra. Hiện nay đang khởi tố rất nhiều dự án nên người ta càng có tâm lý e ngại", TS Quang cho biết.

Để giúp Giám đốc các Sở Y tế, các bệnh viện yên tâm hơn khi đấu thầu, PGS Cơ cho rằng, giá vật tư tiêu hao, sinh phẩm y tế phải có cơ quan nhà nước, hoặc liên ngành đứng ra kiểm soát giá.

Thiết bị A mua vào, giá hải quan kê khai là A đồng thì cần phải có 5-10% hay 20% nữa liên quan đến logictics, liên quan đến đào tạo, triển khai để giá lên đến 130 đồng, tăng 130% hay 150% là cùng.

"Cơ quan nào xây dựng, kiểm soát cái này thì tôi nghĩ cần liên ngành để kiểm soát, xây dựng để các cơ sở y tế yên tâm mua giá đó không phải lo bị thổi giá", PGS Cơ nói.

Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ III): Bác sĩ sợ sai, bệnh nhân thiếu thuốc - Ảnh 5.

TS Nguyễn Huy Quang công nhận, do thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu thuốc, vật tư y tế, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. (Ảnh minh họa: Khám mắt tại Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy, Quảng Ninh. BVCC)

Trước đó, chia sẻ với Dân Việt về quy trình đấu thầu thuốc, TS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, quy trình thầu ở các bệnh viện công có các bước chủ yếu như: Bệnh viện đề xuất nhu cầu sử dụng vật tư trang thiết bị tiêu hao và thuốc, dự trù cả số lượng và chủng loại tùy vào ngân sách của bệnh viện được giao; bán hồ sơ thầu cho các công ty tham dự.

Bệnh viện sẽ chấm vòng kỹ thuật xem các loại vật tư thuốc men có đạt kỹ thuật hay không. Sau đó là vòng chấm giá. Kết thúc thầu, bệnh viện sẽ gửi kết quả thầu về cơ quan chủ quản và bảo hiểm y tế để duyệt và sau khi được ký duyệt sẽ được sử dụng.

"Quy trình nghe có vẻ đơn giản nhưng phần khó khăn nằm ở các khâu sau: Các loại thuốc sẽ không giống nhau hoàn toàn. Mỗi viên thuốc sẽ giống nhau về hoạt chất chính nhưng hoàn toàn khác nhau về tá dược.

Hàng loạt thuốc generic với giá cả khác nhau sẽ làm cho các bác sĩ không biết đâu là giá thật. Họ chỉ có thể dựa vào giá do các công ty niêm yết.

Tương tự như vậy với các vật tư tiêu hao như khớp nhân tạo, ốc vít hoặc stent. Mỗi hãng sẽ có thiết kế khác nhau và thành phần hợp kim cấu tạo khác nhau được bảo hộ bằng việc đăng ký bản quyền", TS Nam Anh nhấn mạnh.

Theo TS Nam Anh, trong hai năm gần đây, hàng loạt giám đốc bệnh viện bị bắt vì liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế và vật tư tiêu hao đã khiến nhiều bệnh viện chùn tay trong việc tổ chức đấu thầu mua hàng. Đơn giản vì họ cũng không biết thực sự giá cả các mặt hàng như thế nào.

Việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế chậm trễ dẫn đến các bệnh viện không có thuốc men, vật tư tiêu hao để điều trị cho bệnh nhân.

Bạch Dương (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem