Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Nhiều vướng mắc trong quy định đấu thầu thuốc

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 19/06/2022 06:19 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, chỉ rõ vướng mắc trong quy định đấu thầu thuốc hiện nay khiến cho việc thiếu thuốc dễ dàng "đến hẹn lại lên" và càng nghiêm trọng hơn khi có thêm các nguyên nhân khác.
Bình luận 0

4 nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế như hiện nay

Về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế hiện nay, TS Huy Quang chia sẻ, theo kinh nghiệm cá nhân ông, nguyên nhân đầu tiên chính là vướng mắc về quy định hiện hành.

Cụ thể, việc quy định giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kỳ địa phương nào của cùng một loại đã khó thực hiện.

Đây là quy định cứng nhắc mà không tính đến yếu tố lạm phát. Nhất là trong bối cảnh hiện nay sau dịch Covid-19, nhiều chuỗi cung cấp bị đứt gãy, nguyên liệu gia tăng, rồi giá xăng tăng kéo theo tất cả các mặt hàng, dịch vụ đều tăng...

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Nhiều vướng mắc trong quy định đấu thầu thuốc - Ảnh 1.

TS Nguyễn Huy Quang: "Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế hiện nay có nguyên nhân do các quy định về đấu thầu thuốc còn nhiều vướng mắc". Ảnh CTV

Hơn nữa, thuốc là mặt hàng đặc thù, không thể chỉ tính đến yếu tố rẻ nhất, vì rẻ nhất thì chưa chắc tốt, hiệu quả điều trị sẽ không như mong muốn.

Ngoài ra, việc đấu thầu trang thiết bị y tế còn khó hơn vì cùng một loại máy đấy nhưng cấu hình khác, tính năng kỹ thuật khác là giá đã khác nhau. Thuốc được thành 5 nhóm để đấu thầu nhưng vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chưa được chia nhóm cụ thể. Do đó, khi đấu thầu trang thiết bị y tế, đụng đâu cũng thấy khó.

"Sẽ rất ít doanh nghiệp hoặc chẳng có doanh nghiệp nào đưa ra giá thầu lại bằng giá năm trước cả. Do đó, xảy ra tình trạng bệnh viện mời thầu mà không có doanh nghiệp nào tham gia, sẽ không mua được thuốc hay vật tư y tế sẽ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế".

TS Quang cũng chỉ ra nguyên nhân thứ 2 là dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư của bệnh viện có thể không sát với thực tế trong đó có nguyên nhân khách quan như dịch bệnh biến đổi liên tục, tai nạn đột xuất, việc sử dụng thuốc hay vật tư y tế gia tăng đột biến...

Nguyên nhân thứ 3, trong thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở y tế, cả ngành y tế đều tập trung cho việc phòng chống dịch nên công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế có thể bị sao nhãng. Dịch Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu...

Thứ 4 là do gần đây có nhiều vụ khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế nên dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ làm sai nên trì hoãn việc đấu thầu thuốc.

"Đã có tâm lý "thà bị kỷ luật còn hơn truy tố ra pháp luật. Một số bệnh viện đội ngũ chuyên nghiệp làm đấu thầu, có kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ mời thầu đã thiếu thì nay lại càng thiếu hơn do có người bị bắt, có người bị kỷ luật, có người e ngại chuyển việc khác an toàn...", TS Quang chia sẻ.

Làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế?

Theo TS Quang, để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế một cách triệt để, Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó tìm ra thực trạng đúng.

Khi biết vấn đề vướng ở đâu thì cần phải trình các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết, ra quy định gỡ vướng mắc.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Nhiều vướng mắc trong quy định đấu thầu thuốc - Ảnh 2.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), nơi nhiều bệnh nhân ung thư đã phản ánh phải mua thuốc bên ngoài, dù thuốc này nằm trong danh mục BHYT chi trả. Ảnh BVCC

"Quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình Quốc hội để ra nghị quyết giải quyết. Vướng ở Chính phủ thì chúng ta phải trình Chính phủ để giải quyết. Vướng ở liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chúng ta phải cùng các Bộ đó giải quyết. Vướng ở các văn bản luật thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ đứng ra giải quyết.

Có như vậy chúng ta mới từng bước tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc để công tác đấu thầu từng bước lập lại trật tự bình thường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân", TS Quang khẳng định.

Ngoài ra, theo TS Quang, các vấn đề như liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao.. đều cần phải giải quyết rốt ráo,

"Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý công khai, minh bạch, đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu", TS Quang khẳng định.

Chỉ ra nguyên nhân gây thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trên diện rộng hiện nay, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra 5 nguyên nhân.

Trong đó, nguyên nhân thứ nhất, Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận đó là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Thứ hai là việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật.

Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.

Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Thứ 3 là việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.

Thứ 4: Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Thứ 5: Do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung Quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem