Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ II): Nghịch lý "giá năm sau không được đắt hơn năm trước"

Diệu Linh Thứ tư, ngày 24/08/2022 06:12 AM (GMT+7)
Mới đây, dư luận xôn xao khi một Giám đốc bệnh viện phản ánh, dao mổ giá rẻ mua theo quy định đấu thầu thuốc, vật tư y tế "rạch 3 lần mới thủng da". Đây là nghịch lý các bác sĩ bức xúc đã lâu nhưng chưa thể giải quyết.
Bình luận 0

"Dao mổ rạch ba lần" vì đấu thầu thuốc, vật tư y tế đúng quy định

Các quy định không hợp lý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện nay khiến nhiều cơ sở y tế "ngậm ngùi" lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế "không tốt lắm" chỉ vì "giá rẻ nhất" và "giá không cao hơn giá trúng thầu trong 12 tháng trước".

"Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt?".

Đây là ý kiến mà bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 21/8 vừa qua.

Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ II): Nghịch lý "giá năm sau không được đắt hơn năm trước" - Ảnh 1.

Các quy định không hợp lý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện nay khiến nhiều cơ sở y tế "ngậm ngùi" lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế "không tốt lắm" (Ảnh minh họa: Đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh BVCC)

Theo bác sĩ Thức, thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hoá phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương.

"Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hoá tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh", bác sĩ Thức nói.

Điều 14, mục 1, chương III , Thông tư 15/2019/TT-BYT Quy định về việc đấu thầu thốc tại các cơ sở y tế công lập, về giá đấu thầu thuốc có quy định: "Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu…

Nguyên tắc: Giá kế hoạch của từng thuốc, dược liệu không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố;".

Cùng chung nỗi niềm này, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ngày 22/8, ông Nguyễn Đức Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện A giãi bày: "Theo quy định giá đầu thấu năm nay phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó như vậy là thực hiện đấu thầu theo kiểu đi ngược lại quy luật hàng hoá, thị trường.

Điều này dẫn đến tình trạng gói thầu một là trượt, hai là bệnh viện mua phải hàng không đạt chất lượng".

Ông Trường chia sẻ, với thuốc, vật tư y tế "rẻ hơn trong 12 tháng trước" thì khó mà chọn được hàng hóa tốt. "Đơn giản dây truyền, có một đoạn để tiêm thuốc vào nhưng cứ châm vào lại chảy nước. Trước đây mua dây truyền tốt thì không sao, nhưng dây truyền rẻ thì có tình trạng này", ông Trường nói.

Theo ông Trường vì một số lý do, trong đó có lý do trượt thầu, không tìm được nhà thầu "bán giá rẻ hơn 12 tháng trước" nên Bệnh viện A cũng có giai đoạn thiếu thuốc. Cụ thể, giai đoạn tháng 6/2022 đầu tháng 8/2022 có thiếu vài mặt hàng thuốc gốc, biệt dược.

Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ II): Nghịch lý "giá năm sau không được đắt hơn năm trước" - Ảnh 3.

Quy định đấu thầu thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở y tế thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế (Ảnh minh họa: Đón một sinh linh chào đời tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Ảnh BVCC)

Mới đây, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, Bệnh viện Bạch Mai và 1 số bệnh viện khác phải mua sonde hút dịch phế quản cho bệnh nhân hồi sức dù biết nó không tốt lắm.

Theo PGS Cơ, khi đấu thầu, có 2 loại sonde cùng chỉ số kỹ thuật, tiêu chí của chủ đầu tư đặt ra nhưng 1 cái giá 160.000 đồng, 1 cái giá 220.000 đồng.

"Khi các đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu thường không đăng chi tiết các tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung. Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế.

Nhưng nếu không sát thực tế thì các cơ quan chức năng sẽ quy vì sao cùng chủng loại mà bệnh viện này mua giá cao mà bệnh viện khác mua giá thấp.

Thực tế, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch"

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức

Theo quy định là chọn cái rẻ nhất nên ống sonde giá 160.000 đồng được lựa chọn dù khi sử dụng các bác sĩ phàn nàn ống sonde cứng, hút dịch khó khăn, có thể gây tổn thương niêm mạc bệnh nhân.

Giá cả tăng sao thuốc, vật tư y tế có thể rẻ đi?

Theo PGS Cơ, nhiều loại thuốc Bệnh viện Bạch Mai mời thầu không được vì giá của các mặt hàng này hiện tại so với những giá đã trúng thầu trước đây trong vòng 1 năm qua đã tăng lên rất nhiều. Do vậy các công ty có báo cáo là không thể chào thầu với giá như vậy nữa vì họ sẽ bị lỗ.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cũng cho biết, thời gian qua, bệnh viện có đến 262 danh mục gồm hóa chất, vật tư không chọn được nhà thầu, trong đó 140 danh mục giá dự thầu của các nhà thầu cao hơn giá kế hoạch của bệnh viện.

Một bác sĩ chia sẻ, tất cả các tiêu hao trong khám chữa bệnh như thuốc, vật tư y tế… đều là hàng hóa. Mà hàng hóa phải tuân theo quy luật thị trường "tiền nào của nấy".

Hàng hóa theo trượt giá hiện nay thì hầu hết năm sau cao hơn năm trước nhất là khi dịch bệnh, thiên tai, nguyên liệu và các tiêu hao khác đều tăng. Sẽ không doanh nghiệp nào sản xuất chỉ "đi làm từ thiện", bán giá lỗ.

Do đó, quy định thuốc, vật tư y tế phải rẻ hơn giá trúng thầu trong 12 tháng trước là vô lý, buộc các cơ sở y tế phải lựa chọn thuốc, vật tư y tế kém chất lượng.

Hơn nữa, các thuốc, vật tư y tế dù cùng tiêu chí kỹ thuật, chức năng sử dụng nhưng của Ấn Độ, Trung Quốc sẽ khác Anh, Mỹ vì tiêu chuẩn chất lượng của các nước này khác nhau.

Cùng điều trị bệnh, nhưng thuốc dùng thì khỏi ngay, thuốc dùng mãi không khỏi. Hay máy móc cùng chức năng nhưng có cái mua dùng chỉ 1 thời gian ngắn thì hỏng, có cái dùng được lâu…

Gian nan đấu thầu thuốc, vật tư y tế (kỳ II): Nghịch lý "giá năm sau không được đắt hơn năm trước" - Ảnh 5.

TS Nguyễn Huy Quang: "Chúng ta phải tính đến việc áp dụng thời điểm bán, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế là thời điểm phê duyệt giá trúng thầu" (Ảnh minh họa: Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh Dương Ngọc)

"Thuốc, vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt, nếu cứ phải theo quy định "giá rẻ hơn giá trúng thầu 12 tháng trước" thì bác sĩ sẽ tiếp tục phải dùng "dao mổ 3 lần mới rách da", ống sonde "cứng chảy máu họng"…

Điều này có thể làm gia tăng chi phí điều trị, làm giảm hiệu quả điều trị. Đương nhiên, người thiệt thòi nhất là bệnh nhân", vị bác sĩ này nói.

Ngoài ra, bác sĩ Thức cũng cho biết, các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn khi quy định đấu thầu thuốc, vật tư y tế cần có 3 báo giá.

"Trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm là loại hàng hóa mang tính đặc thù của ngành y tế, một số loại được phân phối độc quyền từ các nhà cung cấp hoặc chỉ có 1 nhà cung cấp trên địa bàn, việc thu thập đủ 3 bảng báo giá theo quy định để xác lập giá kế hoạch khó thực hiện được.

Thời gian qua có một số trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao bệnh viện đăng công khai thông tin mời chào giá nhiều lần nhưng vẫn không có đủ 3 báo giá, có loại thì chỉ có 2 báo giá có loại thì chỉ có 1 báo giá.

Vì vậy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Tài chính hướng dẫn lại vì điều này không cần thiết và không khả thi", bác sĩ Thức nói.

"Chúng ta phải tính đến việc áp dụng thời điểm bán, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế là thời điểm phê duyệt giá trúng thầu.

Chúng ta tính giá của 12 tháng trước mà chưa tính tới lạm phát, liên quan đến các yếu tố cắt đứt chuỗi cung ứng, trong đó có tăng giá của logictisc, vận chuyển rồi bảo quản… là vô lý.

Do đó, nên tính giá thuốc, vật tư y tế đến thời điểm phê duyệt giá trúng thầu, tôi cho rằng đáp ứng được tương đối sát với thị trường hiện nay.

Như vậy, chúng ta sẽ làm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức đấu thầu, sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bệnh viện sẽ yên tâm và các công ty trúng thầu sẽ yên tâm".

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Đón đọc kỳ III: Làm đúng quy định thì thiếu thuốc, giúp bệnh nhân lại sợ bị phạt



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem