Giới trẻ Hà Nội thích thú trải nghiệm quá trình làm gốm
Giới trẻ Hà Nội thích thú trải nghiệm quá trình làm gốm
Viết Niệm
Thứ bảy, ngày 16/03/2024 07:48 AM (GMT+7)
Chiều ngày 15/3, tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đã diễn ra chương trình workshop Gốm - Từ bếp lên phòng khách. Chương trình đã thu hút nhiều bạn trẻ đến tham gia và trải nghiệm quá trình làm gốm.
Gốm - Từ bếp lên phòng khách là tên triển lãm nghệ thuật gốm của tập thể giảng viên khoa Sau đại học cùng các học viên K24 – 1, K24 – 2 được Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cho phép và nhiệt tình ủng hộ tổ chức.
Đây là kết quả của những họa sĩ đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng cùng một nỗi niềm muốn một lần được đắm mình trong cái vô cùng của nghệ thuật gốm để được thỏa mãn đam mê, để đọng lại những tiếc nuối thôi thúc khát vọng trong cái vô cùng của nghệ thuật gốm.
Sự kiện là bông hoa rực rỡ chào đón 30/4 và 1/5. Đồng thời là ước nguyện tri ân của các học viên K24 đến sự quan tâm của Nhà trường, sự nhiệt huyết của tập thể giảng viên khoa Sau Đại học trước dấu mốc kỷ niệm 75 năm thành lập của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp – cái nôi duy nhất của cả nước đào tạo tất cả các ngành mỹ thuật ứng dụng.
Triển lãm tổ chức tại Sảnh A- Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hà Nội vào chiều nay 15/3 thu hút số đông các bạn trẻ là sinh viên tới tham dự, trải nghiệm kỹ thuật làm gốm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (đại diện ban tổ chức) cho biết, Gốm - từ bếp lên phòng khách là câu chuyện dài của nghệ thuật gốm dù ở dưới bếp hay trên phòng khách vẫn giữ nguyên giá trị nhân sinh của cuộc đời.
Đặc biệt, sự kiện là sự chuyển mình của nghệ thuật gốm từ vóc dáng tưởng như tầm thường dưới bếp trở thành báu vật ở những nơi trang hoàng lộng lẫy.
Đặc biệt, gốm - Từ bếp lên phòng khách còn là sự cô đọng hành trình 10 nghìn năm của gốm. Cùng với việc tìm ra lửa, sự xuất hiện của gốm là dấu mốc con người chấm dứt hành trình tiến hóa từ CON thành NGƯỜI để tự tin bước vào kỷ nguyên văn minh, để rồi ngay từ dấu ấn nghệ thuật sơ khai mang đậm tính kỹ thuật của gốm Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, các biểu hiện của hình tượng nghệ thuật dần rõ ràng mang đậm dấu ấn của thời đại mà gốm đi qua.
"Để rồi bên dòng chảy của lịch sử, ẩn chứa trong gốm nhiều câu chuyện mà ngôn từ, chữ viết không thể diễn đủ, để rồi đã từng có ai đó đã phải thốt lên, hàm chứa trong gốm là những trang sử không văn tự của đời sống dân gian mộc mạc đến cái vàng son chốn cung đình, thần thánh", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Để tạo ra một sản phẩm gốm chất lượng đòi hỏi các nghệ nhân phải nhào nặn thật tỉ mỉ, tay nghề cao mới tạo ra một sản phẩm tốt. Nghệ thuật tạo hình gốm rất quan trọng, bởi vậy mỗi nghệ nhân làm gốm đều có năng khiếu hội họa mới cho ra những sản phẩm gốm đa dạng mẫu mã.
Sau khi gốm thành phẩm, các bạn trẻ được trải nghiệm vẽ họa tiết trên các sản phẩm. Đây là khâu quan trọng nhất để tạo ra một sản phẩm gốm chất lượng, họa tiết ấn tượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.