Giúp dân bán nông sản được giá

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 10/07/2015 09:35 AM (GMT+7)
Từ những tổ hợp tác đặc thù do Hội ND xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) gây dựng, nhiều nông dân (ND) được hỗ trợ kết nối để bán nông sản thuận lợi và được giá hơn.
Bình luận 0

Không ruộng đất vẫn vào được tổ hợp tác

Với đặc thù 80% đất nông nghiệp sản xuất lúa, xã Tân Bình có khoảng 70 tổ hợp tác lớn nhỏ, đa số là những tổ hợp tác bơm tưới phục vụ sản xuất lúa. Trong đó, có 8 tổ hợp tác do Hội ND xã trực tiếp xây dựng ở những khu vực đặc thù, nổi bật như tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP, tổ hợp tác đan lát, tổ hợp tác trồng chanh không hạt…

img
 Việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa VietGAP giúp nhà nông ấp Tân Long A, xã Tân Bình nâng cao thu nhập.   Ảnh:  Chúc Ly
Chị Nguyễn Thị Ngọc Em - Chủ nhiệm Tổ hợp tác Đan lát tại xã Tân Bình chia sẻ: “Nhờ được cán bộ Hội ND xã đến từng nhà vận động chị em nhàn rỗi, không ruộng đất vào tổ hợp tác mới, đến nay tổ có 47 thành viên, tất cả đều đã lành nghề và có thành phẩm bán ra từ gần 1 năm nay. Từ khâu học nghề đến tiêu thụ sản phẩm chúng tôi đều được Hội ND xã lo chu toàn, nên chúng tôi rất yên tâm”.

“Thấy tụi tui làm được, có thêm thu nhập ổn định, nhiều người cũng muốn vào tổ. Như hiện nay mỗi ngày làm có thu nhập 100.000-120.000 đồng. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình bớt khổ cực hơn” – bà Phạm Thị Tuyết, thành viên tổ hợp tác phấn khởi nói.

Tìm kiếm đầu ra cho nông sản

Chỉ về hướng những chiếc máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa hơn 2ha của mình, lão nông Trần Chí Linh (ngụ ấp Tân Long A) chia sẻ: “Việc liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP với doanh nghiệp giúp nhà nông yên tâm đầu ra và có lợi nhuận cao. Mỗi kilogram lúa tươi có giá cao hơn giá thị trường khoảng 300 đồng. Sau khi bán lúa cho công ty, họ đem về kiểm tra, nếu dư lượng phân, thuốc của mình phù hợp thì doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm khoảng 300 đồng nữa, trung bình có thể lãi khoảng 60 triệu đồng/ha”.


Ông Nguyễn Ngọc Mến - Phó Chủ tịch Hội ND xã Tân Bình
 Trong việc xây dựng những tổ hợp tác tại địa phương, Hội căn cứ vào đặc thù sản xuất của mỗi khu vực và cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân”. 
 
Được biết, tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP tại ấp Tân Long A được thành lập vào năm 2012, có 46 hộ với diện tích khoảng 50ha, liên kết với Công ty Gentraco Cần Thơ và được doanh nghiệp này bao tiêu sản phẩm.

“Chúng tôi tập trung tìm đến doanh nghiệp, nhờ đến sự hỗ trợ, ủng hộ từ UBND xã để tạo niềm tin nơi họ, rồi vận động, tập hợp các thành viên có nhu cầu sản xuất vào tổ để vực dậy từng khu vực khó khăn của xã. Với hình thức này, những nông dân sản xuất trong tổ rất đồng tình và phấn khởi. Đến nay mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã mang lại kết quả khả quan, trung bình đạt năng suất 8-10 tấn/ha” - ông Mai Chí Toại - Chủ tịch Hội ND xã Tân Bình cho biết thêm.

Hiện Hội ND tỉnh Hậu Giang đang đề nghị Trung ương Hội khen thưởng Hội ND xã Tân Bình về công tác tổ chức, xây dựng Hội. Ngoài ra, tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP cũng đã nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem