Google, Facebook làm ngơ, tiếp tay các trang Tin miền Tây, Webtintuc... vi phạm bản quyền báo chí
Google, Facebook làm ngơ, tiếp tay các trang Tin miền Tây, Webtintuc... vi phạm bản quyền báo chí
Hồng Phúc
Thứ năm, ngày 05/11/2020 20:16 PM (GMT+7)
Google cho chạy quảng cáo trên các trang có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Facebook giúp các trang không phép, vi phạm bản quyền kiếm tiền thông qua việc cung cấp quảng cáo.
Tại Diễn đàn Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức ngày 5/11, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí - nhận định, Google và Facebook là hai nền tảng lớn "tiếp tay" các đối tượng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí.
Đối với Google, theo ông Lâm, Google cho chạy quảng cáo trên các trang có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Cụ thể, mạng lưới quảng cáo Google Adsense cho phép cung cấp quảng cáo trên các trang tin không có giấy phép, vi phạm bản quyền, tạo nguồn thu cho các trang này hoạt động, gián tiếp ủng hộ hành vi vi phạm bản quyền báo chí trên không gian mạng.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông nói một tờ báo chính thống vừa xuất bản tin bài, ngay lập tức có trang "Tin miền Tây", "Tin Lâm Đồng"… dẫn lại. Ông khẳng định đây là các trang tin không có giấy phép tổng hợp tin tức, sử dụng tin, bài của nhiều báo mà không xin phép các báo.
Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, đáng chú ý là Google cho chạy quảng cáo trên các không phép này có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Hiện nay khi tìm kiếm trên Google, thậm chí tin tức từ các trang không phép lại hiện lên trước cả website báo chí. Ngoài ra, Google vẫn cho chạy quảng cáo trò chơi không phép nước ngoài trên trang này, bất luận việc trang có được cấp phép hay không.
"Facebook làm ngơ cho các fanpage chia sẻ đường dẫn trang vi phạm bản quyền hiển thị tin bài dưới dạng instantarticle. Facebook giúp các trang không phép, vi phạm bản quyền kiếm tiền thông qua việc cung cấp quảng cáo trên instantarticle", ông Lâm nói về Facebook.
Chẳng hạn, "Blog tâm sự" chia sẻ link bài từ trang không phép Webtintuc, trong khi bài viết gốc là của một tờ báo điện tử. Đây chỉ là một ví dụ giữa hàng loạt những trường hợp khác.
Theo Cục trưởng Cục Báo chí, thực tế, hiện nay còn có một số hệ thống quảng cáo xuyên biên giới khác cũng cung cấp quảng cáo vào các trang có dấu hiệu vi phạm bản quyền báo chí. Theo đó, các hệ thống này ký hợp đồng quảng cáo với các trang tin mà bỏ qua điều kiện cấp phép của trang tin, tạo điều kiện cho các trang vi phạm bản quyền có thu nhập tốt.
"Liên minh" bảo vệ bản quyền
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng lên tiếng mạnh mẽ về việc vi phạm bản quyền "trắng trợn" của các trang thông tin điện tử và các nền tảng xuyên biên giới đang có mặt tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhận định: "Trang thông tin điện tử trong nước vi phạm không ăn thua gì so với các nền tảng nước ngoài".
Theo Thứ trưởng, thực trạng vi phạm bản quyền hiện nay một phần cũng xuất phát từ quá khứ. Cụ thể, trước đây, báo chí chủ yếu là được bao cấp, các loại hình báo chí như báo in, truyền hình và phát thanh có thể chia sẻ thông tin của nhau. Sau đó, báo điện tử ra đời, các trang tin điện tử phát triển nhanh chóng, có cả ứng dụng giúp sao chép thông tin, khiến việc vi phạm bản quyền ngày càng nhiều hơn.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo nói thêm, thực tế trước đây, ngay chính các cơ quan báo chí cũng chưa nhận thức đầy đủ về bản quyền, như giai đoạn đầu có báo còn cho không các trang tin điện tử lấy tin bài. Theo quy định, trang thông tin điện tử tổng hợp không được sản xuất tin bài mà chỉ dẫn lại tin bài từ các báo trên cơ sở có thỏa thuận với nhau.
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - ông Lê Quang Tự Do cho rằng, cái khó hiện nay không phải phát hiện, mà là xử lý vi phạm bản quyền. Để xử lý được, theo ông, không phải chỉ tự cơ quan báo chí đó "đơn độc" làm một mình mà cần có một "liên minh" nhiều bên. "Để đấu Facebook, Google, Tiktok vi phạm bản quyền, tôi cho rằng chỉ cơ quan báo chí thì không đấu lại", ông Do nói.
Theo ông, cần có một bộ phận chuyên nghiệp hẳn hoi, gồm thành viên của cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, chuyên gia, luật sư… cùng vào cuộc. Tuy nhiên, điều khó nhất hiện nay là thiếu về nguồn lực, từ con người đến tài chính.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, trước hết chính cơ quan báo chí phải có trách nhiệm đầu tiên, phát hiện, lưu vết, đối chiếu và có ý kiến với cơ quan quản lý. Cơ quan báo chí phải cùng cơ quan nhà nước phối hợp xây dựng pháp luật, đặc biệt trong việc xử lý vi phạm bản quyền. Thứ trưởng nhấn mạnh phải liên minh, lên tiếng mạnh mẽ thì mới "chiến đấu" lại các nền tảng nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.