Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 19/08/2024 09:38 AM (GMT+7)
GS Võ Tòng Xuân qua đời sáng nay tại TP.HCM, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ GS Võ Tòng Xuân sẽ tổ chức tại Nhà tang lễ TP.Cần Thơ (số 30A, đường Mậu Thân, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Sau đó, đưa về an táng tại quê nhà.
Sáng 19/8, thông tin từ Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, GS Võ Tòng Xuân qua đời vào 7 giờ sáng cùng ngày tại Bệnh viện Landmark 81 (TP. HCM).
Trọn đời với nông nghiệp ĐBSCL
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nam Cần Thơ thông tin với Dân Việt: "GS Võ Tòng Xuân qua đời, tang lễ sẽ tổ chức tại nhà tang lễ TP.HCM. Sau đó, đưa về an táng tại quê nhà".
Theo ông Dũng, GS Võ Tòng Xuân là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ. Trong thời gian công tác, GS Võ Tòng Xuân đã có nhiều đóng góp cho trường nói riêng và ngành giao dục ĐBSCL nói chung.
Theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, GS Võ Tòng Xuân mất do bệnh, phải điều trị tại bệnh viện trong nhiều tháng qua.
GS Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.
GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây. Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi.
Ông kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng trong nước và quốc tế. Cụ thể là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Nam Cần Thơ...
Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam được nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng lớn trong nước và quốc tế.
GS Võ Tòng Xuân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Nhà giáo nhân dân.
GS Võ Tòng Xuân và GS Gurdev Singh Khush nhận giải thưởng VinFuture. Ảnh: VinFuture
Năm 2023, GS Võ Tòng Xuân cùng với GS. Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) được trao Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có nhà khoa học được trao giải thưởng VinFuture.
Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
Riêng GS Võ Tòng Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.
Nhờ các sáng kiến này, GS Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.
GS Võ Tòng Xuân tham gia công tác nghiên cứu, nhân rộng các lúa mới ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây
"Việc sử dụng các giống lúa kháng bệnh năng suất cao như IR36 và IR64 không chỉ làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, mà còn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu", hội đồng giải thưởng đánh giá về công trình của hai GS.
"Ngoài ra, tiến bộ về năng suất lúa gạo trên toàn cầu đảm bảo rằng việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm ổn định trở nên công bằng và đáng tin cậy hơn.
Phát kiến này có ảnh hưởng sâu rộng với những tác động tiềm năng đến cấu trúc kinh tế xã hội, bảo tồn môi trường và sức khỏe toàn cầu, và đóng vai trò to lớn trong việc kiến tạo một tương lai an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người".
GS Võ Tòng Xuân cũng là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi.
GS Võ Tòng Xuân nói về công trình khoa học để đời khi đoạt giải thưởng VinFure
Trao đổi riêng với PV Dân Việt khi nhận giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân đã có quá trình nghiên cứu, nhân rộng giống lúa IR36 tại ĐBSCL.
"Tôi nhớ rất rõ là năm 1976, tại Tân Châu (An Giang), rầy nâu bùng phát, gây hại rất nặng trên cây lúa. Sau khi nghiên cứu kỹ về tình hình, tôi nhận thấy giống lúa lúc bấy giờ không kháng được rầy nâu. Trước tình thế cấp bách, tôi đã liên hệ với Viện nghiên cứu giống lúa quốc tế (IRRI) tìm trợ giúp. Sau đó, đã nhận được 4 giống lúa là IR 32, IR 34, RI 36 và IR 38 có thể kháng rầy nâu từ IRRI chuyển qua theo đường bưu điện. Trong đó, mỗi giống lúa được 5 gam" - GS Võ Tòng Xuân kể.
Sau khi có lúa giống, GS Võ Tòng Xuân cùng với cán bộ khác trong Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Đại học Cần Thơ trồng thử nghiệm các giống lúa mới. Kết quả cho thấy, 4 giống lúa đều kháng được rầy nâu, trong đó lúa IR 36 là trội nhất.
Từ đó, giống lúa IR 36 được chọn để nhân rộng cấp tốc từ 5 gam đầu tiên lên đến hơn 2.000kg sau 2 vụ trồng.
Lúc này, GS Võ Tòng Xuân đề nghị với Ban giám hiệu cho đóng cửa Trường Đại học Đại học Cần Thơ 2 tháng để đưa 2.000 sinh viên phụ giúp nông dân chống rầy nâu. Lúc đầu Bam giám hiệu trường không đồng ý nhưng sau khi được giải thích tầm quan trọng của sự việc, cũng đã đồng ý.
GS Võ Tòng Xuân nói: "Sinh viên phải học 3 bài cơ bản về trồng lúa, gồm cách làm mạ, cách chuẩn bị đất và cách cấy lúa 1 tép 1 bụi. Sau đó, 1 nhóm từ 2-3 sinh viên mang đi 1kg lúa mang tới vùng trồng lúa có rầy nâu, bàn với ngành nông nghiệp địa phương giới thiệu xuống nông dân, để sinh viên đến cấy lúa, nhân giống. Như thế, trong vòng 2 vụ, giống lúa IR 36 đã phủ hết ĐBSCL".
"Việc làm trên của chúng tôi lúc đó có vai trò lịch sử khi mà ngành nông nghiệp chưa phát triển ở ĐBSCL. Chúng tôi đã chặn đứng được trận tàn phá của rầy nâu trên cây lúa" - GS Võ Tòng Xuân nói thêm.
Được biết, đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.