Hà Giang: Nông dân nuôi cá chép trong ruộng bậc thang ở trên núi cho khách du lịch lội bùn bắt rất vui
Hà Giang: Nông dân nuôi cá chép trong ruộng bậc thang ở trên núi cho khách du lịch lội bùn bắt rất vui
Thứ năm, ngày 26/11/2020 06:37 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, người dân huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) còn đẩy mạnh nuôi cá chép trên những thửa ruộng bậc thang. Khi lúa đến giai đoạn đẻ nhánh là thời điểm người dân thả cá chép vào ruộng. Sau thời gian khoảng 3 tháng, khi lúa bắt đầu chín thì sẽ tháo nước ruộng và bắt cá chép trước khi thu hoạch lúa.
Tháng 9, khi trời đất vào Thu, cái nắng như đổ lửa của những ngày Hè dần nhường chỗ tiết trời hanh hao, se lạnh cũng là lúc mảnh đất phía Tây Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) bước vào mùa đẹp nhất trong năm.
Đó là mùa lúa chín, khi những thửa ruộng bậc thang được phủ bởi một màu vàng óng ả trải miên man đến tận chân trời.
Trong ráng chiều tím thẫm, sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn trên các sườn núi hòa quyện cùng khói lam chiều e ấp trên những mái nhà nhỏ xinh trong khung cảnh núi non trùng điệp tạo nên một “mùa vàng” quyến rũ vẫy gọi bước chân lữ khách.
Do đặc điểm địa hình ở vùng núi cao thiếu đất canh tác, đồng bào đã chọn các vạt đất ở sườn núi tạo thành các tầng bậc, rồi dẫn nước từ khe núi về để canh tác lúa.
Quá trình này hoàn toàn thủ công bằng những vật dụng như cuốc, xẻng. Trải qua hàng trăm năm với sức lao động bền bỉ, sáng tạo của con người trong hành trình chinh phục thiên nhiên, đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì đã tạo nên một kiệt tác kỳ vỹ đó là những thửa ruộng bậc thang đẹp mê mải giữa núi rừng.
Để những thửa ruộng nên hình, nên dạng, người nông dân Hoàng Su Phì đã trải qua bao ngày tháng dầm mưa, dãi nắng. Theo công cuộc khai khẩn, những ô ruộng bậc thang cứ thế nối lên cao, leo dần dần lên những sườn đồi đem lại no ấm cho những bản làng của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, La Chí...
Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Trần Chí Nhân cho biết: Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có nét đẹp riêng, đó là sự hòa quyện, xen lẫn giữa tầng tầng, lớp lớp ruộng với khung cảnh thiên nhiên như rừng cây, sông suối và cả những nếp nhà của đồng bào nơi đây.
Tín ngưỡng nông nghiệp đã hình thành nên những phong tục tập quán với nhiều lễ hội màu sắc như Tết Khu cù tê của dân tộc La Chí; Lễ hội Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ Cúng rừng của dân tộc Nùng…
Những lễ hội đó tạo nên điểm nhấn nổi bật trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, thu hút sự quan tâm, khám phá của du khách.
Vài năm trở lại đây, lượng du khách đến huyện vào mùa lúa chín tăng đáng kể, góp phần đem đến nguồn thu từ du lịch – dịch vụ cho người dân trên địa bàn.
Những năm gần đây, người dân Hoàng Su Phì còn đẩy mạnh nuôi cá chép trên những thửa ruộng bậc thang.
Khi lúa đến giai đoạn đẻ nhánh là thời điểm người dân thả cá chép vào ruộng. Sau thời gian khoảng 3 tháng, khi lúa bắt đầu chín thì sẽ tháo nước ruộng và bắt cá chép trước khi thu hoạch lúa.
Hình thức nuôi cá chép xen canh ruộng lúa này đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân với nguồn thu từ 8 – 10 triệu đồng/ha/vụ từ cá chép ruộng.
Không những vậy, trải nghiệm bắt cá chép trên ruộng bậc thang cũng thu hút đông đảo du khách, tạo thêm điểm nhấn cho sản phẩm du lịch của huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).
Anh Nguyễn Thế Biên, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ban đầu tôi dự định đến đây để ngắm cảnh, không ngờ còn được trải nghiệm bắt cá chép trên chính những thửa ruộng bậc thang vàng óng.
Cá chép nuôi ruộng bậc thang sau khi bắt được đem chế biến cùng những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc đã đem đến trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.
Mang trên mình bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng kiệt tác ruộng bậc thang kỳ vỹ giữa núi rừng, Hoàng Su Phì trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.
Cuộc sống yên bình của những bản làng dưới thung sâu đang dần được đánh thức bởi bước chân lữ khách. Người dân nơi đây đang từng bước tiếp cận hướng đi mới đó là phát triển du lịch, một hướng đi bền vững giúp các hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Anh Triệu Mềnh Kinh, dân tộc Dao, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) hiện đang sở hữu 2 khu nghỉ dưỡng bungalow với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương, năm 2017 tôi thành lập HTX Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng.
Anh Kinh vận động 100% các gia đình trong thôn cùng tham gia HTX du lịch cộng đồng. Với lượng khách đến thôn ổn định, các gia đình đều có một khoản thu nhập bình quân đạt 40 – 60 triệu đồng/năm.
Suy nghĩ, cách làm của bà con đã có sự đổi mới, nhờ đó cuộc sống ngày càng được nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống chỉ còn 5%.
Đến Hoàng Su Phì mùa này, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi màu vàng óng ả của thảm lúa chín trải dài trên lớp lớp những thửa ruộng bậc thang bám theo các triền đồi mờ sương.
Một vẻ đẹp mê hoặc ít nơi nào có được. Hãy một lần đến miền đất phía Tây và trải nghiệm những cung đường uốn lượn bên sườn núi, đắm chìm trong sắc vàng lúa chín, ruộng bậc thang ngút ngàn ẩn hiện giữa trời mây và khám phá những nét văn hóa đa sắc màu của đồng bào các dân tộc...
Chắc chắn sẽ đem đến cho lữ khách những trải nghiệm khó quên trong hành trình khám phá mảnh đất địa đầu Tổ quốc!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.