Hà Nội: Gắn sao OCOP, bà chủ HTX tiết lộ rau baby tiêu thụ tăng vọt
Hà Nội: Gắn sao OCOP, bà chủ HTX tiết lộ rau baby tiêu thụ tăng vọt, siêu thị đặt hàng tới tấp
Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 01/01/2021 06:05 AM (GMT+7)
Hà Nội hiện đang là một trong những địa phương thuộc top đầu của cả nước về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tại đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm lần thứ 2 tổ chức mới đây, Thủ đô đã có thêm 424 sản phẩm OCOP được gắn sao và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.
Mới đây, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thành phố Hà Nội và Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2-2020. Tổng số sản phẩm OCOP đợt này là 424 sản phẩm của 96 chủ thể đến từ 20 quận, huyện.
Từ sáng sớm, các chủ thể đã trưng bày sản phẩm của mình trong Hội trường phòng họp tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội, với rất nhiều sản phẩm đa dạng chủng loại, phong phú về mẫu mã.
424 sản phẩm này của 96 chủ thể đến từ các quận, huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh, Tây Hồ, Long Biên, Ba Đình, Ứng Hòa, Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông, Thanh Oai, Sóc Sơn, Thường Tín, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất và Đan Phượng.
Đợt 2 năm 2020, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội và hội đồng OCOP các quận, huyện đã tiếp nhận tổng số 443 hồ sơ của 96 chủ thể.
Qua rà soát, kiểm tra hồ sơ có 419 hồ sơ của 93 chủ thể đủ điều kiện, còn lại 24 hồ sơ chưa đủ điều kiện đánh giá phân hạng lần 2 năm 2020. Tổ tư vấn đã hướng dẫn các chủ thể về tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng ở các đợt tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, đến nay đơn vị đã đánh giá, phân hạng cho 424 sản phẩm dự thi đợt 2 của 20 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua đó đã phân hạng 3 sao cho 111 sản phẩm; 4 sao 310 sản phẩm; tiềm năng đạt 5 sao có 3 sản phẩm.
Trước đó, trong đợt 1, Hà Nội đã có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng 329 sản phẩm OCOP. Như vậy, tính lũy kế cả giai đoạn 2019-2020, toàn thành phố có 1.054 sản phẩm OCOP, vượt chỉ tiêu thành phố đề ra (chỉ tiêu đến năm 2020 có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng).
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, các sản phẩm tham gia OCOP chủ yếu tập trung ở các huyện, thị xã. Trong đó, chiếm số lượng đông đảo là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm dự thi được chấm theo 3 vòng, bảo đảm các tiêu chí theo quy định.
Chia sẻ về quá trình tham gia OCOP, bà Bùi Thị Thanh Hà – Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín), đơn vị đang sản xuất 1,5ha trồng rau mầm, sản phẩm rau baby cho biết, sản phẩm của HTX đã được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị.
"Tham gia chặng đường OCOP, ban đầu chúng tôi thấy rất khó khăn, bởi phải chuẩn bị hồ sơ nhiều hạng mục, minh chứng cho sản phẩm - một điều những nông dân như chúng tôi chưa bao giờ làm. Rất may nhờ có sự quan tâm, tư vấn của Tổ tư vấn, đơn vị đã có 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao" - bà Hà cho biết.
Đặc biệt là từ khi được gắn sao, sản phẩm của HTX được tham gia trưng bày tại nhiều hội chợ triển lãm, sản lượng tiêu thụ tăng vọt, từ chỗ chỉ đạt trung bình 125 tấn/năm, đến thời điểm này đã đạt khoảng 175 tấn" - bà Hà nói.
Đặc biệt, bà Hà cho biết, nhờ HTX áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên giá sản phẩm rất ổn định, dù chính vụ hay trái vụ, ví dụ rau baby bán buôn vào các siêu thị đạt 25.000 đồng/kg.
Sản phẩm của HTX liên tục nhận được lời mời hợp tác của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và đã có những chuyến xe phân phối hàng về các tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng…
Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Hoàng Chí Lượng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Đến thời điểm này, Thạch Thất có 122 sản phẩm tham gia OCOP, đứng đầu các huyện về số lượng sản phẩm tham gia đánh giá.
Kết quả đánh giá, huyện có 62 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao, vượt chỉ tiêu đăng kí với TP (65 sản phẩm). "Thời gian tới, huyện đề nghị TP quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho các chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư phát triển sản phẩm, tuy nhiên bản thân các chủ thể OCOP cũng phải tiếp tục thay đổi tư duy sản xuất, công nghệ để nâng tầm sản phẩm, tạo thêm lợi nhuận, việc làm, tạo sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng" - ông Lượng nói.
Cũng theo ông Lượng, huyện Thạch Thất phấn đấu từ nay đến năm 2025, huyện sẽ có 300 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Đánh giá về Chương trình OCOP, bà Bùi Thị Thanh Hà – Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hà cho biết thêm: Đây là chương trình rất ý nghĩa, đem lại hình ảnh, giá trị cho sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ nhận diện sản phẩm và tin tưởng lựa chọn, sử dụng sản phẩm chất lượng nhất. Từ thực tế sản xuất tại HTX, chúng tôi đề nghị TP tiếp tục đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP tiêu thụ ổn định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hà Nội cho rằng: Việc đạt sao OCOP cũng tương tự như tờ thông hành đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường. Tuy nhiên sau khi được công nhận và được gắn sao, các chủ thể sản phẩm phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Mỹ cho biết: Một số cơ sở sau khi được cấp chứng nhận, chúng tôi kiểm tra đột xuất lại cho thấy việc tuân thủ các quy trình sản xuất không đảm bảo chất lượng như ban đầu. Do đó, thời gian tới Sở NNPTNT sẽ tham mưu TP có cơ chế quản lý các sản phẩm này. Dù được gắn sao, nhưng kiểm tra nếu không đạt sẽ xử phạt, hoặc thu hồi chứng nhận OCOP.
Sở NNPTNT Hà Nội cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành, báo chí truyền thông để tuyên truyền về sản phẩm OCOP, quảng bá tới người tiêu dùng, xây dựng các điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP của Thủ đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.