Hà Nội thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, cảnh báo số ca mắc liên tục tăng

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 29/11/2022 09:30 AM (GMT+7)
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.435 ca mắc sốt xuất huyết mới, 2 ca tử vong, tiếp tục tăng so với các tuần trước.
Bình luận 0

 Hà Nội thêm 72 ổ dịch và 2 người tử vong vì sốt xuất huyết 

Theo đó, các quận, huyện tại Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần như Hà Đông (207), Đống Đa (133), Thanh Trì (115), Thanh Oai (92), Chương Mỹ (85)... Tính đến hết ngày 25/11, thành phố ghi nhận 14.872 ca mắc sốt xuất huyết 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, ca mắc tăng 4,5 lần, tử vong tăng 18 ca (3.265/0).

Hà Nội thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, cảnh báo số mắc liên tục tăng - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Gia Khiêm

Các quận/huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc nhất gồm Thanh Oai (1.244), Đan Phượng (1.142), Hà Đông (1.042), Đống Đa (979), Thường Tín (891), Thanh Trì (853). Bên cạnh đó, toàn thành phố đã ghi nhận 1.160 ổ dịch, hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện. 

Một số ổ dịch nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài có thể kể đến: Thôn Bủng - Phùng Xá, Thạch Thất; thôn Vinh Lộc 1, Phùng Xá, Thạch Thất; Thanh Thần, Thanh Cao, Thanh Oai; Thao Nội, Sơn Hà, Phú Xuyên...

Qua kết quả kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho thấy, hoạt động xử lý ổ dịch tại một số địa phương chưa hiệu quả, cụ thể: Ổ dịch Thao Nội - Sơn Hà, Phú Xuyên có chỉ số bọ gậy là 85; ổ dịch xã Phùng Xá - Thạch Thất là 100; ổ dịch xã Tân Lập, Đan Phượng là 75.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, không để ổ dịch diễn biến kéo dài. Kiên quyết xử lý các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị còn để tồn tại các yếu tố nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết...

CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Trong thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại những nơi đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đều đến viện khi quá muộn

Trao đổi với PV Dân Việt, Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết có tốc độ diễn biến nặng nhanh bất thường, thậm chí có trường hợp rơi vào sốc chỉ trong 3 ngày.

Theo bác sĩ Phúc, trong số 14 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm. Cụ thể, nhiều bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 mắc bệnh. Trong khi thông thường, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng này ở ngày thứ 5 - 7.

Hà Nội thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, cảnh báo số mắc liên tục tăng - Ảnh 2.

Trong ảnh bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Gia Khiêm

"Một điểm chung cần nhấn mạnh của các trường hợp diễn biến nặng và tử vong mà chúng tôi đã tiếp nhận là bệnh nhân vào viện quá muộn", bác sĩ Phúc chia sẻ.

Qua đó, bác sĩ Phúc khuyến cáo người bệnh cần chú ý các dấu hiệu như mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… thì cần nhập viện ngay. 

Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám khi có các dấu hiệu sốt cao, chảy máu chân răng... tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phương pháp chính để kiểm soát số lượng muỗi là giảm thiểu các khu vực có nước đọng, là nơi đẻ trứng của muỗi.

Người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước mưa (lốp xe cũ, chén bát cũ…), hay nước sạch như bình hoa, toilet trong các phòng trống không có người ở, hầm nước ở các chung cư. 

Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Bên cạnh đó, các phương pháp bảo hộ cá nhân như mang tất dài, dùng thuốc xua muỗi, tránh những nơi có mật độ véc tơ truyền bệnh cao có tác dụng tốt nhất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem