Tận sâu hang đá mát lạnh ở một ngọn núi của Nghệ An, di tích khảo cổ này "kêu cứu", vì sao vậy?

Thứ tư, ngày 24/04/2024 05:39 AM (GMT+7)
Được đánh giá là di tích khảo cổ học hiếm có ở Việt Nam, thế nhưng hang Đồng Trương (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đang có nguy cơ bị lãng quên. Đồng Trương là hang karst nằm trong ngọn núi đá vôi Kim Nhan (thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An)...
Bình luận 0

Được đánh giá là di tích khảo cổ học hiếm có ở Việt Nam, thế nhưng hang Đồng Trương (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đang có nguy cơ bị lãng quên.

Tận sâu hang đá mát lạnh ở một ngọn núi của Nghệ An, di tích khảo cổ này "kêu cứu", vì sao vậy?- Ảnh 1.

Du khách tham quan triển lãm ảnh khảo cổ tại hang Đồng Trương (nằm trong ngọn núi đá vôi Kim Nhan, thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) vào năm 2018. Ảnh: Lê Lâm.

Những phát hiện khảo cổ học đáng kinh ngạc

Đồng Trương là hang karst nằm trong ngọn núi đá vôi Kim Nhan (thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Hang có cấu tạo hàm ếch với chiều cao 15m, nền hang rộng chừng 200m2, cửa rộng 15m.

Cách đó khoảng 30m có một dòng suối nước chảy quanh năm, cùng nhiều loại đá cuội. Nơi đây được các chuyên gia đánh giá là địa điểm cư trú lý tưởng của người tiền sử.

Di chỉ Đồng Trương được phát hiện năm 1998. Hai năm sau, Viện Khảo cổ học đào một hố thám sát rộng 7m2, cho thấy đây là một địa điểm chứa di tích của 2 nền văn hóa thuộc 2 thời đại khác nhau là văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại đồ đá và tiền Đông Sơn thuộc thời đại kim khí (niên đại từ 12.000 - 2.000 năm TCN).

Đánh giá di chỉ khảo cổ này có tầm quan trọng đặc biệt, năm 2004, Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật trên diện tích 50m2. Lần này, kết quả khai quật vượt ngoài mong đợi. Các nhà khảo cổ phát hiện hàng nghìn hiện vật gồm: Đồ đá, đồ gốm, đất nung, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh, thổ hoàng, xương, răng động vật, dấu tích than tro bếp và mộ táng.

Có 1.173 di vật đồ đá, xương, răng động vật, dấu tích bếp lửa và mộ táng được xếp vào văn hóa Hòa Bình. Trong số này có 155 công cụ như chày, bàn nghiền, cuội ghè đẽo; 60 mảnh tước và 358 nguyên phế liệu chủ yếu bằng cuội suối.

Đặc biệt, đợt khai quật còn phát hiện 12 ngôi mộ cổ phân bố dày đặc trong khoảng diện tích 25m2 nằm gần cửa hang Đồng Trương. Các ngôi mộ đều tìm thấy di cốt người song không đầy đủ và bị vỡ vụn.

Một số công cụ cuội thổ hoàng (đá khoáng chất màu đỏ) được tìm thấy trong mộ giúp các chuyên gia dự đoán được sự xuất hiện của tục tùy táng trong nghi thức chôn cất của cư dân giai đoạn này.

Trong hố khai quật, đoàn cũng phát hiện 305 mảnh sành sứ thời phong kiến; 70 mảnh gốm in ô vuông thời Hán; 4.083 mảnh gốm và 16 dọi xe chỉ bằng đất nung mang đặc trưng văn hóa kim khí thời đại văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn.

Ngoài ra, còn có một số hiện vật đồ đồng mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn như rìu, giáo, chuông, dao găm, thạp, vòng và 12 di vật đồ thủy tinh trang sức thể hiện trình độ chế tác cao.

Các chuyên gia đánh giá, Đồng Trương là di tích hiếm có ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hang được xác định là nơi nhiều thế hệ người Việt cổ sinh sống, vì có cả đồ đá, kim khí, thủy tinh.

Tháng 5/2017, di chỉ khảo cổ Đồng Trương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia. 

Để chào mừng sự kiện này, tháng 2/2018, UBND huyện Anh Sơn tổ chức triển lãm ảnh, hiện vật trong khuôn viên hang cho người dân và du khách tham quan.

Được chính quyền và người dân địa phương kỳ vọng là địa điểm phát triển văn hóa, lịch sử, thu hút du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu. Thế nhưng, ngày nay di tích Đồng Trương đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích.

Tận sâu hang đá mát lạnh ở một ngọn núi của Nghệ An, di tích khảo cổ này "kêu cứu", vì sao vậy?- Ảnh 2.

Biển chỉ dẫn vào di tích khảo cổ học quốc gia hang Đồng Trương. Ảnh: Phạm Tâm.

Loay hoay tìm giải pháp bảo tồn

Nằm cạnh tấm biển chỉ dẫn bị hoen rỉ, con đường mòn dài chừng 70m dẫn vào cửa hang Đồng Trương cỏ dại mọc quá đầu người. Vượt qua đám cỏ dại, trước cửa hang có một hàng rào sắt và dây thép gai, bên trong rác thải vương vãi.

Đi vào trong, nhiều cụm thạch nhũ trong hang bị vỡ, mặt đất nhiều chỗ bị đào xới, vỏ sò trồi lên khỏi mặt hang. Nhìn những cây bụi và rác dưới nền hang có thể nhận thấy nơi đây bị bỏ quên từ lâu.

Hàng ngày chăn thả gia súc ở gần khu vực này, ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1949, trú tại xã Hoa Sơn) cho biết, di tích Đồng Trương nằm trong núi Kim Nhan lâu nay không có người trông coi nên đường vào ngày càng hoang hóa.

“Cũng như mọi người dân Hội Sơn, tôi rất mong chính quyền địa phương có kế hoạch cải tạo để di tích phát huy hết các giá trị văn hóa, khảo cổ. Mỗi lần đi qua nơi này, tôi lại cảm thấy rất đau lòng”, ông Tiến nói.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hội Sơn cho biết, hang Đồng Trương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, bởi cách đó vài chục mét có khe nước ngầm, mát lạnh quanh năm.

Theo ông Thọ, người dân địa phương rất muốn di tích này được đầu tư, tôn tạo xứng tầm với các giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, do kinh phí bảo tồn ước tính hàng chục tỷ đồng nên chính quyền không bố trí được nguồn vốn.

Trong khi chờ kinh phí, xã Hội Sơn đang thuê một người bảo vệ, ngăn người dân hoặc gia súc vào phá hoại di tích. Ngoài ra, địa phương đang muốn nâng cấp con đường nối từ Quốc lộ 7A vào cửa hang, nhưng cũng chưa có nguồn vốn.

“Xã và huyện đang làm đề án nâng cấp, duy tu bảo dưỡng di tích. Ngoài thúc đẩy du lịch, chính quyền muốn đây là nơi trải nghiệm, giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa trong những giờ ngoại khóa”, vị Chủ tịch xã chia sẻ.

Tận sâu hang đá mát lạnh ở một ngọn núi của Nghệ An, di tích khảo cổ này "kêu cứu", vì sao vậy?- Ảnh 3.

Di tích khảo cổ Đồng Trương có nguy cơ bị lãng quên. Ảnh: Phạm Tâm.

Bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay đơn vị chưa có kế hoạch tu bổ, tôn tạo hang Đồng Trương. Trong thời gian tới, khi tiếp nhận văn bản của huyện Anh Sơn, Phòng sẽ tham mưu trình lên UBND tỉnh xem xét.

Theo bà Anh, việc tôn tạo hang Đồng Trương gặp nhiều khó khăn, bởi đây là di chỉ khảo cổ. Nếu tu bổ mà không có chuyên gia góp ý thì rất dễ làm thay đổi hiện trạng, mất các tầng địa chất của di tích. Vì vậy, các kế hoạch tôn tạo phải căn cứ theo đề xuất của UBND huyện và quá trình khảo sát kỹ lưỡng.

“Tỉnh có nhiều di tích, công trình được yêu cầu tu sửa. Sở sẽ xem xét quy mô, ưu tiên những di tích có giá trị, đang xuống cấp để làm trước. Với khảo cổ, sắp tới cần có quy hoạch chung cho tất cả di chỉ trên toàn tỉnh để có sự đầu tư đồng bộ”, Trưởng phòng Quản lý di sản nói thêm.

Nghệ An có 27 di tích khảo cổ học lưu dấu ấn của người Việt cổ thuộc các giai đoạn của thời đại đá mới. Tuy nhiên, vì một số lý do mà nhiều địa điểm đang bị xuống cấp, chưa được tu bổ.


Phạm Tâm (Báo Giáo dục và Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem