Hàng loạt dự án thoát nước nghìn tỷ chậm tiến độ, thoát nước Hà Nội "tắc dòng"

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 06/09/2023 06:28 AM (GMT+7)
Thời tiết thất thường, đô thị hóa và vấn đề triển khai các dự án thoát nước ở Hà Nội đang khiến các đơn vị làm công tác thoát nước gặp khó. Đây là lý do khiến Hà Nội cứ mưa là ngập và đến nay vẫn chưa cải thiện.
Bình luận 0

Dự án giao thông "chồng" dự án thoát nước

Thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy, năm 2022, lượng mưa trung bình cao hơn 30% so với trung bình nhiều năm. 8 tháng đầu năm 2022, lượng mưa tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2021. 

Theo nhận định, năm 2023 tiếp tục có diễn biến bất thường, phức tạp khó lường, năng nóng xuất hiện nhiều hơn kèo theo đó là những trận mưa bất thường, không theo quy luật có thể xảy ra. Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế gia tăng. Mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa trung bình hàng năm, trong các tháng cao điểm có xu hướng tăng dần từ 5-10%. Các số liệu này cho thấy, công tác thoát nước, chống ngập sẽ còn gặp nhiều thách thức. Đặc biệt tại các quận nội thành.

Thực tế, Sở Xây dựng đã xác định rõ vị trí các điểm trũng, thường xuyên xảy ra ngập úng bộ và xây dựng các kịch bản theo lượng mưa. Qua đó, Sở Xây dựng cũng đã đưa ra một số giải pháp xử lý cả về trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, việc khắc phục được triển rất chậm, gây bức xúc với người dân Thủ đô.

Hàng loạt dự án chậm triển khai khiến thoát nước Hà Nội "tắc dòng" - Ảnh 1.

Người dân Thủ đô từ lâu đã quen với tình trạng "cứ mưa là ngập"

Liên quan đến công tác thoát nước, một số tồn tại, hạn chế tại được Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra như các khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội và khu vực quận Long Biên, tình trạng úng ngập còn tiếp diễn. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật và các công trình thoát nước đầu mối theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống thoát nước vẫn chủ yếu bằng phương pháp tự chảy. Các hồ điều hòa chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, các trạm bơm đầu mối, hồ điều hòa chưa được xây theo quy hoạch.

Đáng chú ý, một số dự án thi công kéo dài, trong đó bao gồm cả dự án giao thông và dự án thoát nước cũng khiến công tác thoát nước rơi vào tình trạng "tắc dòng". 

Những dự án được Sở Xây dựng liệt kê có thể kể đến như dự án xây dựng nhà ga S12 – Dự án Đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn – ga Hà Nội); dự án nạo vét sông Cầu Bây; tuyến kênh La Khê thuộc dự án Cải tạo hệ thống tiêu nước khu vực Tây Hà Nội; các gói thầu dự án xử lý nước thải Yên Xá..

Hàng loạt dự án chậm triển khai khiến thoát nước Hà Nội "tắc dòng" - Ảnh 2.

Gói thầu 1, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá

Bên cạnh đó, nhiều dự án thoát nước dù đã hoàn thành nhưng chậm bàn giao, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả đầu tư như gói thầu CP3, CP4 dự án Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội.

Kế hoạch cải tạo môi trường nước cũng bị liên đới

Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tiêu thoát nước chung của thành phố, tình trạng chồng chéo nêu trên còn trở thành một phần nguyên nhân khiến những dự án cải tạo môi trường phải đi chậm lại. Đơn cử như tại Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét", mục tiêu ban đầu tổ soạn thảo đưa ra là đến 2025, các lưu vực sông sẽ có khả năng tự làm sạch.

Chủ trì tư vấn lập Đề án, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết lộ trình này có thể sẽ phải xem xét lại. Trong đó, sự chậm trễ kéo dài của một số dự án đang triển khai là một phần nguyên nhân.

"Trong thời gian đánh giá đề án, chúng tôi cũng có nhận định liên quan đến một số dự án lớn. Trong đó, dự án lớn nhất là nhà máy nước thải Yên Xá đã có sự cam kết của thành phố rằng sẽ đưa vào thực hiện cuối năm 2024. Lưu vực S1, S2, S3, nhà máy nước thải Yên Xá cơ bản cũng xử lý được khối lượng lớn. Riêng với Đề án, các mốc thời gian sẽ cần phải điều chỉnh vì cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó bao gồm cả thời gian hoàn thành của các dự án hiện hữu", PGS.TS Trần Thị Việt Nga chia sẻ.

Nhằm tăng cường khả năng chống ngập, úng cục bộ, Sở Xây dựng phải đưa ra giải pháp tạm thời mỗi khi có mưa lớn là thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá dỡ đập quây khi có mưa với các Chủ đầu tư có dự án đang tồn tại vướng mắc. 

Nhưng về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án để giải quyết các điểm ngập úng là bắt buộc. Đồng thời là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để có giải pháp đồng bộ, tránh bị động khi diễn biến thời tiết bất thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem