Hành trình tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Gươm

Văn Hoàng Thứ bảy, ngày 11/03/2023 08:13 AM (GMT+7)
Hơn 12 năm đi khắp các con sông, hồ nước lớn ở 21 tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Tài Thắng cùng các cộng sự của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) đã thu thập được nhiều chứng cứ về sự tồn tại của rùa hồ Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm) ngoài sông, hồ tự nhiên.
Bình luận 0

Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, rùa hồ Gươm là loài rùa nguy cấp, quý hiếm nhất thế giới. Đến nay thế giới chỉ còn ba con được ghi nhận 3 cá thể, trong đó một con được nuôi ở Trung Quốc, một con ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội được phát hiện 2017) và một con ở hồ Đồng Mô phát hiện năm 2007.

Sau sự kiện "cụ" rùa hồ Hoàn Kiếm chết vào đầu năm 2016, nhiều người cho rằng loài rùa này không còn tồn tại ở nước ta nữa. Năm 2020, được sự cho phép của chính quyền địa phương, các chuyên gia và nhà khoa học đã vây bắt thành công cá thể rùa cái nặng 86kg tại hồ Đồng Mô, sau đó phân tích có ADN giống rùa hồ Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm).

Ngoài cá thể rùa đã được phân tích AND, hiện nay một cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh (phát hiện năm 2017) đang được nghiên cứu, vây bắt để lấy mẫu phân tích nhằm xác định chính xác có đúng là rùa hồ Gươm. 

Đáng chú ý thời gian gần đây cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) chụp được nhiều bức ảnh có 2 cá thể rùa ở hồ Đồng Mô đã thắp thêm hi vọng cho công tác bảo tồn và phát triển loài rùa quý hiếm nhất Thế giới này.

Hành trình tìm hậu duệ rùa quý hiếm nhất thế giới ở Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 1.

Hình ảnh một cá thể rùa hồ Gươm ở hồ Đông Mô (Hà Nội). Ảnh: ATP

Không chỉ ngày đêm theo dõi, bảo tồn những cá thể rùa đã phát hiện, từ nhiều năm nay, các cán bộ, chuyên gia của Chương trình bảo tồn rùa đã đi khắp các tỉnh miền bắc tìm những dấu vết với mong muốn phát hiện thêm những cá thể mới. Bước đầu cho những kết quả đáng mừng.

Nhà bảo tồn hơn 12 năm vượt núi băng rừng tìm rùa hồ Gươm

Hơn 12 năm đi khắp các con sông, hồ nước lớn ở 21 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra phía bắc, ông Nguyễn Tài Thắng cùng các cộng sự của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) đã thu thập được nhiều chứng cứ về sự tồn tại của rùa hồ Gươm ngoài sông, hồ tự nhiên.

Phát hiện nhiều khu vực có dấu hiệu sinh sống của rùa hồ Hoàn Kiếm (rùa hồ Gươm)

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt khi vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh Tây Nguyên trở về, nói về rùa hồ Gươm nụ cười luôn xuất hiện trên khuôn mặt ông Thắng, ông liền mở máy tính ra chia sẻ với chúng tôi về những bức ảnh, thước phim rùa hồ Gươm  mà ông và cộng sự chụp được những năm qua, cũng như những kỉ niệm sau bao ngày ăn ở với bà con nông dân từ miền núi đến miền xuôi.

Hành trình tìm hậu duệ rùa quý hiếm nhất Thế giới ở Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 2.

Ông Nguễn Tài Thắng bên một cá thế rùa hồ Gươm nặng 86kg. Ảnh: NVCC

Ông Thắng kể về hành trình đầy tự hào của mình trong công tác bảo tồn và tìm kiếm rùa hồ Gươm bắt đầu từ năm 2010 đến hiện nay. "Mới đây nhất tìm ra thêm một hồ nữa có dấu hiệu của rùa hồ Gươm nhưng chưa bắt được nên chưa công bố" - ông Thắng vui vẻ nói.

Khi phát hiện thêm một cá thể rùa hồ Gươm , đó không chỉ là một niềm tự hào của ông Thắng và cộng sự, còn là một sự kiện lớn đối với công cuộc tìm kiếm và bảo tồn loài rùa quý hiếm tầm cỡ Thế giới đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao.

Để thực hiện việc tìm kiếm "hậu duệ" rùa hồ Gươm , trước khi có những chuyến công tác kéo dài từ 18 đến 20 ngày, ông Thắng và các cộng sự phải nghiên cứu kỹ bản đồ ở các tỉnh, ở khu vực có hồ lớn, có khúc sông lớn rồi di chuyển đến hỏi người dân địa phương để tìm những dấu hiệu, đặc điểm cũng như lịch sử trước đây ở khu vực đó ra sao, có loài động vật gì, ba ba, rùa mai mềm… từ nguồn tin đó nhóm phân tích và sử dụng công nghệ hiện đại để đánh giá, xét nghiệm tìm manh mối.

"Tôi đi Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên tìm hiểu nhiều lần, tôi cho rằng thực tế giờ còn rùa hồ Gươm ở trên sông và hồ thủy điện lớn nhưng chứng minh rất khó, trước khi chưa đắp đập dân thường thấy rùa lên bãi cát, sau thủy điện dâng nước, bãi cát bị lấp, người dân di chuyển đi nơi khác nên không thấy nữa. Chúng tôi cần thời gian để chứng minh điều này dù biết là rất khó khăn" - ông Thắng nói.

Hành trình tìm hậu duệ rùa quý hiếm nhất Thế giới ở Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tài Thắng, cùng các trang thiết bị trên đường đi tìm rùa hồ Gươm ở một tỉnh miền núi phía bắc. Ảnh: NVCC

Với những hành trình tìm kiếm như vậy, ông Thắng cùng cộng sự sẽ di chuyển từ Hà Nội đến các địa phương, sau đó thuê xe máy, thuê thuyền đi dọc sông, hồ, gặp người dân địa phương nhóm trao đổi, ghi chép, đưa cho người dân xem hình ảnh rùa hồ Gươm , … Từ những thông tin thu thập được, nhóm nghiên cứu lập tức đến khu vực đó quan sát.

Để thu được những công việc và kết quả vừa kể, "tôi đã đi tất cả các con sông ở miền bắc, hầu như khúc sông nào cũng đặt chân đến, sông Đà, sông Lô, sông Gâm, sông Mã, sông Chu, Sông Lam… chưa sót một khúc nào cả, vừa rồi phải đi lại một số khu đã đi rồi" - ông Thắng nói.

Ngược dòng sông Đà đi tìm hậu duệ của "cụ" rùa hồ Gươm. Video: Nguyễn Tài Thắng

Tuy sức người và thời gian có hạn, có những chuyến công tác của nhóm nghiên cứu kéo dài đến gần một tháng, phần lớn thời gian di chuyển trong rừng, ven sông, lòng hồ. Khi phát hiện nơi nghi ngờ ở lại vài tháng để quan sát. Sau nhiều năm lặn lội, hiện nay nhóm đã có hơn mười khu vực nghi ngờ có sự xuất hiện của rùa hồ Gươm . Từ đó, nhóm đã lập lên đội cộng tác viên ở địa phương, nếu phát hiện là cán bộ ATP lập tức lên đường nhằm tìm kiếm thêm những cá thể rùa hồ Gươm .

Ngủ bờ bụi ven sông và muôn vàn khó khăn phía trước

"Như tìm kim đáy biển" - lời ông Thắng nói: "Mình đi ghi hình, chụp ảnh rùa cực khó, rùa chỉ nổi ba giây, đã có lần bay flycam thử nhưng không phát hiện được, chỉ đến tầm thấp khoảng 80m so với mặt nước là tiếng kêu máy phát ra là rùa lặn mất, giờ chúng tôi dùng ống kính siêu zoom mới chụp được, mà không phải ai cũng có máy ảnh "xịn" để chụp. Trên sông nước khó bẫy ảnh, đặt được máy ảnh nhưng hồ có sóng nước là máy ảnh chụp gửi về cả ngày thời gian đâu mà xem ảnh, không hiệu quả".

Hành trình tìm hậu duệ rùa quý hiếm nhất Thế giới ở Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 5.

Những nguy hiểm gặp phải trên đường lội suối băng rừng đi tìm rùa hồ Gươm mà ông Thắng cùng các cộng sự gặp phải là sạt lở, lũ quét trong mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Tài Thắng

Hơn 12 năm với hàng trăm chuyến đi dài ngày, ông Thắng và cộng sự đã gặp nhiều nguy hiểm. "Có lần như người lái đò sông đà, chúng tôi phải thuê thuyền gỗ đi trên sông Đà, mệt quá nằm nghỉ trên thuyền ở ven sông mà thuyền bị trôi mấy cây số, may mà không bị sao. Đặc điểm sông Đà đi hai bên toàn rừng núi, đi xuyên mấy ngày từ Mương La (Sơn La) lên đến thị xã Mường Lay (Điện Biên), đến đâu ngủ bờ bụi ở đó".

Những chuyến đi đó có rất nhiều mối nguy tiềm ẩn, nhưng ông Thắng và cộng sự sợ nhất là đi trúng đợt mưa bão sạt lở không về kịp, vì toàn đi đường đất, chỗ dễ đi, thông tin đã được phổ biến nên nhóm đi toàn chỗ khó, chỗ nguy hiểm. Trong các chuyến đi ấy may mắn là người dân địa phương rất cởi mở, dễ tiếp xúc. Nên công việc tìm kiếm gặp nhiều thuận lợi.

Có nhiều câu chuyện về rùa hồ Gươm  mới đây được nhóm ghi nhận, ở một tỉnh Tây Bắc có người dân kể nhìn thấy rùa xuất hiện cách khoảng 4m, ngóc đầu quan sát người rồi lặn, có người dùng điện kích cá ở độ sâu khoảng 5 m, thấy con vật lớn tưởng cá nên nhảy xuống bắt, không nhờ đụng phải con rùa to bằng cái phản, sau đó sợ quá bỏ chạy về nhà, cũng ở khu vực đó người dân đi tắm sông thấy rùa nổi lên.

Hành trình tìm hậu duệ rùa quý hiếm nhất Thế giới ở Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 6.

Cán bộ Chương trình bảo tồn rùa Châu Á đưa hình ảnh "cụ" rùa cho người dân vùng sông, hồ ở một tỉnh miền núi phía bắc ghi nhận đặc điểm. Ảnh: Nguyễn Tài Thắng

Ông Thắng nhớ lại, cách đây hai năm, khi đang trên đường đi làm về, có người ở một tỉnh thuộc Tây Bắc thông tin thấy rùa nổi, chúng tôi chạy xe từ 10 giờ đêm đến 3 giờ chiều hôm sau mới đến khu vực đó, đến đó với hi vọng người dân tả về con vật họ thấy đúng đặc điểm của rùa hồ Gươm .

Có lần nhận tin "thủy quái" ở Hà Giang, trên sông Chảy thuộc huyện Xín Mần, đoạn video bằng điện thoại của người dân từ trên cao xuống lòng hồ thủy điện thấy mờ mờ như rùa đang nổi, chúng tôi di chuyển từ 3 giờ chiều đến đó 1 giờ đêm, thấp thỏm mong đến sáng đi tìm rùa, hôm sau dùng máy ảnh zoom lại gần thấy đàn cá mè chứ không phải rùa.

Khi được hỏi, đi công tác lâu ngày như vậy ông dành thời gian cho gia đình như thế nào? Ông Thắng nói: "Đi lâu ngày, có chuyến cả tháng nên phải hài hòa công việc và gia đình sau những chuyến dài ngày, nhưng lâu không được đi lại nhớ rừng, nhớ sông hồ. Mong muốn tìm được thêm nhiều rùa quý hiếm lại thôi thúc tôi lên đường".

Và hành trình đi tìm "hậu duệ" rùa hồ Gươm vẫn đang được tiếp tục…

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem