Hậu Giang: Triển khai nhiều biện pháp để giảm nghèo bền vững

Thùy Anh Thứ ba, ngày 14/03/2023 12:37 PM (GMT+7)
Mặc dù Hậu Giang là tỉnh không có đơn vị thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo nhưng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao. Để giảm nghèo nhanh, bền vững tỉnh đã xây dựng kế hoạch và đặt ra những mục tiêu cụ thể.
Bình luận 0

Đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%

Báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Hậu Giang cho biết, hoạt động giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh còn 6.375 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 24% (năm 2004) xuống còn 3,46% (năm 2020). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,1% (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 2%/năm.

Để tiếp tục triển khai chương trình, cuối năm 2022, tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022 - 2025.

Báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh cho thấy việc nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 sẽ làm tăng số hộ nghèo, cũng như tỷ lệ hộ nghèo lên cao so với hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.

Tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai giảm nghèo. Bởi vì số hộ nghèo dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao; hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội,… khó có khả năng thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng đối mặt với nhiều những khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Do vậy, để đảm bảo thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, cần phải có nguồn lực đầu tư khá lớn.

giảm nghèo bền vững

Tạo việc làm, tăng thu nhập được xác định là kênh chính để giảm nghèo bền vững cho người dân ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: NN

Để giảm nghèo, tỉnh xác định sẽ tập trung huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo, cận nghèo và phát sinh nghèo; tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh bình quân từ 1%/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm. Mục tiêu dài hạn tới năm 2025, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Phấn đấu 80% người có khả năng lao động được nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.

Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022 - 2025 (vốn sự nghiệp) là hơn 67,3 tỷ đồng. Chương trình được triển khai đồng bộ ở nhiều nội dung. UBND tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo, yêu cầu tất cả các tổ chức, đoàn thể, ban ngành vào cuộc thực hiện giảm nghèo.

Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu tập huấn kiến thức, nâng cao kỹ năng cho 100% cán bộ làm công tác giảm; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.

Song song với đó là giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm (100% lao động hộ nghèo, cận nghèo được kết nối tư vấn việc làm); thiếu hụt y tế (100% hộ nghèo được tham gia BHYT); chiều nước sạch; thông tin; thiếu về giáo dục, đào tạo...

Phát triển nhiều mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững  

Vừa qua, xã Thanh Xuân (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đã triển khai xây dựng dự án đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn. Dự án với tổng kinh phí 720.000.000 đồng cho 12 hộ nghèo; trong đó: 11 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo tham gia dự án nuôi dê thương phẩm.

Ngày 10/2/ 2023, xã đã phối hợp với Phòng LĐTBXH và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức giao nhận dê giống của Cơ sở cung cấp Dê giống Ngọc Đào cho 12 hộ, mỗi hộ nhận 3 con dê giống.

giảm nghèo tỉnh Hậu Giang

Trao dê giống cho người nghèo ở xã Thanh Xuân để tạo việc làm tăng thu nhập, giảm nghèo. Ảnh: NN

Địa phương mời cơ sở chăn nuôi dê Ngọc Đào - cơ sở chăn nuôi hiệu quả qua tập huấn kỹ thuật như: chuồng trại, máng ăn, nước uống, một số loại thức ăn thường được sử dụng, sự sinh trưởng, phát triển của dê theo từng giai đoạn, xây dựng khẩu phần ăn phù hợp, cách thức quản lý, chăm sóc quản lý, phòng và trị bệnh…

Sau khi chăn nuôi đàn dê phát triển thành đàn dê thương phẩm Cơ sở dê giống Ngọc Đào bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ tham gia dự án góp phần phát triển kinh tế gia đình ngày ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình chăn nuôi dê là một trong số nhiều mô hình đang được tỉnh xây dựng để tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người nghèo.

Trong chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hậu Giang cũng đặt mục tiêu đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Theo đó, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bà Hồ Thu Ánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, chương trình sẽ ưu tiên các lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, phụ nữ yếu thế, người khuyết tật... Ngoài ra còn chú trọng hỗ trợ các hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng...

"Trọng tâm là phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án giảm nghèo do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo chủ trì thực hiện", bà Hồ Thu Ánh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem