Hà Giang: Xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để giảm nghèo bền vững
Hà Giang: Xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để giảm nghèo bền vững
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 10/03/2023 11:44 AM (GMT+7)
Với trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều thôn đặc biệt khó khăn khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, các Chương trình mục tiêu Quốc gia sẽ tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Theo chuẩn nghèo giai đoạn mới 2022 -2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Kết quả, toàn tỉnh có 79.102 hộ nghèo, chiếm 42,08% số hộ toàn tỉnh. Trong đó, tại 7 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 48,83% - 67,96%. Một trong những nguyên nhân khiến các hộ nghèo chưa thể thoát nghèo được các địa phương xác định là do thiếu đất sản xuất, thiếu nguồn vốn, lao động thiếu tay nghề, công cụ, phương tiện sản xuất.
Trước tình hình đó, địa phương đã xác định cần tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động. Cụ thể tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; quy hoạch; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị … xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo.
Thực tế đã chứng minh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thông qua mô hình kinh tế tập thể đang mang lại hiệu quả.
Câu chuyện của Hợp tác xã (HTX) sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì) là một điển hình. Từ một tổ hợp tác nhỏ lẻ, được địa phương hỗ trợ nơi đây đã trở thành một HTX có quy mô lớn (gần 50 thành viên) và đang sở hữu một trong những danh trà thứ thiệt của Hà Giang với thương hiệu Fìn Hò Trà.
Với sự tài trợ toàn diện từ vốn, cơ chế, cùng với tư duy dám nghĩ, dám làm của những người đứng đầu, HTX Phìn Hồ đã từng bước phát triển, mở rộng sản xuất, chế biến kinh doanh chè.
Bà Ðỗ Thị Viết - hộ nghèo đồng thời cũng là thành viên HTX cho hay: "Nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, HTX cùng với chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững mà người dân là những thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều gia đình đã thoát được nghèo và nâng cao đời sống".
Toàn tỉnh đang có 130 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 22 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện hiệu quả. Góp phần giúp người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hay tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A (huyện Đồng Văn) chuyên sản xuất vải lanh truyền thống. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương trong hình thành vùng nguyên liệu và hỗ trợ cơ sở vật chất, HTX đã hình thành chuỗi khép kín, cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 95 thành viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.
Đến nay, HTX luôn có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang trong nước cũng nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2021, nhờ tham gia HTX, đã có 4 hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Tốc độ giảm nghèo của Hà Giang cao, trên 4%
Đến nay, Hà Giang đã có có 722 HTX và 6.232 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các ngành và các lĩnh vực. Số lượng các đơn vị kinh tế tập thể liên tục tăng đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập cho lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng cao của tỉnh.
Việc phát triển mô hình HTX đã góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Kết quả năm 2021, toàn tỉnh Hà Giang giảm 3,75% tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 ( thống kê vào cuối năm 2021) giảm từ 22,29% xuống còn 18,54%.
Để tiếp tục hướng đến giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đào tạo nghề cho lao động, kết hợp tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.
Bà Lò Thị Mỷ - chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Giang cho biết, thời gian tới đơn vị này cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Qua đó, thúc đẩy phát triển các HTX mới tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của các địa phương. Đơn vị cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho lao động.
Tỉnh Hà Giang đang làm tất cả có thể để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện nghèo và 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020 (thu nhập năm 2020 là 18 triệu đồng/người/năm).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.