Hậu Giang: Vợ chồng trẻ bán nhà, vay tiền mua tài sản thi hành án, giờ phải đi "ăn nhờ, ở đậu"

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 12/07/2020 12:46 PM (GMT+7)
Vợ chồng anh Nhăm ở Hậu Giang phải đi "ăn nhờ, ở đậu" trong thời gian dài sau khi vay mượn tiền, bán nhà ở và nhà trọ để mua đất thi hành án.
Bình luận 0

Báo Dân Việt vừa nhận được đơn phản ánh của anh Nguyễn Minh Nhăm (SN 1992, phường 3, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) về việc, anh trúng đấu giá mua tài sản (đất, công trình xây dựng, cây trồng trên đất) và đã đóng đủ tiền trúng đấu giá (khoảng 2,5 tỷ đồng) nhưng hơn 10 tháng qua vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Vợ chồng trẻ ở Hậu Giang phải đi "ăn nhờ, ở đậu" sau khi bán nhà, vay mượn tiền mua đất thi hành án - Ảnh 1.

Khu đất được đem ra bán đấu giá

Theo anh Nhăm, nhiều năm trước đây, một số hộ dân ở ấp 5, xã Vị Tân, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang (nay là khu vực 6, phường IV, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) nợ tiền vay Ngân hàng trên 4 tỷ đồng.

Do đó, theo các bản án của tòa án nhân dân (TAND) các cấp và các quyết định có liên quan, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Vị Thanh phải thực hiện việc kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản thế chấp và tài sản bảo lãnh để trả tiền cho phía ngân hàng.

Sau 12 lần tổ chức bán đấu giá và nhiều lần giảm giá (từ năm 2012 đến ngày 22/8/2019), anh Nhăm là người trúng đấu giá tài sản.

"Khi hay tin có việc đấu giá tài sản của Chi cục THADS TP.Vị Thanh, tôi đã vay mượn tiền, bán nhà ở và nhà trọ của mình được 2,5 tỷ đồng đi tham gia. Sau khi trúng đấu giá, tôi đã nộp đủ tiền vào ngày 29/8/2019 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tài sản từ Chi cục THADS TP. Vị Thanh (đơn vị có tài sản đấu giá). Vợ chồng tôi phải đi "ăn nhờ, ở đậu" nhà người thân và không còn tiền để xoay sở kiếm sống" - anh Nhăm nói.

Theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ghi rõ, thời hạn giao tài sản trong vòng 30 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản. 

"Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của bên mua tài sản đấu giá từ rất lâu nhưng Chi cục THADS TP. Vị Thanh vẫn không thực hiện việc bàn giao tài sản cho tôi" - anh Nhăm cho hay.

Cuối tháng 1/2020, anh Nhăm gửi đơn khiếu nại đến Chi cục THADS TP. Vị Thanh. Sau đó, phía chi cục trả lời rằng, do một vài hộ dân sống trên đất đấu giá khiếu nại nên phải tạm dừng việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người mua trúng đấu giá, Chi cục THADS TP. Vị Thanh sẽ "tiến hành giao tài sản theo quy định".

Bất ngờ, đến ngày 29/5/2020, Cục trưởng THADS tỉnh Hậu Giang yêu cầu Chi cục THADS TP.Vị Thanh có văn bản gửi TAND cùng cấp đề nghị hủy kết quả bán đấu giá trên. 

Để làm rõ vụ việc trên, phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với ông Lê Phước Toàn - Cục trưởng THADS tỉnh Hậu Giang. 

Theo ông Toàn, lý do ông yêu cầu Chi cục THADS TP.Vị Thanh có văn bản gửi TAND cùng cấp đề nghị hủy kết quả bán đấu giá là do có khiếu nại của người dân đang ở trên phần đất đã đem ra đấu giá, ngoài ra, còn có việc chấp hành viên của Chi cục THADS TP.Vị Thanh làm chưa đúng một số quy định.

Cũng theo ông Toàn, vụ việc trên đang được Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Hậu Giang kiểm sát hồ sơ khiếu nại của anh Nhăm, tất cả hồ sơ có liên quan, phía Cục THADS đã cung hết cho phía Viện KSND tỉnh.

"Hiện nay, chúng tôi đang chờ kết luận từ Viện KSND tỉnh Hậu Giang, nếu họ thống nhất kiến nghị của Chi cục thì chúng tôi sẽ có văn bản gửi sang TAND tỉnh hủy kết quả đấu giá, lúc này, người mua tài sản sẽ nhận lại tiền đã nộp. 

Sau đó, Chi cục THADS TP.Vị Thanh tiếp tục tổ chức đấu giá lại trong thời gian tới. Ngược lại, nếu Viện KSND tỉnh không đồng ý kiến nghị của Chi cục thì chúng tôi sẽ không hủy kết quả đấu giá này" - ông Toàn khẳng định.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hậu Giang còn cho biết, đã đề nghị Chi cục THADS TP.Vị Thanh kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với chấp hành viên làm chưa đúng một số quy định trong suốt quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản như đã nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem