Hệ thống đăng ký "luồng xanh" quá tải, chủ DN chịu trách nhiệm về tính xác thực

Thế Anh Thứ hai, ngày 26/07/2021 20:28 PM (GMT+7)
Những ngày qua, TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu đăng ký "luồng xanh" để nhận thẻ nhận diện phương tiện (thẻ "luồng xanh") đi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tăng cao đột biến.
Bình luận 0

Doanh nghiệp gặp khó đăng ký thẻ "luồng xanh"

Các doanh nghiệp vận tải liên tục phản ánh, về việc đã thực hiện đăng ký "luồng xanh" tại đường link http://luongxanh.drvn.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhưng bị đăng xuất ra không đăng nhập được.

Đặc biệt, việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại các địa phương còn chậm so với yêu cầu thực tế. Có doanh nghiệp phản ánh, phải mất tới 24h cũng vẫn chưa nhận được mã QR ưu tiên để in dán lên phương tiện.

Hệ thống đăng ký "luồng xanh" quá tải, Chủ DN chịu trách nhiệm về tính xác thực - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp "kêu khó" khi quá tải hệ thống đăng ký thẻ "luồng xanh". (Ảnh: Thế Anh)

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Chúng tôi có nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải khi thực hiện đăng ký "luồng xanh" trên hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam xảy ra tình trạng chạy chậm, thậm chí bị treo máy, nên doanh nghiệp vận tải không nộp được hồ sơ".

Trước những phản ánh nêu trên, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo đơn vị cung cấp phần mềm kiểm tra, khẩn trương có giải pháp khắc phục.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tính đến ngày 25/7, đã nhận được hơn 10.000 xe tải chở hàng đăng ký cấp "luồng xanh" vào hoặc đi qua Hà Nội, số lượng đăng ký vẫn đang tăng từng giờ. Ngày 25/7 hệ thống mới xử lý được hồ sơ của 2.000 xe (tương đương 20% nhu cầu), nhiều DN vận tải đã đăng ký nhưng chờ đợi lâu, thậm chí nhiều lúc vào tra cứu thông tin còn treo máy.

Cũng theo ông Long, quá trình nhập thông tin cũng có doanh nghiệp vào đăng ký không được hoặc đăng ký được nhưng thông tin nhập chưa đầy đủ, nhập sai. Cũng có trường hợp chúng tôi đã xét duyệt, cấp mã thẻ nhận diện, nhưng doang nghiệp chưa nhận được kết quả thông báo.

Hai ngày qua, Sở GTVT Hà Nội đã tăng cường tối đa lực lượng, anh em thức trắng đêm, luân phiên trực 24/24h; Đồng thời, Sở GTVT cũng huy động tất cả cán bộ làm công tác vận tải để giải quyết hồ sơ cho DN. Những doang nghiệp đăng ký đã lâu mà chưa được giải quyết, có thể gọi điện thoại về 3 đường dây nóng mà Sở GTVT đã công bố, nhắn tin tên doanh nghiệp BKS phương tiện để chúng tôi chủ động tra cứu, xử lý.

Hệ thống đăng ký "luồng xanh" quá tải, Chủ DN chịu trách nhiệm về tính xác thực - Ảnh 2.

Ngày 26/7, lương phương tiện đi qua trạm thu phí Pháp Vân đã giảm. (Ảnh: Thế Anh)

Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính xác thực

Thông tin về việc cấp thẻ "luồng xanh", Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, những ngày đầu khi triển khai đăng ký phương tiện hoạt động trên "luồng xanh" vận tải gặp tình trạng ùn tắc tại chính nơi cấp, dẫn đến chậm cấp thẻ.

Những vướng mắc lớn nhất chính là khái niệm về hàng thiết yếu. Do chưa có danh mục về mặt hàng thiết yếu nên quy trình cấp mất khá nhiều thời gian. Chẳng hạn, một doanh nghiệp khai chở hàng hóa là thịt lợn hay kính thì cán bộ Phòng Vận tải duyệt hồ sơ phải "soi" xem đó có phải là hàng hóa thiết yếu hay không.

Hiện, Ủy ban ATGT Quốc gia đã làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở GTVT thống nhất không yêu cầu doanh nghiệp kê khai loại mặt hàng. Thay vào đó là phân nhóm mặt hàng để doanh nghiệp kê khai. Chủ doanh nghiệp đăng ký thẻ ưu tiên "luồng xanh" phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai hàng hóa vận chuyển.

Bên cạnh đó, cũng phát sinh vấn đề về hàng hóa thiết yếu là theo văn bản hướng dẫn 4349/2021 của Bộ Công thương. Tuy nhiên, trong văn bản này, Bộ Công thương cũng lại cho phép sở Công thương và UBND các tỉnh, thành phố tự quy định theo đặc thù.

Như vậy, lại thêm nhóm hàng hóa đặc thù theo quy định của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhóm khác nữa là hàng hóa thiết yếu khác nữa là vận chuyển hàng từ địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 sang địa phương chưa áp dụng.

Hệ thống đăng ký "luồng xanh" quá tải, Chủ DN chịu trách nhiệm về tính xác thực - Ảnh 3.

Lượng lượng chức năng phân luồng tại trạm thu phí Pháp Vân. (Ảnh: Thế Anh)

Cũng trong ngày 26/7, ông Trần Đức Nghĩa - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết: "Doanh nghiệp vận tải đường bộ, chúng tôi đang ở trong tình trạng kiệt quệ, hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên".

Ông Nghĩa lấy ví dụ: Một Công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp. Nhìn lại thì tôi thấy có một số vấn đề.

Theo ông Nghĩa việc phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương chưa thống nhất và tiếp tục lấy ví dụ: Trên địa bàn Quảng Ninh, không hiểu lý do vì sao khi vào khu vực cửa khẩu phải test Covid-19, trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải test PCR. Sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương áp dụng các quy định vận tải trên đường quốc lộ.

Hay như là tại Hải Dương khi dịch lần 3 bùng phát, UBND tỉnh đã cho đóng cửa quốc lộ 18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hoá quốc lộ 1A và 18 bình thường, mặc dù mức độ dịch bệnh tại đây nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác trong việc test Covid-19 hay làm xét nghiệm PCR, điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp. "Hiệp hội chúng tôi ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày", ông Nghĩa cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem