LTS: Thời gian qua, nhiều công trình xây dựng dự án đang thi công thì chủ đầu tư bỏ dở hoặc thờ ơ, vô trách nhiệm với các vấn đề an toàn khiến nhiều vụ việc thương tâm xảy ra. Điều đáng nói, mặc dù gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu của những dự án này dường như không bị chịu trách nhiệm gì khi hầu như không có mấy vụ bị khởi tố hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Mới đây nhất là sự việc người phụ nữ 52 tuổi rơi xuống cống thoát nước và bị tử vong ở Đồng Nai. Cần lên án những chủ đầu tư thờ ơ, vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra. Dân Việt xin khởi đăng loạt bài về những công trình thiếu an toàn và quy định của luật pháp về vấn đề này.
Hiểm hoạ thường trực
Hàng loạt loạt sự cố liên quan đến vấn đề an toàn tại các công trình xây dựng đã xảy ra trong nhiều năm qua. Đặc biệt, tại những thành phố có tốc độ đô thị hoá cao như Hà Nội, TP.HCM đang có mật độ xây dựng cao, nhiều công trình xây dựng khá sát nhau và sát khu dân cư.
Bên cạnh nhiều chủ đầu tư, nhà thầu nghiêm túc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng, một số vì lợi ích kinh tế nên thực hiện công tác kiểm định các thiết bị máy móc còn sơ sài, công tác kiểm tra, giám sát còn thực hiện mang tính hình thức, chưa triệt để.
Đặc biệt, vấn đề quan trọng là các chủ đầu, nhà thầu chưa làm hết trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn lao động nói chung và an toàn cho người tham gia giao thông nói riêng.
Theo khảo sát của PV Dân Việt tại những "điểm nóng" xây dựng của TP. Hà Nội như: quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Mỹ Đình… vấn đề đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng các công trình đơn lẻ và nhiều dự án lớn vẫn chưa được chủ đầu tư, đơn vị thi công, người lao động tuân thủ chặt chẽ.
Đáng chú ý, có những công trình nằm ngay sát mặt đường, cẩu tháp hoạt động liên tục, vươn dài ra phía đường giao thông, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn… Bởi, chỉ cần xảy ra một sự cố sự cố mất an toàn nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến người đi đường.
Chia sẻ lo lắng khi qua các công trình đang xây dựng, chị Nguyễn Thị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị phải lưu thông qua tuyến đường Lê Văn Lương để đưa đón con đến trường và đi làm, nhưng mỗi lần qua công trình xây dựng ngay ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thuý đều có cảm giác e ngại.
"Công trình được đơn vị thi công rào chắn nhưng do vị trí công trường xây dựng nằm sát mặt đường, chiếm cả một phần diện tích vỉa hè. Người đi dưới đường rất đông, chỉ cần một bất cẩn nhỏ của công nhân như rơi vật liệu xây dựng thôi cũng đã gây nguy hiểm nghiêm trọng", chị Hiền nói.
Tương tự, nhiều người tham giao thông qua nút giao đường Ngụy Như Kon Tum – Nguyễn Tuân gần đây cũng cảm thấy bất an bởi các cẩu trục tháp từ một dự án cao ốc trên đầu.
"Nhiều sự cố nghiêm trọng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng cần trục tháp gây chết người. Giờ tôi đi qua mấy cẩu này, tôi cảm thấy không an tâm. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện tham gia đông, không may, chỉ cần một sự cố thì không biết hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng", anh Trần Minh Tân – một người dân sống trên địa bàn quận Thanh Xuân lo lắng.
Những lo ngại của người dân khi tham gia giao thông qua các dự án đang thi công không phải là không có lý do, bởi thực tế, đã có những hàng loạt sự cố như: sập giàn giáo, đổ cẩu trục tháp, rơi vật liệu xây dựng… gây thương vong và thiệt hại tài sản cho chính người lao động và người đi đường.
Mới đây, ngày 4/8, tại công trình xây dựng trụ sở làm việc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở ngã tư Hàng Vôi – Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm), khi công nhân đang làm việc thì bất ngờ một thanh sắt dài khoảng hơn 1m từ công trường này rơi đâm xuyên từ trên nóc qua kính chắn gió của xe ô tô đang lưu thông phía dưới khiến nhiều người đi đường một phen khiếp vía. Rất may, tài xế ô tô thoát chết.
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) 6 tháng đầu năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ TNLĐ làm 3.450 người bị nạn. Những địa phương có nhiều người chết vì TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động là: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đáng chú ý, số người chết liên quan tới lĩnh vực xây dựng chiếm 23,24% tổng số vụ tai nạn và 28,71% tổng số người chết.
Cá biệt, phải kể đến sự việc vào khoảng 9/2018, công trình xây dựng do nằm trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư đã rơi một thanh sắt từ tầng 16 vào người đi đường khiến một phụ nữ tử vong và 1 một người bị thương.
An toàn lao động bị bỏ ngõ?
Những nguy hiểm không chỉ tiềm ẩn ở những công trình xây dựng mà còn ở các dự án hạ tầng giao thông. Mới đây, khoảng 17h ngày 21/9, một người dân mặc áo mưa đang đi trên đường Đức Huy - Thanh Bình thuộc ấp Dốc Mơ, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai trong con mưa lớn thì bất ngờ rớt xuống cống thoát nước. Chỉ trong vài phút, người này bị nước cuốn trôi mất tích.
Trước đó khoảng 1 tháng, tại đoạn cống đang thi công ở một công trường xây dựng khu dân cư thuộc P.Bửu Long (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến một bé trai 7 tuổi tử vong.
Những sự cố nêu trên tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lọt cống, mương thoát nước vào mùa mưa khi hiện nay trên một số quốc lộ, đường tỉnh, tuyến đường trong khu dân cư có nhiều cống, mương thoát nước không có nắp hoặc bị hỏng, bể nắp... Và ngay cả những dự án giao thông vừa thi công, vừa để người dân lưu thông.
Ghi nhận vào tháng 9/2020, tại dự án mở rộng đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao. Ngoài vấn đề rác thải và vật liệu xây dựng tràn lan, nhiều điểm đào hố thi công hạ tầng điện nước được đơn vị nhà thầu cảnh báo sơ sài. Đáng nói, đây là tuyến đường có mật độ lưu thông rất đông càng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn lao động và giao thông cao.
Tương tự, cũng tại dự án mở rộng đường vành đai 2 đoạn ngã tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy (TP.Hà Nội), sau công tác giải phóng mặt bằng, một khối lượng lớn rác thải xây dựng vẫn còn án ngữ cạnh lòng đường, lối dẫn vào các ngõ nhưng không được thu dọn, rào chắn. Điều này tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường.
Hay, thời điểm này, nhiều tuyến phố của Hà Nội đang diễn ra cuộc "cách mạng" chỉnh trang, lát gạch vỉa hè. Nhưng theo ghi nhận, công tác thi công chưa tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn như: không có rào chắn, không có biển báo, không có người phân luồng giao thông...
Thực tế, không chỉ các công trình xây dựng ở Hà Nội đang tiềm ẩn tình trạng thiếu an toàn lao động, mà tại nhiều địa phương đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ sự bất cẩn trong công tác rào chắn, cảnh báo giao thông.
Đơn cử vụ tai nạn tháng 7 vừa qua trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (P.Hồng Hà, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) khiến 4 người tử vong. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do tài xế không thuộc đường, sử dụng rượu bia khi lái xe; đồng thời gặp phải mưa giông, hạn chế tầm nhìn, thiếu quan sát khi vào cua, nên đã đi sang phần đường ngược chiều và lao xuống biển.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, việc đơn vị thi công không có biển cảnh báo, dây phản quang và nhân viên điều tiết giao thông tại đoạn đường đang thi công cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra vụ việc thương tâm trên.
Xâu chuỗi các vụ tai nạn xây dựng xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác an toàn lao động. Rất nhiều câu hỏi cần được trả lời sau hàng loạt vụ tai nạn đáng tiếc vừa nêu: Quy trình bảo đảm an toàn lao động đã được thực hiện? Trách nhiệm của chủ đầu tư, bộ phận tư vấn giám sát ở đâu? Ai kiểm tra, giám sát an toàn tại các công trình xây dựng? Trách nhiệm của thanh tra xây dựng ở đâu?
UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm việc quản lý an toàn lao động trong thi công công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp có sử dụng kết cấu vách ngăn tường bao che, tường ngăn kích thước lớn. Kiên quyết đình chỉ thi công các công trình xây dựng không bảo đảm an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực xây dựng như cần trục tháp, vận thăng lồng, cẩn bơm bê tông, hệ thống cốp pha trong các công trình xây dựng, đặc biệt các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông.
Sở Giao thông Vận tải tăng cường quản lý an toàn trong các công trình giao thông, đặc biệt là các công trình cầu, hầm giao thông; bảo đảm ATGT tại các khu vực đang thi công. Yêu cầu các đơn vị rà soát khu vực đang thi công phải có các biện pháp đảm bảo an toàn như rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, các hố sâu, hố ga trong mùa mưa bão...; kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm hành lang ATGT, đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân tham gia giao thông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.