Như vây, người ta té ngửa ra rằng, không phải 1 cây lan phi điệp đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng như trên tấm banner sự kiện đã trưng lên.
Như vậy, giá 1 cây lan đột biến là 250 tỷ đồng là không có thật, sự ghi nhớ kia sau 1 năm có thể người ta lờ đi để cho thiên hạ đổ xô vào lan đột biến. Từ việc này, nhiều người cho rằng, nhiều vụ chuyển nhượng hàng chục tỷ đồng trước đó cũng ở dạng “ghi nhớ” mà thôi.
Đó là sự hoài nghi của những người ngoài cuộc, nhưng thực tế thì người ta vẫn lao vào với lan đột biến. Chưa có nhà khoa học nào chứng mình được giá trị của lan đột biến đối với sức khỏe con người, ấy vậy mà 1 mầm lan có giá vài triệu, vài tỷ, thậm chí là đưa lên mây đến vài chục, vài trăm tỷ.
Ở tỉnh Tuyên Quang, dân mạng cũng đưa lên những giao dịch lan đột biến lên đến hàng chục tỷ đồng. Mới đây, tại phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) một chủ vườn lan bán một cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Bảo Duy trị giá 26 tỷ đồng nhưng đây chưa phải là thương vụ lớn nhất ở thành phố Tuyên Quang.
Trước đó khoảng 2 tháng, 1 chủ vườn lan ở phường Phan Thiết cũng được dân mạng đưa lên bán một cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Bảo Duy trị giá lên tới 30 tỷ đồng.
Một cây lan mong manh như vậy mà có giá trị khủng như thế thì hẳn nhiều người lao vào lan là điều khó tránh khỏi.
Nhiều người vay vốn anh em, ngân hàng đầu tư bạc tỷ vào lan đột biến nhưng đến nay vẫn chưa bán được cây lan đột biến năm cánh trắng nào mà tiền của ngân hàng thì vẫn chưa trả được.
Không ít người bỏ việc cơ quan Nhà nước, công ty về kinh doanh lan đột biến, lãi lời chưa thấy đâu nhưng đang là con nợ của ngân hàng, người thân.
Nhiều người đặt câu hỏi, hoa lan đột biến có giá trị như thế nào và ai đứng sau những thương vụ đó để bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ chỉ để mua một nhành lan đột biến?
Đây thực sự là ảo tưởng cần sự tỉnh táo của mỗi người để tránh “sập bẫy” đầu tư kinh doanh lan đột biến để nuôi một bộ phận chuyên “làm giá” ảo. Nghề kinh doanh cây cảnh cách đây khoảng 3 thập kỷ là bài học đắt giá cho những người đang đổ xô vào kinh doanh lan đột biến với mong muốn làm giàu nhanh chóng.
Dạo đó, một cây xanh cũng có giá lên tới vài chục tỷ đồng, còn vài trăm triệu đến vài tỷ người ta vẫn đồn thổi bán cả vườn. Dạo đấy chưa có mạng xã hội, những người kinh doanh chỉ truyền miệng thôi, thế là nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn đổ đi mua sanh, si về làm bonsai những mong đổi đời.
Nhưng đời không đổi mà đổi lấy cả đống nợ, bán cả ruộng vườn vẫn chưa trả hết.
Bong bóng thị trường hoa lan đột biến sẽ vỡ bất cứ lúc nào nếu mỗi người không tỉnh táo, thấy lợi trước mắt mà đổ tiền đầu tư đến lúc hối không kịp như những vườn cây cảnh thủa nào.
Cây cảnh còn định giá được bởi tính “cổ, kỳ, mỹ”, được trả giá bởi giá trị thời gian và tính nghệ thuật, độc đáo, chứ hoa lan đột biến thì chưa có bất cứ tài liệu nào nói về giá trị thực của nó. Do vậy, đã đến lúc cần phải nhận dạng giá trị thực của hoa lan đột biến.
Điều này cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, cơ quan chức năng để tránh gây ra những xáo trộn làm tổn hại đến cuộc sống của người dân cũng như thị trường hàng hóa, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải gồng mình chống lại dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Chơi cây cảnh và hoa lan là thú chơi tao nhã, làm cho tâm hồn mỗi người thư thái sau ngày làm việc vất vả, căng thẳng. Vậy mà, sự thanh tao ấy đang bị một số người "đùa giỡn" quá trớn bởi đồng tiền tung ra làm hỏa mù thiên hạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.