Doãn Nhàn - Thùy Anh
Thứ năm, ngày 02/06/2022 06:11 AM (GMT+7)
Công nghệ ô tô là là ngành học “hot" trong bối cảnh kinh tế phát triển, xu hướng “ô tô hóa” ngày càng gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam. Lựa chọn học ngành công nghệ ô tô ở trường nào, học phí ở đâu là rẻ nhất, cơ hội việc làm thế nào... là những câu hỏi được nhiều học sinh quan tâm.
Điều kiện xét tuyển ngành công nghệ ô tô tại các trường cao đẳng hiện nay đa số là xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THCS/THPT hoặc tương đương. Thời gian đào tạo trung bình từ 2-3 năm. Nhìn chung, học phí ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề giao động từ 900.000 đồng - 2.500.000 đồng/tháng tùy hệ đào tạo.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, thầy Lê Đức Triệu - Trưởng Khoa Động Lực (CĐ Cơ điện Hà Nội) cho biết, chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và các khoa công nghệ ô tô hiện nay đang đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy với 25% - 30% lý thuyết - 70% thực hành. Chất lượng đội ngũ giảng viên cũng được chú trọng với các thầy cô kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao; hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại giúp sinh viên có cơ hội thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp,... cơ hội thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp,...
Ví dụ như Khoa Công nghệ ô tô của trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội năm nay chỉ tiêu tuyển sinh là hơn 500 học sinh. Mặc dù chưa chính thức vào mùa tuyển sinh nhưng đã tuyển được hơn 200 học sinh. Theo thống kê 3 năm liên tiếp đây đều là khoa tuyển sinh vượt chỉ tiêu, đồng thời cũng là khoa trọng điểm của trường.
Học sinh học tại khoa sẽ được học các chương trình liên kết với nhiều thương hiệu lớn như: Toyota, Trường Hải, Vinafat. Trong quá trình học, học sinh được học trên thiết bị là xe thật, đời mới nhất. Mới đây, khoa được đầu tư tới 44 tỷ đồng trang bị máy móc, đào tạo nghề công nghệ ô tô truyền thống, một phần ngân sách được dùng để đầu tư đào tạo công nghệ ô tô điện, với mục đích đảm bảo xanh hóa môi trường. Đối với các lớp học theo tiêu chuẩn của Toyota thì học sinh sẽ được gửi về các đại lý thực tập. Với những học sinh làm tốt họ có thể hỗ trợ lương, tuyển thẳng. Mức lương tối thiểu sinh viên ngành này ra trường nhận được là từ 7 triệu đồng - 9 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy năng lực.
Tương tự nhiều khoa công nghệ hay kỹ thuật ô tô cũng thiết kế các chương trình đào tạo liên kết chặt chẽ giữa nhà trường - người học - doanh nghiệp. Một số trường còn có chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế, được thực tập tại các doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước. Thông qua đó, giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế trong môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp... Với mạng lưới kết nối doanh nghiệp đa dạng, hầu hết các trường đều cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi kết thúc đào tạo.
Ngoài các trường cao đẳng nghề, học sinh có thể tham khảo thêm các trường đại học đào tạo ngành công nghệ ô tô như: Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM (học phí dự kiến từ 19,5-35 triệu đồng/năm tùy hệ đào tạo); Đại học Bách khoa Hà Nội (học phí dự kiến từ 22-28 triệu đồng/năm); ĐH Bách khoa TP.HCM (học phí dự kiến từ 27-72 triệu đồng/năm tùy hệ đào tạo); Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH (dự kiến học phí giao động từ 20 -22 triệu đồng/học kỳ đối với hệ đại trà); Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam (dự kiến học phí giao động từ 12-13 triệu đồng/năm); Trường ĐH Thủy Lợi (dự kiến học phí giao động từ 13-15 triệu đồng/năm),...
Một số trường cao đẳng đào tạo ngành công nghệ ô tô đang được nhiều sinh viên lựa chọn như: Trường CĐ Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô (học phí 870.000 đồng/tháng); CĐ Bách Khoa Việt Nam (học phí 1,1 triệu đồng/tháng); CĐ Cơ điện Hà Nội (học phí từ hơn 1 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/tháng tùy hệ đào tạo); CĐ Công nghiệp Hà Nội (học phí từ 1,2 triệu đồng-1,3 triệu đồng/tháng); CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội (học phí 960.000 đồng/tháng); CĐ GTVT Trung ương III (học phí từ 1 triệu đồng/tháng); CĐ Kinh tế - Công nghệ TP HCM (từ 900.000-1,3 triệu đồng/tháng)…
Cơ hội việc rộng mở với ngành công nghệ ô tô
Theo Bộ Công thương, định hướng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, thị trường cần một nguồn lớn nhân lực về kỹ thuật ô tô trong quá trình thiết kế, chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, bảo dưỡng…
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô, sinh viên có thể dễ dàng tìm việc tại các doanh nghiệp, các xưởng sản xuất, chế tạo, sửa chữa, lắp ráp ô tô hay ở các viện nghiên cứu chuyển giao công nghệ,... Nhiều vị trí việc làm có thể tham khảo như: kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô, máy động lực tại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng ô tô; kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô tô; nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô…
Không chỉ rộng mở về cơ hội việc làm, mức lương của ngành công nghệ ô tô cũng khá hấp dẫn với các bạn sinh viên mới ra trường. Theo đó, sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô sau khi tốt nghiệp có mức lương phổ biến từ 10-20 triệu đồng/tháng.
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô tại trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Hải Nam (23 tuổi, Nghệ An) trở về quê tự mở xưởng sửa chữa ô tô. Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Nam cho biết: “Kiến thức được học tại trường nghề đã giúp tôi tự tin hơn về chuyên môn, quyết tâm về quê khởi nghiệp. Hiện tại sau hơn 1 năm mở xưởng, từ một mình lo liệu mọi thứ, bây giờ tôi đã có thêm 5 người đồng hành, cùng làm giàu trên chính quê hương mình”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.