Học ngoại ngữ: Giảng viên nói nhiều, sinh viên im

Thứ ba, ngày 27/12/2011 09:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giảng viên ngoại ngữ hiện nay còn nói quá nhiều, trong khi việc đó nên dành cho sinh viên, đấy mới là cách dạy ngoại ngữ hiệu quả.
Bình luận 0

Vì không phải các khoa chuyên ngành nên nhiều sinh viên vẫn chỉ coi ngoại ngữ như một môn “học mà chơi, chơi mà học”. Đến khi ra trường, không ít người phải ngậm ngùi đi mua chứng chỉ ngoại ngữ hoặc phải cặm cụi đi học lại để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Học ngoại ngữ còn quá nặng về lý thuyết

Mặc dù đã ra trường 2 năm nhưng Lê Đức Hân (quê Việt Trì, Phú Thọ), cựu sinh viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội vẫn phải làm trái nghề vì chưa lấy được bằng do nợ môn Anh văn.

Hân cho biết: “Vì mãi đến lớp 12 mới được biết đến Anh văn nên chỉ học “vớ vẩn” để tập trung vào ôn thi ĐH. Do mất gốc nên vào ĐH học ngoại ngữ cứ như “vịt nghe sấm”, càng không học được càng chán nên không biết đến bao giờ mới lấy được bằng ra”.

img
Học ngoại ngữ trong các trường ĐH, CĐ vẫn chưa được giảng viên và sinh viên coi trọng (ảnh minh hoạ).

Tương tự, Nguyễn Thị Thương - cựu sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho biết: “4 kỳ học Anh văn thì cả 4 kỳ thi được... 5 điểm vớt. Các thầy cô cũng “thông cảm” với lớp đầu vào khối C nên hầu như khối này đầu vào ngoại ngữ thế nào thì đầu ra cũng chỉ vậy, không thêm được chữ nào”.

Thương cũng cho biết thêm, để vào làm tại công ty truyền thông hiện tại, tối nào cô cũng phải đến trung tâm để học thêm tiếng Anh mà vẫn “chật vật” với các kỳ sát hạch của cơ quan.

Tại Hội thảo triển khai đề án ngoại ngữ ở các trường ĐH vừa được Bộ GDĐT tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng phải công nhận: “Nếu ở môn học khác, bên cạnh những mặt còn hạn chế thì vẫn có những thành công, nhưng với môn ngoại ngữ dạy mãi mà học sinh, sinh viên vẫn không sử dụng được. Đó thật sự là một thất bại”.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng sinh viên không học được ngoại ngữ mà Bộ GDĐT chỉ ra là do chương trình học trong các trường ĐH, CĐ còn quá nặng về lý thuyết, ngoại ngữ mới chỉ được coi như một môn học kiến thức (ngữ pháp), chưa phải là môn học kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết).

TS Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng bộ phận thường trực Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 thì cho rằng: “Giảng viên ngoại ngữ hiện nay còn nói quá nhiều, trong khi việc đó nên dành cho sinh viên, đấy mới là cách dạy ngoại ngữ hiệu quả”.

Ngoài ra, TS Dương Bạch Nhật - Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Duy Tân còn cho rằng: “Do đầu vào sinh viên ở nhiều trình độ ngoại ngữ khác nhau nên các trường khó phân loại để đào tạo cho phù hợp”.

Tối thiểu phải hiểu ý người nói

Để dần chấm dứt tình trạng cử nhân “mù” ngoại ngữ, Bộ GDĐT đã định hướng triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 “vươn tới” các trường ĐH. Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương – Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH: “Đề án này sẽ hướng tới việc xác định điều kiện cần và đủ cho sinh viên tốt nghiệp là có trình độ ngoại ngữ nhất định”. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp các ngành không chuyên ngữ tối thiểu phải hiểu được ý chính của người nói, có thể xử lý được các tình huống.

Tuy nhiên, quy định này theo một số trường sẽ gặp nhiều khó khăn khi điều kiện vật chất và giáo viên còn chưa đủ chuẩn. Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, để đạt được điều này phải thành lập được các khoa đào tạo ngoại ngữ ở những trường ĐH, CĐ đủ điều kiện và phát triển mạng lưới đào tạo giáo viên.

Bộ GDĐT đang dự kiến bổ sung thêm khối A1 (Toán, Lý, Anh văn) vào kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ nhằm giải quyết vấn đề “đầu vào” tiếng Anh cho các trường đặc thù. Lãnh đạo nhiều trường ĐH hào hứng chờ đợi kết luận của Bộ vì nó sẽ gỡ được những khó khăn trong việc tuyển chọn những sinh viên có đầu vào đáp ứng được nhu cầu đào tạo, thoát khỏi cảnh phải “xấu hổ” với các doanh nghiệp khi phải “bàn giao” những lứa sinh viên... mù ngoại ngữ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem