Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hoạt động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành nét văn hóa truyền thống của đất nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
Những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Diện tích rừng tự nhiên được quản lý bảo vệ tốt; diện tích, năng suất và chất lượng rừng trồng tăng nhanh.
Clip Tết trồng cây
Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả, cây cảnh, cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao đã góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái. Đến cuối năm 2022, độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 45,7%.
Để đạt được mục tiêu theo kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Khánh Hòa được trung ương giao, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Hội Nông dân các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023 một cách thiết thực, hiệu quả, không phô trương, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Cũng tại buổi lễ, Hội Nông dân các cấp đã đăng ký 9 công trình chào mừng Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ XII và Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đăng ký Công trình “Hạt giống vì Trường Sa” với dự kiến kinh phí 300 triệu đồng; Hội Nông dân TP. Nha Trang đăng ký Công trình “Cụm pano tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” với dự kiến kinh phí 100 triệu đồng. Hội Nông dân TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa cùng đăng ký Công trình “Nhà đoàn kết Nông dân” với dự kiến kinh phí là 70 triệu đồng/địa phương,..
Dịp này, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tặng 30 suất quà cho các học sinh là con của hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Cam Lâm với tổng trị giá gần 20 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.