Hơn 80% công nhân lao động trong cả nước đã quay lại nơi làm việc

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 16/02/2024 13:00 PM (GMT+7)
Không còn cảnh mải chơi đầu năm, kinh tế khó khăn càng khiến cho nhiều lao động có động lực để đi làm sớm. Ngay từ ngày đầu năm, nhiều lao động đã tới nơi làm việc.
Bình luận 0

Hà Nội: Công nhân quay trở lại làm việc nhiều hơn

Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhiều công nhân trong cả nước đã quay trở lại làm việc. Ghi nhận của phóng viên Báo Dân Việt tại công ty URC Hà Nội, hơn 150 lao động của công ty này đã quay trở lại làm việc ngay sau Tết âm lịch vào sáng mùng 6 Tết.

Tết năm nay, lao động của công ty đã nhận được mức thưởng gần 2 tháng lương. Anh Nguyễn Văn Quân – Công nhân của công ty cho biết, thời gian qua dù khó khăn nhưng công việc của công ty vẫn khá đều. Dù nhiều công ty phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhưng công ty hoàn toàn không có vấn đề này. "Năm mới chúng tôi hy vọng công ty sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển tăng lương", anh Quân nói.

Ông Phạm Quốc Lộc – Giám đốc Công ty TNHH URC Hà Nội cho biết, năm 2024, công ty đặt kỳ vọng tăng trưởng thêm 20% như năm 2023 và cố gắng duy trì công việc cho toàn bộ lao động.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng duy trì được tốc độ phát triển như vậy. Đơn cử như tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, do thiếu đơn hàng từ đầu năm nên công ty đã phải triển khai các biện pháp luân chuyển, bố trí công việc luân phiên cho công nhân lao động. Bởi vậy thời điểm này chỉ có 60% công nhân quay trở lại làm việc.

công nhân laođộng

Hơn 80% công nhân lao động trong cả nước đã quay trở lại làm việc sau Tết. Ảnh: NN

Ông IDA SHUJI – Tổng giám đốc công ty này cho biết: Kế hoạch năm nay không tăng nhiều, nhưng cuối năm 2024, công ty mở rộng quy mô nên có thể tuyển thêm 3.000 công nhân.

Ông Phạm Quang Thanh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, qua khảo sát, nắm bắt tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại sản xuất. Người lao động cũng bắt đầu quay trở lại làm việc.

Ông Thanh cho biết thêm, tính đến sáng ngày 15/2 (tức ngày mùng 6 Tết), có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 88,67% số công nhân lao động trở lại làm việc (số công nhân lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất).

Theo đơn vị này, con số trên dự báo sẽ tiếp tục tăng bởi số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng làm việc từ thứ hai, ngày 19/2 (tức ngày 10 Tết).

"Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể. Tư tưởng công nhân lao động ổn định, có tinh thần phấn khởi để bắt tay ngay vào công việc khi quay trở lại làm việc", ông Thanh nói thêm.

Công nhân trong cả nước đã quay trở lại làm việc

Không riêng tại Hà Nội, các khu công nghiệp trong khắp cả nước cũng đã quay trở lại nơi làm việc.

Tại Hà Nam, phần lớn các lao động tại 8 khu công nghiệp của tỉnh này cũng đã quay lại làm việc từ ngày mùng 6 Tết.

Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc giang cùng với Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho thấy, hiện có 374/448 doanh nghiệp với 71.717 lao động đã quay trở lại làm việc (đạt 83,5% tổng số doanh nghiệp), một số doanh nghiệp còn lại sẽ bắt đầu làm việc vào ngày thứ 2 tuần sau.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đa số các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ tết 7 ngày theo quy định, từ ngày 8/2 đến 14/2.

Đặc biệt, có 9 doanh nghiệp cho lao động nghỉ dài, nghỉ sớm. Theo đó, 3 doanh nghiệp cho công nhân nghỉ sớm từ ngày 3/2 đến ngày 15/2, 6 doanh nghiệp nghỉ 10-13 ngày. Nguyên nhân một phần là do chưa bố trí được sản xuất, đơn hàng sụt giảm.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, có 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ và hoạt động sản xuất trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Tổng số công nhân ở lại trực, lao động sản xuất 2.793 người; trong những ngày làm việc công nhân được doanh nghiệp trả 300-400% lương; có 705 công nhân ở lại các khu nhà trọ để thực hiện hoạt động lao động sản xuất trong kỳ nghỉ Tết.

Hơn 80% công nhân lao động trong cả nước đã quay lại nơi làm việc- Ảnh 2.

Năm 2024, công nhân lao động có xu hướng quay trở lại làm việc muộn hơn. Ảnh: H.Q

Còn tại Đồng Nai, thủ phủ công nghiệp ở phía Nam, năm nay lao động có xu hướng đi làm muộn hơn so với các năm. Đối với các DN trong ngành gỗ, nhiều trong số họ vẫn đối mặt với khó khăn về đơn hàng và thị trường vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Do đó, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của họ được kéo dài hơn so với thông thường.

Cụ thể, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) ở TP Biên Hòa đã tổ chức cho công nhân nghỉ tết sớm từ ngày 24 tháng Chạp và trở lại làm việc vào mùng 10 tháng Giêng. Tavico đã tích cực thúc đẩy sản xuất và kinh doanh bằng cách phối hợp tổ chức nhiều chương trình kích cầu và sự kiện ngành gỗ.

Tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) hiện mới chỉ có 40% công nhân trở lại làm việc. Theo ông Phạm Thế Linh – Tổng giám đốc Công ty Thế Linh thời gian tới công nhân sẽ tiếp tục quay trở lại làm việc.

"Năm nay đơn hàng ít nên chúng tôi để lao động chủ động sắp xếp thời gian quay trở lại làm việc. Những ngày đầu năm, chúng tôi tổ chức thăm hỏi tặng quà và lì xì đầu năm cho lao động", ông Linh nói.

Thông tin từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ngay sau Tết, công nhân, lao động trong cả nước đã quay trở lại làm việc. So với các năm trước lượng công nhân, lao động đi làm trở lại có vẻ muộn hơn. Nguyên nhân là do công ty thiếu hụt đơn hàng, chưa bố trí được sản xuất nên cho lao động đi làm muộn hơn. Tuy nhiên, qua ghi nhận, có tới hơn 80% lao động đã quay trở lại nơi làm việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem