Công nhân vệ sinh môi trường: "19 năm không được đón giao thừa cùng gia đình"
Nỗi niềm công nhân vệ sinh môi trường: "19 năm không được đón giao thừa cùng gia đình"
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ ba, ngày 13/02/2024 12:00 PM (GMT+7)
Khác với nhiều người được quây quần bên gia đình vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đêm giao thừa của những công nhân vệ sinh môi trường là sự tất bật với công việc dọn dẹp vệ sinh cả đêm đến tận sáng mùng 1 Tết. Có người 19 năm không được đón giao thừa cùng gia đình.
Đêm giao thừa của công nhân vệ sinh môi trường: “Rác gấp đôi ngày thường, làm việc xuyên đêm dưới pháo hoa”. Clip: Trung Hiếu.
Công nhân vệ sinh môi trường: "19 năm không được đón giao thừa cùng gia đình"
Miệt mài thực hiện nhiệm vụ thu gom những túi rác lớn, nhỏ lên xe cơ giới, đưa về nơi xử lý rác của khu vực, luôn tay quét dọn kỹ lưỡng từ mặt đường đến từng con ngõ, không để rác còn trên đường phố ngày đầu năm mới… Trong ký ức của những công nhân vệ sinh môi trường, đêm giao thừa của họ là sự tất bật với công việc dọn dẹp xuyên đêm đến tận sáng mùng 1 Tết.
20 năm làm công nhân vệ sinh môi trường thì có đến 19 năm bà Nguyễn Thị Thu Hiếu (43 tuổi) - công nhân Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) không được đón giao thừa cùng gia đình. Ngày cuối năm âm lịch, lượng rác tăng đột biến, đồng nghĩa với ca làm việc buổi tối của bà cũng vất vả hơn ngày thường.
Bà Hiếu cho biết: "Để so sánh thì lượng rác của người dân thải ra trong thời gian Tết phải gấp 2 - 3 lần so với các ngày khác trong năm. Có năm lượng rác nhiều đỉnh điểm, tôi phải làm đến 2 giờ đêm sau thời khắc giao thừa. Những năm ít rác hơn thì làm tới 1 giờ đêm mới hoàn thành công việc".
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Hiếu bộc bạch, niềm mong ước của bà là được quây quần với gia đình, được về thắp hương, chúc tết trong khoảnh khắc giao thừa, nhưng vì đặc thù công việc, bà và những công nhân vệ sinh môi trường khác đành gác lại niềm vui riêng, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ để sớm được trở về nhà.
"Các chị em công nhân vệ sinh môi trường trong tổ chúng tôi coi nhau như là gia đình thứ hai. Đón giao thừa ở ngoài đường, mọi người vừa tranh thủ làm việc, vừa gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới dưới pháo hoa. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là có năm chị em công nhân vệ sinh môi trường chúng tôi đang lao động thì gặp các bạn thanh niên đi ra ngoài đường đón giao thừa, các bạn ấy dừng lại chúc mừng năm mới chúng tôi, một điều nhỏ bé vậy thôi nhưng cũng khiến tôi cảm thấy rất vui và ấm lòng", bà Hiếu tâm sự.
Người phụ nữ 43 tuổi mừng rỡ khoe với phóng viên: "Tôi và những chị em khác rất phấn khởi khi các chế độ của người lao động được công ty duy trì đều đặn, có thưởng Tết cho công nhân. Ngoài ra, năm nào cũng thế, công ty thường tổ chức tất niên sớm khoảng trước Tết Nguyên đán 3 tuần để chị em có thời gian gặp mặt và chia sẻ tình cảm với nhau. Đây là niềm động viên, khích lệ tinh thần rất lớn đối với chúng tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về".
Làm công nhân vệ sinh môi trường để "về già có lương hưu"
Cùng tổ với bà Hiếu, bà Nguyễn Thị Dung (54 tuổi) đã vào nghề được hơn 13 năm. Bao nhiêu năm công tác là chừng ấy mùa xuân bà Dung chưa được đón giao thừa ở nhà, vì "càng Tết càng nhiều việc". Bà kể: "Tôi có hai người con, bạn lớn đã lập gia đình còn bạn nhỏ đang học đại học năm thứ 3. Giờ các bạn ấy trưởng thành rồi nên thông cảm và chia sẻ với công việc của mẹ, chứ trước đây lúc còn bé, các con tôi bảo rất tủi thân vì không có mẹ bên cạnh lúc giao thừa".
40 tuổi mới bắt đầu gắn bó với công việc vệ sinh môi trường, bà Dung cho biết, trước đó, bà là người lao động tự do, buôn bán hàng hóa ở chợ. Tuy nhiên, vì không muốn khi về già trở thành gánh nặng cho con cái, nên bà đã quyết định vào làm ở công ty để đến tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hàng tháng.
"Phải còn khoảng mấy năm nữa tôi mới đến tuổi nghỉ hưu, giờ công việc vất vả và tôi có tuổi rồi nên cũng nhiều bệnh tật, nhưng bản thân vẫn phải cố gắng theo nghề đến hết tuổi lao động. Khi đó thì hàng tháng mới có chút lương hưu để hai vợ chồng già "rau cháo nuôi nhau" qua ngày, tôi không muốn phụ thuộc vào con cái", bà Dung bộc bạch.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Dung cho hay, một trong những nỗi lo lớn nhất của bà là tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. "Việc bị đứt tay, đứt chân khi đi làm tôi gặp phải thường xuyên, điều đó không thể tránh được. Chưa kể, trong hơn 13 năm làm công việc này, số lần bị ngã hay va chạm với xe cộ ở ngoài của tôi cũng nhiều đến mức khó mà đếm được".
Vất vả là vậy, nhưng trong đôi mắt của người phụ nữ 54 tuổi vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về gia đình của mình. Bà tâm sự: "Dù công việc có khó khăn như thế nào, khi về nhà, thấy con cái ngoan ngoãn, người chồng bên cạnh chia sẻ mọi công việc, lúc ấy bao nhiêu mệt mỏi của tôi tan biến hết. Vào đêm cuối cùng của năm cũ, không được về nhà nhưng tôi rất yên tâm vì đã có chồng lo mọi thứ, từ việc nấu cỗ, cúng giao thừa… chồng tôi đều chu toàn".
Khi được hỏi về những kỳ vọng khi năm mới sắp đến, bà Dung cười đáp: "Tôi chỉ mong bản thân mình có sức khỏe để có thể làm việc đều đặn. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền có lớn đến nhường nào cũng không sợ bằng việc mình mất đi khả năng lao động. Có một công việc để làm, dù cho vất vả đã là một điều may mắn đối với tôi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.