Quà quê đắt hàng, giỏ quà truyền thống cũng “lên ngôi” dịp Cận Tết Nguyên đán 2024

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ sáu, ngày 02/02/2024 19:00 PM (GMT+7)
Cận Tết Nguyên đán 2024, các sản phẩm “quà quê” được nhiều khách hàng lựa chọn làm quà biếu, có người mua tới 100kg thịt lợn Mán về làm thành món đặc sản để bán thời vụ. Bên cạnh đó, các giỏ quà truyền thống với nhiều mức giá khác nhau cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Bình luận 0

Mua 100kg thịt lợn Mán về làm “đặc sản” bán dịp Tết Nguyên đán 2024

23 tháng Chạp, vừa hoàn thành nghi thức cúng ông Công ông Táo, bà Lý Thanh Mai (49 tuổi, Tuyên Quang) lại tất bật đóng gói lạp xưởng để vận chuyển cho các khách hàng dưới miền xuôi. Nhận thấy nhu cầu mua đặc sản địa phương làm quà biếu dịp Tết tăng mạnh những năm trở lại đây, năm nay, bà Mai mua 100kg thịt lợn Mán (một giống lợn đen được nuôi thả rông trên vùng cao) về để chế biến lạp xưởng và đem bán dưới hình thức trực tuyến.

“Tôi chọn mua lợn Mán về làm lạp xưởng là vì thịt của chúng rất nạc, ăn ngọt thơm. Mỗi cân thịt sau khi làm xong sẽ ngót đi còn 6 lạng. Công đoạn làm cũng rất kỳ công, đầu tiên phải làm lòng non thật sạch, lộn ra ngâm với rượu để khử mùi. Riêng thịt tôi mua toàn bộ là thịt nạc vai hoặc mông, thái mỏng. Mỡ thì thái hạt lựu, ướp đường. Một số gia vị làm lạp xưởng gồm đường, mật ong, mắc khén, hạt dổi, quế, hồi, thảo quả… Nhồi thịt vào lòng non xong sẽ phải treo gió 1 ngày, đem lên bếp sấy 2 ngày 2 đêm mới ra thành phẩm”.

Bà Mai mua 100kg thịt lợn Mán về để chế biến lạp xưởng bán dịp cận Tết. Ảnh: Trung Hiếu

Bà Mai mua 100kg thịt lợn Mán về để chế biến lạp xưởng bán dịp cận Tết. Ảnh: Trung Hiếu

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Mai cho biết, cứ đến ngày 15 tháng Chạp hàng năm, bà lại bắt đầu làm lạp xưởng bán kiếm thêm thu nhập. “Tôi bán đến nay là được 3 năm rồi, đây là công việc thời vụ dịp Tết. Cứ làm xong là tôi đăng ảnh lên các nhóm mua bán hoặc chợ online trên mạng xã hội. Các anh chị em ở dưới miền xuôi như Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh… rất thích vì ở dưới đấy không có món “đặc sản” này, họ mua về ăn hoặc biếu Tết hàng năm và đã trở thành khách quen của tôi”.

Theo bà Mai, để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi hàng tới tay người nhận, bà sẽ hút chân không lạp xưởng rồi mới vận chuyển. “Khách hàng thường mua 2 - 3kg và họ thường đặt hàng từ rằm tháng Chạp. Bán mỗi cân lạp xưởng tôi sẽ thu về tiền lãi khoảng 80.000 đồng. Dịp Tết này bán được hàng thì tôi vừa vui vì kiếm thêm thu nhập, vừa mừng vì có thể đem đặc sản của địa phương tới cho những khách hàng ở những tỉnh thành khác thưởng thức”.

Ngoài lạp xưởng, bà Mai còn nhận các đơn hàng đặt mua măng ớt của khách. Bà Mai tiếp lời: “Thường khách hàng sẽ mua 1 hộp măng ớt để biếu kèm với 1kg lạp xưởng. Để măng kịp ngấm và gửi cho khách, tôi phải muối trước 4 - 5 ngày. Sống ở Tuyên Quang nên tôi cũng sử dụng luôn đặc sản của tỉnh nhà là măng tre để muối. Mỗi hộp đem bán tôi sẽ lãi được 30.000 đồng”.

Theo bà Mai, khách hàng thường mua măng ớt về để biếu hoặc ăn giải ngán ngày Tết. Ảnh: Trung Hiếu

Theo bà Mai, khách hàng thường mua măng ớt về để biếu hoặc ăn giải ngán ngày Tết. Ảnh: Trung Hiếu

Là một khách hàng quen thuộc của bà Mai 3 năm nay, chị Tạ Thanh Huyền (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Năm nay mình đặt mua 3kg lạp xưởng và 3 hộp măng ớt về để biếu ông bà nội ngoại hai bên dịp Tết, số còn lại để hai vợ chồng ăn lai dai đến hết tháng Giêng. Ngày Tết mình ăn thịt thà khá nhiều, có hộp măng muối để giải ngấy thì sẽ rất tuyệt, có thể ăn với bún, miến, phở hoặc mì tôm đều hợp”.

Giỏ quà truyền thống “lên ngôi” ngày giáp Tết

Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, tại nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, các giỏ quà Tết đã được bày bán từ đầu tháng 12 Âm lịch để người dân, doanh nghiệp tham khảo, lựa chọn.

Tất bật đón lượng khách vào, ra liên tục, chị Lê Quế Anh (25 tuổi) - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Lương Thế Vinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tại cửa hàng của chị, mỗi giỏ quà Tết có giá từ 200.000 đồng đến 2,3 triệu đồng, trong đó sẽ bao gồm các mặt hàng như mứt hoa quả, thực phẩm khô, đồ uống, nước ngọt, hàng nhập khẩu…

Mỗi giỏ quà Tết có giá từ 200.000 đồng đến 2,3 triệu đồng. Ảnh: Trung Hiếu.

Mỗi giỏ quà Tết có giá từ 200.000 đồng đến 2,3 triệu đồng. Ảnh: Trung Hiếu.

Chị Quế Anh hào hứng chia sẻ: “Lượng khách đến mua giỏ quà Tết tại cửa hàng của mình năm nay tăng mạnh so với năm trước, ước chừng tăng khoảng 30 - 40%. Mức giá giỏ quà được ưa chuộng nhất dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trước hôm nay, lượng khách tìm tới mua những mặt hàng này đã rất đông, nhưng mình dự đoán là từ giờ đến 28 Tết, các giỏ quà Tết sẽ còn được tìm mua nhiều hơn nữa, vì thời điểm đó khách hàng đã nghỉ Tết, họ có thời gian đi lựa chọn, mua sắm”.

Khách hàng thường chọn giỏ quà Tết có mức giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ảnh: Trung Hiếu.

Khách hàng thường chọn giỏ quà Tết có mức giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ảnh: Trung Hiếu.

Gặp gỡ anh Kim Trường Giang khi anh đang chọn mua đồ Tết tại một cửa hàng tạp hóa, anh Giang tâm sự với phóng viên Dân Việt: “Nhớ lại năm trước mình phải đứng đợi hàng giờ đồng hồ mới được thanh toán sau khi mua giỏ quà Tết ở một siêu thị có tiếng, năm nay mình rút kinh nghiệm, chọn mua tại một cửa hàng tạp hóa gần nhà luôn để tiết kiệm thời gian. Lượng khách tới đây cũng đông nhưng ít ra thời gian mình phải chờ đợi cũng nhanh hơn năm ngoái”.

Khi được hỏi về giỏ quà Tết được lựa chọn hôm nay, anh Giang cười đáp: “Mặc dù không vào siêu thị, nhưng mình cũng lựa chọn giỏ quà cao cấp, gồm các loại rượu, bánh kẹo, thuốc lá nhập khẩu. Giỏ quà này có giá 1 triệu đồng, mình sử dụng để làm quà tặng cho đối tác nên cũng lựa chọn khá kỹ. Mình đã cẩn thận quan sát hạn sử dụng và xem xuất xứ của các món hàng rồi mới yên tâm ra thanh toán”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem