Khu vực "hòn non bộ" ở dự án Ao Tiên Vân Đồn trong ký ức của người dân địa phương

Nguyễn Đức - Nguyễn Chương Thứ sáu, ngày 19/08/2022 09:21 AM (GMT+7)
Khu vực "Hòn non bộ" ở dự án Ao Tiên Vân Đồn được người dân địa phương gọi là núi Dê, trước đây là bãi sình lầy, bán ngập. PV Dân Việt đã đến hiện trường để ghi nhận ý kiến của người dân địa phương về hình ảnh "hòn non bộ" ở dự án Ao Tiên Vân Đồn gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Bình luận 0

Người dân địa phương lên tiếng về hình ảnh hòn non bộ ở dự án Ao Tiên Vân Đồn. 

Những ngày qua, trên mạng xã hội chia sẻ bức ảnh từ flycam một góc nhìn về dự án Khu đô thị mới Ao Tiên Vân Đồn. Đáng chú ý, trong bức ảnh có một ngọn núi nằm chính giữa khu đô thị khiến nhiều tài khoản cho là "Hòn non bộ lớn nhất Việt Nam", gọi đây là hòn non bộ ở dự án Ao Tiên Vân Đồn

Ngày 18/8, phóng viên Dân Việt có mặt tại khu vực xây dựng dự án Khu đô thị mới Ao Tiên (Vân Đồn), nơi này hiện cơ bản đã xây dựng xong hạ tầng, đường giao thông, đèn đường. 

"Hòn non bộ" trong hình ảnh đã đăng tải trên mạng xã hội nằm ở khu vực gần trung tâm của dự án khu đô thị Ao Tiên, cách khu vực dự án bến cảng Ao Tiên (giáp biển) khoảng 500m. 

Trước khi thực hiện dự án Ao Tiên, “Hòn non bộ” có hiện trạng thế nào? - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu dự án Ao Tiên (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) theo hướng nhìn ra biển. Ảnh: Nguyễn Chương.

Xung quanh "Hòn non bộ" là hồ nước lớn bao quanh, kèm một kênh dẫn nước ra Vịnh Bái Tử Long. Bên cạnh dự án Ao Tiên là khu tái định cư xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (hiện đã xây dựng xong hạ tầng); khu quy hoạch xây dựng sân golf 18 lỗ (chưa triển khai). Cũng tại dự án này, một dãy nhà 5 tầng đã hoàn thiện, sắp bàn giao cho khách hàng. 

"Hòn non bộ" ở dự án Ao Tiên Vân Đồn nằm trên đất sình lầy, bán ngập

PV Dân Việt đã tìm gặp người dân và "trưởng làng" sinh sống ở gần Vịnh Bái Tử Long để tìm hiểu rõ hơn hiện trạng "Hòn non bộ" dự án Ao Tiên trước thời điểm xây dựng hình hài dự án được hoàn thiện như hiện nay.

Nhà bà Lê Thị Hoa, Trưởng thôn 6, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn cách khu vực "Hòn non bộ" khoảng 700m. Thủa nhỏ, bà Hoa cùng bạn bè thường xuyên ra khu vực ven biển Vịnh Bái Tử Long lấy con ngao, con hàu, trong đó có khu vực "Hòn non bộ"…. Ngoài giờ học, những lúc rảnh rỗi, bà Hoa lại phụ giúp gia đình làm công việc đồng áng.

Trước khi thực hiện dự án Ao Tiên, “Hòn non bộ” có hiện trạng thế nào? - Ảnh 3.

Xung quanh "Hòn non bộ" là hồ nước lớn bao quanh, kèm một kênh dẫn nước ra biển Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Trong ký ức của tôi, khu vực "Hòn non bộ" trước kia là một bãi sình lầy, bán ngập, lúc thủy triều lên thì nước dâng cao. Còn thủy triều rút chỉ còn lại bùn lầy. Người dân cũng không trồng cấy được cây gì ngoài việc thỉnh thoảng đi lấy những con ngao, con hàu hoặc bắt con cá", bà Hoa kể.

Sau năm 2004, chủ đầu tư bắt đầu thuê công dân san gạt đất để đầu tư dần các hạng mục cơ sở hạ tầng, bãi biển, kênh dẫn nước tại dự án Ao Tiên, bà Hoa cũng như nhiều người dân khác ít ra khu vực này nữa. Và rồi cứ thế, khu đô thị mới Ao Tiên được hình thành như ngày hôm nay.

Khu vực "hòn non bộ" ở dự án Ao Tiên Vân Đồn trước đây như thế nào? - Ảnh 5.

Một góc khu vực dự án Ao Tiên Vân Đồn trước đây, theo người dân khu vực này là bãi sình lầy. Ảnh tư liệu.

"Quá trình họ thực hiện dự án chúng tôi chưa thấy người dân địa phương nào phản đối hoặc có ý kiến về vấn đề cảnh quan. Đối với tôi, tôi thấy tại đây có nhiều sự thay đổi, trước kia là nơi bãi đất trống sình lầy, không đem lại lợi ích cho nhiều người dân. 

Còn hiện tại, nơi này đã được quy hoạch, xây dựng đẹp đẽ hơn, người dân có thể đi bộ, tập thể dục mỗi ngày", bà Hoa chia sẻ và kỳ vọng rằng, các dự án quanh khu vực sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện về công ăn việc làm cho người dân.

Trước khi thực hiện dự án Ao Tiên, “Hòn non bộ” có hiện trạng thế nào? - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Hoa, Trưởng thôn 6, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Ảnh: N.Đ.

Ông Lê Văn Đạt (45 tuổi, ở thôn 6) sống ở khu tái định cư xã Hạ Long, phía bắc của "Hòn non bộ" dự án Ao Tiên Vân Đồn. Hiện nay, hai bên ngăn cách với nhau bằng một con đường đôi rộng chừng 12m.

Những ngày qua ông Đạt theo dõi mạng xã hội và đọc được một số thông tin nói về khu dự án Ao Tiên và về "Hòn non bộ". 

"Tôi sống ở đây từ bé, thực tế, trước đây, khu vực này đúng là bãi sình lầy, gần khu vực quả núi, thỉnh thoảng, một số người dân ra bắt con ngao, con cá về cải thiện bữa cơm gia đình", ông Đạt chia sẻ.

Quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án, ông Đạt cũng như nhiều người dân khác trong thôn đều nhiều lần chứng kiến những xe tải chở đất vào bãi triều, san gạt quanh khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng.

"Với cá nhân, tôi thấy rằng hiện nay công trình này không ảnh hưởng tới cảnh quan, đời sống của người dân, ngược lại, khu vực này đang được xây dựng đẹp đẽ hơn. Còn với địa phương, tôi hy vọng các dự án ở đây cũng sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch", ông Đạt bộc bạch.

Khu vực "Hòn non bộ" có bị xâm lấn?

Bà Hoàng Thị Báu, 63 tuổi, cũng là một người dân sống từ bé ở gần khu vực Vịnh Bái Tử Long. Từ khi sinh ra, bà Báu đã thấy "Hòn non bộ" nằm sững sững ở đó, khu vực này còn được gọi là núi Dê.

Trước khi thực hiện dự án Ao Tiên, “Hòn non bộ” có hiện trạng thế nào? - Ảnh 5.

Theo người dân ở xã Hạ Long, trước kia, khu vực "Hòn non bộ" là một bãi sình lầy, bán ngập. Ảnh: Nguyễn Chương.

Sở dĩ khu vực này có tên gọi khác, theo bà Báu là do trước đây, người dân thường chăn thả dê ở đó nên cái tên này cũng xuất phát từ đó. Trải qua nhiều năm, đến nay khu vực núi Dê này vẫn giữ nguyên hiện trạng, cây cối vẫn xanh tốt.

"Núi Dê đến nay vẫn giữ nguyên, chúng tôi không thấy có việc xâm lấn, hay phá hoại ngọn núi này. Nếu có, chắc chắn chúng tôi sẽ có ý kiến ngay với chính quyền địa phương", bà Báu nói và cho hay, hiện tại, bản thân bà chỉ thấy có một sự thay đổi duy nhất là đó là xung quanh khu vực núi Dê trông đẹp đẽ, hiện đại hơn, người dân đi lại thuận lợi hơn.

Theo người dân ở xã Hạ Long, địa hình huyện đảo Vân Đồn chủ yếu là núi non bị chia cắt, khu vực bằng phẳng có thể làm khu đô thị, khu dân cư rất ít, bờ biển có những khu vực sình lầy, bán ngập. 

Vì vậy, có những nơi cây sú, cây vẹt sinh sống trưởng thành tươi tốt, cũng có những nơi chỉ là bãi đất trống. Ở huyện Vân Đồn nhiều khu vực dân cư từng có "hòn non bộ" như dự án Ao Tiên…

Phóng viên Dân Việt đã liên hệ với UBND huyện Vân Đồn để tìm hiểu thông tin về dự án, hiện trạng ban đầu khu dự án Ao Tiên. Tuy nhiên, phía huyện chưa thể trả lời trực tiếp mà yêu cầu để lại nội dung, sẽ thông tin sau.

Trước khi thực hiện dự án Ao Tiên, “Hòn non bộ” có hiện trạng thế nào? - Ảnh 6.

Khu vực bến cảng Ao Tiên đang được hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Chương.

Còn Ban quản lý Khu kinh tế huyện Vân Đồn, phóng viên đã gặp cán bộ của ban đặt vấn đề tìm hiểu về câu chuyện xôn xao dư luận vừa qua, đồng thời đề nghị cung cấp thêm thông tin chính xác về dự án, quy hoạch, hiện trạng trước khi xây dựng…

Vị cán bộ đã từ chối thông tin và đề nghị PV tìm hiểu thông tin đã được tỉnh Quảng Ninh thông tin chính thức đến dư luận.

Theo đó, Quy hoạch Khu vực Ao Tiên được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17/02/2020.

Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên được UBND tỉnh giao cho Nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2004. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vị trí này không thuộc vùng di sản.

Tại khu đô thị này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xúc tiến, kêu gọi đầu tư được 2 công trình tổ hợp khách sạn, du lịch thương mại đạt tiêu chuẩn 5 sao theo đúng quy hoạch được duyệt; bao gồm: Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn với diện tích 2,6 ha; bao gồm 5 tòa có chiều cao từ 28 đến 33 tầng; tổng vốn đầu tư 3.612 tỷ đồng; Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn với diện tích 2,3 ha, bao gồm: 5 khối tháp có chiều cao từ 26 đến 34 tầng; tổng vốn đầu tư 3.910 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, tại Khu vực Ao Tiên có dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên – Vân Đồn được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020 với quy mô diện tích 29,21 ha; công suất khi vận hành tối đa đạt khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm; mục tiêu đón tàu chở khách du lịch lên tới 300 ghế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem