HTX nông nghiệp TP.HCM đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

Mai Ánh Chủ nhật, ngày 28/08/2022 10:59 AM (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của các HTX nông nghiệp ở TP.HCM trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng tốt và làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, sản phẩm đạt năng suất chất lượng và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Bình luận 0

Với những hiệu quả đó, nhiều HTX đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nhiều nông dân, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được thành lập năm 2017, chuyên sản xuất và cung cấp rau ăn lá thủy canh với diện tích trồng ban đầu là 1.000m2. Hiện, tổng diện tích trồng của HTX khoảng 10.000m2, mỗi ngày đưa ra thị trường trung bình 1 tấn rau.

HTX Tuấn Ngọc đang áp dụng công nghệ IOT vào trồng rau thủy canh trên hệ thống hồi lưu mang lại rất nhiều lợi ích. Công nghệ này dùng cảm biến để điều khiển, khi phát hiện nhiệt độ trong nhà màng tăng, giảm đột ngột thì hệ thống tự động kích hoạt tăng, giảm độ sáng, điều chỉnh độ ẩm cho rau. 

Anh Trần Xong Ngọc - Giám đốc Kỹ thuật HTX Tuấn Ngọc cho biết: “Sử dụng công nghệ cao vào việc trồng rau thủy canh, năng suất cây tăng lên từ 10% đến 20%. HTX đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh miền Tây, Đồng Nai, Bình Dương, cung cấp cho họ vật tư về dinh dưỡng, xơ dừa làm giá thể, hạt giống, bao bì, chuyển giao kỹ thuật trồng rau thủy canh sạch tới nhiều người hơn để cùng tạo ra giá trị sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. 

Hợp tác xã nông nghiệp TP.HCM đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất   - Ảnh 2.

HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc hướng tới việc chuyển giao công nghệ đến người dân để phổ biến sản phẩm rau sạch ra thị trường. Ảnh: Mai Ánh

Ngoài ra, các hộ dân liên kết phải tuân thủ đầy đủ các quy định, quy trình trồng, cam kết không sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc diệt cỏ, không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, HTX sẽ cam kết bao tiêu sản phẩm, tạo một nền nông nghiệp sạch bền vững.

Gần 4 năm hoạt động, HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) có hơn 40 trại hội viên tham gia nuôi thỏ trên địa bàn huyện Củ Chi và một số khu vực lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Tổng đàn trên 3.000 thỏ nái và trên 15.000 thỏ thịt. Hàng tháng cho ra 3.000 thỏ móc hàm tương đương 4 đến 5 tấn. 

Ngoài ra, HTX còn cung cấp sản phẩm thỏ hơi, thỏ giống,... cho thị trường TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc. Lợi nhuận thu về dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/con thỏ. 

Hợp tác xã nông nghiệp TP.HCM đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất   - Ảnh 3.

HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây là cầu nối hỗ trợ cho các hộ nuôi về con giống, vật tư, chuồng trại và kỹ thuật. Ảnh: Mai Ánh

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây cho biết, để đạt được lợi nhuận như vậy, HTX đã đầu tư xây dựng chuỗi liên kết ổn định với các đơn vị hợp tác về mảng chế biến để nguồn đầu ra ổn định. Đồng thời, HTX gắn kết từ đầu vào lẫn đầu ra cho các hộ dân. Những nguyên liệu đầu vào sẽ được HTX cung cấp với giá ưu đãi hơn so với tự mua ngoài thị trường. Toàn bộ sản phẩm đầu ra của các hộ chăn nuôi đều được HTX thu mua với mức giá tương đối ổn định để hộ chăn nuôi yên tâm để tham gia sản xuất. 

“Hiện, HTX đang hoàn thiện việc cải tạo nguồn giống, tối ưu hóa quy trình chăn nuôi để các hộ dân dễ dàng tiếp cận. Hướng tới thương hiệu thỏ sạch uy tín trên thị trường và mở rộng thị trường ra khu vực miền Bắc, miền Trung, xa hơn nữa là xuất khẩu”. anh Hùng chia sẻ. 

Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ người nông dân phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem