Danh tướng nhà Thanh đánh đông dẹp bắc, đối đầu hoàng đế Quang Trung và... cái kết

MA Thứ ba, ngày 21/03/2023 18:31 PM (GMT+7)
Hứa Thế Hanh là cử nhân võ được đính thân hoàng đế triều Thanh - Càn Long "chấm", đồng thời được điều động qua làm đề đốc Quảng Tây, theo Tôn Sĩ Nghị đem quân sang Thăng Long. Nhưng đen đủi cho Hứa Thế Hanh khi phải đối đầu hoàng đế Quang Trung...
Bình luận 0

Từ trước tới nay, khi đọc sử về giai đoạn hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đại chiến 29 vạn quân Thanh dựa trên những tài liệu của phía nước ta mà chủ yếu là từ sử nhà Nguyễn, không ít người dễ có thái độ xem thường binh tướng nhà Thanh, cho rằng họ toàn rặt một lũ bất tài vô dụng, quân số đông đảo, trang bị đầy đủ mà lại bị đánh cho tan tác. Nhưng nếu chịu khó xem tài liệu từ phía Trung Quốc, mà cụ thể là những sử liệu nhà Thanh, chúng ta sẽ thấy rằng không hẳn đã như thế.

Trong số những tướng lĩnh cùng Tôn Sĩ Nghị sang Thăng Long, Hứa Thế Hanh là một nhân vật rất đáng chú ý. Theo ghi chép, Hứa Thế Hanh là người Tân Đô, Tứ Xuyên, gốc Hồi, nguyên là kỵ binh, thi đỗ cử nhân võ nên được đích thân Càn Long thăng lên ba tổng rồi thủ bị, từng đi đánh Kim Xuyên, Tây Tạng, dẹp loạn người Hồi ở Cam Túc, bình định Đài Loan.

Cử nhân võ được Càn Long "chấm" và vận hạn khi đối đầu hoàng đế Quang Trung - Ảnh 1.

Tranh vẽ Hứa Thế Hanh.

Trong lần đánh Kim Xuyên lần hai, họ Hứa theo tổng đốc A Nhĩ Thái tấn công vào sườn núi Ước Gia, Trát Khẩu, A Ngưỡng, Cách Tạng, Đạt Ô, liên tiếp công hạ trại địch, sau đó lại đem quân đánh vào triền núi Giáp Nhĩ Mộc phá được đồn lũy chiếm sườn núi Đa Công.

Khi tiến công trại Cổ Lỗ, bị quân địch tập kích doanh trại ban đêm, Hứa Thế Hanh chỉ huy binh sĩ và trực tiếp chiến đấu chống giữ trại cầm cự đến khi trời sáng, đến khi địch rút lui, họ Hứa vượt tường đốc quân đuổi theo chém giết vô số, chiếm được Cổ Lỗ. Triều đình nghe tin thắng trận ban cho Hứa Thế Hanh mũ gắn lông chim, tước hiệu Kính Dũng Ba Đồ Lỗ, thăng lên đến tham tướng.

Con đường thăng tiến của Hứa Thế Hanh có thể nói là trải dài qua nhiều chiến công binh nghiệp, tham dự vô số các trận chiến lớn nhỏ, các chiến công nổi bật trong lần đánh Kim Xuyên có thể kể tới: tham gia tấn công núi Đương Cát Nhĩ Lạp, phá trại thứ 5, tấn công Mặc Lũng Câu đoạt trại Khắc Giáp Nhĩ Mộc, Nhật Xích Nhĩ Đan Tư, Tăng Cách Tông, phá trại Lạp Khỏa, Nhung Bố, Căn Trát Cát Mộc, Tư Để... đánh sườn núi Đạt Nhĩ Đồ bắt sống thủ lĩnh địch Đan Ba A Thái, lấy đồn Nga Pha, Mộc Khắc Thập, Cách Mộc Chước, phá đồn Ngạch Nhĩ Thế, thắng liên tiếp 7 trận, chiếm Giáp Tạp và ải Độc Tùng bắt được đầu lĩnh của địch Ung Trung Vượng Nhĩ Kết ….

Sau khi bình định Kim Xuyên, Hứa Thế Hanh được thăng lên tổng binh trấn Đằng Việt, tỉnh Vân Nam.

Năm Càn Long 49 (1784), người Hồi nổi loạn ở Cam Túc, Hứa Thế Hanh đem binh đến dẹp yên, được bổ nhiệm làm tổng binh Uy Ninh, tỉnh Quí Châu.

Năm Càn Long 52 (1787), Lâm Sảng Văn nổi dậy ở Đài Loan, Hứa Thế Hanh đem quân đến đánh, phá được Tập Tập Bảo, bắt và giết địch vô số, thu giữ ấn tín và khí giới rồi đem quân đuổi đến tận Lão Cù Trĩ tóm được Lâm Sảng Văn và đầu mục Hà Hữu Chí.

Cử nhân võ được Càn Long "chấm" và vận hạn khi đối đầu hoàng đế Quang Trung - Ảnh 2.

29 vạn quân Thanh đại bại khi tiến vào Thăng Long.

Sau đó Hứa Thế Hanh theo tham tán tướng quân Ngạc Huy từ Đại Võ Lũng tấn công vào phía Nam Thủy Để Liêu, giết một đầu mục. Đến khi Trang Đại Điền dẫn quân rút chạy, Hứa Thế Hanh chỉ huy binh sĩ phối hợp hai mặt thủy bộ tập kích bắt được Trang Đại Điền và bộ sậu chỉ huy của địch.

Vì công trạng quá lớn nên sau khi bình định Đài Loan, họ Hứa được triều đình đổi danh hiệu thành Kiên Dũng Ba Đồ Lỗ, vẽ hình treo trong Tử Quang Các, tên đứng trước hai mươi công thần.

Năm Càn Long thứ 53 (1788), Hứa Thế Hanh được phong làm đề đốc Chiết Giang nhưng chưa kịp nhậm chức thì lại “được” điều động qua làm đề đốc Quảng Tây, theo Tôn Sĩ Nghị đem quân sang Thăng Long nước ta. Đây có thể nói là quyết định điều động đen đủi nhất trong đời Hứa Thế Hanh.

Năm 1789, Hứa Thế Hanh cùng Tôn Sĩ Nghị giao chiến trực tiếp với quân Tây Sơn do hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ huy. Thấy quân Tây Sơn sớm bỏ chạy còn Tôn Sĩ Nghị thì đắc thắng, Hứa Thế Hanh đã khuyên cấp trên cẩn thận kẻo mắc mưu địch song không được nghe lời. Khi quân Tây Sơn phản công, Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy; Hứa Thế Hanh và một số chỉ huy khác liều chết phản kích quân Tây Sơn ở bờ Nam sông Hồng để chủ tướng và đại quân có điều kiện thoát thân. Tại đây, ông đã bị quân Tây Sơn giết chết.

Khi hay tin Hứa Thế Hanh chết, Càn Long thương tiếc thăng lên làm tam đẳng Tráng Liệt Bá, đưa vào thờ trong Chiêu Trung Từ, đặt tên thụy là Chiêu Nghị.

Trận chiến Xuân Kỷ Dậu tuy ngắn ngủi nhưng số tướng lĩnh nhà Thanh tham dự không hề ít, hầu như tất cả những viên chức cao cấp của bốn tỉnh Quảng Đông – Quảng Tây – Vân Nam – Quí Châu đều có mặt.

Đạo quân may mắn còn toàn vẹn là đạo quân từ Vân-Quý do Ô Đại Kinh chỉ huy nhờ đến sau, ở xa nên chạy kịp. Còn lại, thì kể cả là tàn quân của Tôn Sĩ Nghị cũng bị quân Tây Sơn phục kích và tấn công liên tiếp trên đường chạy từ Thăng Long về biên giới nên số sống sót cũng chẳng bao nhiêu, đến cả hai viên quan phụ trách đài trạm lương thực là tri huyện Lăng Vân Viên Thiên Quì và Trương Thành cũng tử trận.

Theo tài liệu chính thức của nhà Thanh, toàn bộ tướng lĩnh cánh quân mặt Đông do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy gần như thiệt mạng toàn bộ, những cái tên nổi bật có thể nói đến: đề đốc Hứa Thế Thanh, tổng binh Thượng Duy Thăng, tổng binh Trương Triều Long, phó tướng Lý Hóa Long, phó tướng Hình Đôn Hành, Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm, Minh Trụ, Trương Thuần, Vương Đàn, Lưu Việt, Đặng Vĩnh Lượng, Lê Chí Minh, ngoài ra không thể không kể đến Sầm Nghi Đống thổ quan chỉ huy, cùng với nhóm binh sĩ người Miêu rất thiện chiến cũng thiệt mạng gần như toàn bộ khi đối đầu với quân Tây Sơn.

Việc các tướng lĩnh quân sự cấp cao thiệt hại đến mức này là một tổn thất chưa từng có trong suốt cuộc đời của Thanh Cao Tông Càn Long, kể cả là trong 4 lần thua trận tại Miến Điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem