Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam

Bùi My Thứ tư, ngày 06/03/2024 10:47 AM (GMT+7)
Huyện miền núi Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên trên cả nước. Đây là kết quả của những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Bình luận 0

Trong những ngày đầu năm mới 2024, khắp các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn ở Đầm Hà đều tràn ngập sắc cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu,... chào mừng Lễ đón nhận huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Lễ hội đình Đầm Hà là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 1.

Huyện Đầm Hà hôm nay. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đầm Hà

Về Đầm Hà trong một sớm Xuân, đi trên những tuyến đường làng, ngõ xóm đã được bê tông, cứng hóa, môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp... chúng tôi cảm nhận rõ nét cuộc sống hạnh phúc, nông thôn giàu đẹp, văn minh của nơi đây.

Khởi sắc từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Năm 2010, huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với không ít khó khăn, thách thức. Khi đó, 1/3 số xã thuộc địa bàn 135; địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp; trình độ và tập tục canh tác lạc hậu; thu ngân sách địa phương hạn chế... Trong khi hàng loạt các tiêu chí, chỉ tiêu còn ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn chung. Đây là những thách thức rất lớn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà.

Bằng cách xác định rõ những khó khăn và thuận lợi, Đầm Hà đã có giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn; bền bỉ tháo gỡ từng tiêu chí khó, bằng các chương trình hành động, đề án, kế hoạch cụ thể. Quyết tâm cao độ ấy đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, trở thành điều kiện quan trọng mang lại kết quả xây dựng NTM.

Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 2.

Tuyến đường trung tâm xã Tân Lập (huyện Đầm Hà) được mở rộng, đổ áp phan mặt đường và lắp đặt bóng đèn năng lượng mặt trời. Ảnh: Cổng thông tin Đầm Hà

Ông Đặng Quang Hải (trú tại phố Hoàng Ngân, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) cho hay, ông đã chứng kiến sự đổi thay rất lớn của quê hương Đầm Hà trong những năm qua. Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, từ thị trấn đến các xã đều thay đổi rất lớn về hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở giáo dục, y tế..., đặc biệt là đời sống của người dân ngày càng ấm no hơn, đầy đủ hơn.

Đến hết năm 2020, huyện Đầm Hà có 8/8 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,91 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,14%. Toàn huyện có 6/9 xã, thị trấn không còn hộ nghèo. Với những kết quả đạt được, ngày 29/10/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1826/QĐ-TTg công nhận huyện Đầm Hà đạt chuẩn NTM năm 2020.

Khi Đầm Hà đạt chuẩn huyện NTM, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn đã tương đối đồng bộ. Đầm Hà đã dễ dàng kết nối liên vùng, cơ bản hình thành được những vùng sản xuất tập trung, bước đầu xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp giàu hàm lượng khoa học công nghệ. Kế thừa những kết quả huyện đạt chuẩn NTM, huyện Đầm Hà đã dồn sức tập trung các tiêu chí, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Định hướng các mô hình sản xuất

Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, với tiềm năng và lợi thế của địa phương là nông nghiệp, Đầm Hà xác định hướng đi cho phát triển kinh tế xã hội là hình thành các vùng sản xuất tập trung, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng cường các hoạt động liên kết trong sản xuất.

Do đó, huyện đã chú trọng thực hiện các chính sách, giải pháp để vận động, khuyến khích người dân tham gia chuyển dịch cơ cấu theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, từ đó mang lại nguồn thu cao hơn cho người dân.

Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 3.

Hiện nay Đầm Hà là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cung cấp giống tôm sạch bệnh và giống cá biển, giống nhuyễn thể ứng dụng công nghệ cao cho thị trường các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Ảnh: QMG

Thực tế, Đầm Hà đã ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; từng bước quy hoạch, hình thành các vùng tập trung về thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả; hình thành các mô hình sản xuất tập thể, các tổ hợp tác, các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những nông sản sạch.

Ông Phạm Viết Cao - đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Thành cho hay: "Hiện chúng tôi đang phát triển mô hình chăn nuôi dê thương phẩm, dê sinh sản. Chúng tôi được tiếp cận nhiều chính sách ưu dãi của nhà nước, tỉnh và của huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng NNPTNT, giúp chúng tôi mở rộng mô hình sản xuất".

Hiện nay trên địa bàn huyện Đầm Hà có nhiều tập đoàn, công ty lớn như Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty Cổ phần Funny Group JSC... đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 4.

Đầm Hà chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều giống bản địa như gà bản Đầm Hà, ngan sao Đầm Hà... Ảnh: Bùi My

Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương đạt kết quả tốt. Đầm Hà hiện có 31 sản phẩm OCOP của 21 cơ sở sản xuất, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Năm 2023 giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản tăng gấp 7 lần so với năm 2010, tăng 1,5 lần so với thời điểm huyện được công nhận NTM.

Từ những định hướng và mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả đã tạo cho người nông dân của huyện Đầm Hà bước tiến dài trong chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp, sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, huyện Đầm Hà đã tăng cường nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi, sản xuất có liên kết.

Nhờ đó, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng KHCN, đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, phát triển các nông sản đặc thù địa phương như củ cải, ngan sao, gà bản Đầm Hà,… mang lại nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 5.

Anh Nguyễn Văn Tuyền - Giám đốc HTX Tuyền Hiền, người có công phục tráng giống gà bản Đầm Hà của địa phương. Ảnh: Bùi My

Có thể kể đến HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân) là một trong những điển hình sản xuất có liên kết của huyện Đầm Hà. Từ thành công phục tráng giống gà bản Đầm Hà, anh Nguyễn Văn Tuyền - Giám đốc HTX Tuyền Hiền đã liên kết với hàng chục rồi đến hàng trăm hộ chăn nuôi gà trong và ngoài huyện. Với vai trò là đầu mối liên kết, HTX Tuyền Hiền đã chuyển giao công nghệ thụ tinh nhân tạo trên đàn gà cho các hộ chăn nuôi, chịu trách nhiệm cung ứng gà giống, cung ứng quy trình nuôi, cũng như bao tiêu gà thương phẩm cho các hộ liên kết.

Đến nay quy mô sản xuất của HTX Tuyền Hiền tăng lên nhanh chóng. Hằng năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp khoảng 200.000 con gà giống ra thị trường, xuất bán khoảng 150-200 tấn gà thương phẩm, lợi nhuận thu nhập bình quân hằng năm đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.

Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 6.

Người dân thôn Nà Thổng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) được tạo điều kiện phát triển mô hình trồng hoa cúc, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác. Ảnh: Bùi My

Cùng với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Đầm Hà luôn quan tâm triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân.

Hệ thống trường học, cơ sở y tế ngày càng khang trang, đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn hóa về đội ngũ giáo viên, 100% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 34,6% đạt chuẩn mức độ 2. Phong trào khuyến học, khuyến tài được quan tâm và đạt kết quả tích cực. 100% xã đạt chuẩn về y tế, trang thiết bị y tế được đầu tư đồng bộ, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về y đức, từng bước đáp ứng nhiệm vụ là tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ông Trần Văn Thứ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tây (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) cho hay, quá trình xây dựng NTM và NTM nâng cao đã đem đến nhiều khởi sắc cho vùng nông thôn của huyện. Các tuyến đường làng, ngõ xóm đã được bê tông, cứng hóa, môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.Kết quả này có sự đóng góp to lớn của nông dân. Đây cũng là điểm tựa để chúng tôi tiếp tục phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng

Đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao chỉ sau 2 năm về đích huyện nông thôn mới

Có thể thấy thành quả của hơn 10 năm xây dựng NTM, gần 3 năm xây dựng NTM nâng cao của huyện Đầm Hà là những đổi thay to lớn về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, về mức thu nhập của người dân tăng ngày càng cao. Trình độ sản xuất của người dân Đầm Hà đã nâng lên một bậc.

Các hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đồng bộ, hệ thống thủy lợi tưới tiêu hoàn thiện, hình thành các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo lập các thương hiệu nông sản và thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua phương thức bán hàng điện tử.

Đặc biệt thu nhập của người dân Đầm Hà tính ở thời điểm cuối năm 2023 là trên 80 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn là gần 75 triệu đồng/người/năm; khu vực đô thị là trên 103 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không có hộ nghèo, không có nhà dột nát. Chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn đã nâng lên rõ rệt.

Đến hết năm 2022, huyện có 8/8 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Từ một huyện nông thôn mới của Quảng Ninh đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 7.

Huyện Đầm Hà nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Bùi My

Với những thành quả đó, Đầm Hà vinh dự là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Như vậy, Đầm Hà được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao chỉ sau 2 năm về đích NTM. Kết quả này chính là "quả ngọt" cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà.

Theo Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Đỗ Thị Ninh Hường, trong thời gian tới, Đầm Hà sẽ tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí huyện NTM nâng cao, thực hiện các tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu. Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung khai thác tốt lợi thế tiềm năng về phát triển thủy sản, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động,

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tạo bước chuyển mạnh về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem