Kể chuyện làng: Cầu qua suối Pa Re

Nguyễn Quốc Lãnh Thứ tư, ngày 15/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
Phần lớn cư dân xã kinh tế mới Hương Phong (A Lưới, Thừa Thiên Huế) ở bờ tây sông A Sáp. Địa bàn của xã bị chia cắt bởi suối Pa Re, suối Cân Te và hàng chục chi lưu lớn nhỏ khác của A Sáp.
Bình luận 0

Ngay sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, một nhu cầu cấp bách của người dân là phải có những cây cầu bắt qua các con suối này.

Để về được trung tâm xã, người dân thôn Hương Hòa của tôi (hợp thành từ nhân khẩu của xã Thủy Trường và Thủy Phước) phải vượt qua suối Pa Re. Thuở đó, suối Pa Re trong vắt, đầy ắp nước. Hai bên bờ lau lách um tùm. Nơi đường mòn Hồ Chí Minh cắt ngang suối được chọn để làm cầu. Lòng suối rộng khoảng 5 mét, sâu đủ để ướt quần đùi mỗi khi chúng tôi lội qua đi học. Ấy là ngày thường. Những lúc lũ về thì không thể nói chính xác được.

Kể chuyện làng: Cầu qua suối Pa Re- Ảnh 1.

Đoạn suối Pa Re ngày nay, nơi cây cầu cuối cùng và ba cây cầu đầu tiên bắt qua gần nửa thế kỷ trước. Ảnh: Tác giả cung cấp

Sau một tuần huy động công sức thanh niên toàn thôn, cây cầu được hoàn tất. Cầu dài khoảng 10 mét. Nơi cao nhất cách mặt nước hơn một mét. Xinh xắn. Cân đối. Hài hòa với khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Cả một đoạn suối bỗng sống động nên thơ. Bấy giờ là những ngày cuối tháng 2/1976. Lúc này mùa mưa lụt qua đã lâu còn những cơn mưa nguồn thì chưa đến. Vì phải gấp rút hoàn thành phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nên ý tưởng làm tay vịn bằng những sợi mây uốn cong mô phỏng mấy nhịp của cầu Trường Tiền đành lỗi hẹn…

Một cơn lũ đầu mùa đã đưa công sức và niềm tự hào của hàng trăm con người về điểm xuất phát. Hai mố cầu toang hoác giữa dòng nước. Những tấm ri lỗ làm mặt cầu bị cuốn trôi về phía hạ lưu cả trăm mét. Cũng phải thôi. Trụ cầu là mấy cái thùng phuy đựng nhựa đường (hắc ín) được chôn sâu vào lòng suối và chèn đá hộc cả trong lẫn ngoài. Liên kết các thùng đó lại chỉ là mấy cây gỗ rừng. Không xi măng, không chất kết dính, không sắt thép bù lon ghép nối thì làm sao chống chọi được với dòng chảy của những cơn lũ rừng đầu mùa.

Dẫu sao cũng phải có cầu. Lại huy động công sức của lao động toàn thôn. Mặt cầu được nâng cao lên. Số trụ cầu tăng gấp đôi và to gấp ba… Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi, liên tiếp hai lần làm rồi trôi, trôi lại làm. Đến lúc ấy thì mọi người ngộ ra rằng, với điều kiện và phương tiện hiện có, vị trí này không thể bắt cầu. Chúng tôi lại phải ướt quần đùi mỗi ngày hai lần đi về. Và lại phải ấm ức nhìn các bạn bên kia suối tung tăng đến trường vào những lúc đất trời đổ mưa…

Kể chuyện làng: Cầu qua suối Pa Re- Ảnh 2.

Mặt cầu được ghép lại từ 2 tấm ri lỗ này. Ảnh: Tác giả cung cấp

Sau nhiều lần khảo sát trao đổi tranh luận, quyết định làm cầu mới được thông qua. Vị trí cầu mới cách nơi cũ về phía thượng nguồn hai trăm mét. Cầu sẽ bắt qua đoạn suối ngay sau lưng nhà tôi, có bờ phía bắc cách mặt nước gần 3 mét. Trụ cầu phía bắc nằm trong lòng suối, trụ phía nam đứng chân trên bãi đá. Chiều dài cầu khoảng 15-16 mét, được kết nối từ 3 ống xăng dầu. Mặt cầu do hai tấm ri lỗ ghép lại. Đường điện trần 4 dây, 10 dây bộ đội tháo gỡ không hết là nguồn cung cấp vật liệu từ bù lon đến dây néo. Rút kinh nghiệm của những lần trước, một người lính công binh luôn nhắc nhở mọi người trong suốt quá trình thi công: "Cầu gỗ bằng cây. Bê-lây bằng sắt. Muốn chắc thì bắt bù lon".

Cầu mới không đẹp, không nên thơ như cầu cũ và trông có vẻ mong manh chênh vênh. Do không nằm trên trục giao thông chính nên người dân chỉ qua cầu vào những lúc mưa lũ hoặc vào những hôm trời rét buốt. Thường thì lội suối cho nhanh, ngắn hơn được nửa cây số so với đi đường vòng qua cầu. Không có tiếng sáo, không có người giặt áo nhưng với chúng tôi, đây là nhịp cầu nối những bờ vui.

Chúng tôi háo hức đón chờ ngày Trung thu thứ hai trên vùng đất mới (1977). Trước đó, được các anh chị phụ trách thông báo, tất cả thiếu niên tập trung tại hội trường xã vào đúng đêm rằm để phá cỗ và nhận quà. Đây là lần đầu tiên xã tổ chức sự kiện này. Suốt cả buổi sáng trời ủ ê. Khoảng 10 giờ thì mưa bắt đầu rơi. Rả rích, dai dẳng và không có dấu hiệu dừng. Dẫu vậy, anh em chúng tôi vẫn quyết đội áo mưa ra đi. Khi qua cầu, thấy nước đã dâng cao, ào ạt chảy. 

Nước đã ngập những bãi đá sỏi hai bên bờ. Không nhiều lắm các bạn đến dự. Đang chuẩn bị khai mạc thì nghe tiếng kẻng báo động. Tất cả thanh niên du kích được huy động hỗ trợ người dân Tổ 2 chạy lụt. Chúng tôi được nhắc nhở phải về nhà thật nhanh… Những cái kẹo gừng thơm lựng nồng ấm trên đường về.

Anh em tôi cứ ngập ngừng mãi. Về nhà hay ghé nhà người quen xin ở lại. Nước đã dâng cao đến nửa cầu. Nước cuồn cuộn chảy. Thỉnh thoảng tung lên những làn bọt mờ ảo dưới ánh sáng của trăng rằm bị che khuất bởi những đám mây sũng nước. Chúng tôi lập cập lần tay vịn qua cầu. Mặt cầu rung rinh theo từng nhịp bước. Một túi quà rơi xuống dòng nước. Rồi lại một túi nữa. Qua đến bờ thì không còn túi quà nào… 

Đã lên giường, đã chui vào chăn trùm kín đầu nhưng tôi vẫn không nguôi được cơn hoảng sợ, không dứt ra được cảm giác cả mấy anh em tôi cùng cây cầu đang trôi phăng phăng giữa dòng nước tối thẫm… Sáng ra, cầu đã bị cuốn đi không biết tự khi nào. So với ba cây cầu trước, tuổi thọ của cây cầu này cao hơn hẳn. Khoảng gần một năm rưỡi.

Lại tiếp tục làm cầu. Lại đưa về nơi ba cái cầu đầu tiên yểu mệnh. Lần này đã có kinh nghiệm. Không có trụ nào dầm chân trong bước. Dầm cầu và trụ cầu được làm bằng mấy cột điện 10 dây. Đã xong mố cầu phía nam và trụ chính. Bằng kinh nghiệm và trực giác đã hình dung được dòng chảy của con nước mỗi khi lũ về. Trụ chính không nằm trên dòng chảy giả tưởng này. Cũng đã lát mặt cầu thử nghiệm ở bờ nam ra trụ chính. 

Đợi thời tiết thuận lợi sẽ hoàn thành mố cầu phía bắc nữa là xong. Đã qua tiết lập đông. Thường thì có thể xem là hết mùa mưa lũ. Nhưng không, vẫn còn một đợt lụt nữa vào cuối tháng 11. Nước ngập tràn bờ bãi. Một cây gỗ xuýt xoát người ôm còn nguyên cành thân lá lừng lững trôi về. Một cái rễ bằng bắp chân như cái móc mắc vào ngay trụ chính. Nước cứ lặng lẽ dâng cao theo lượng mưa vẫn đều đều rơi xuống. Cây cầu dở dang rung lắc theo nhịp điệu của dòng chảy. Sau hơn một giờ cầm cự, một tiếng ụp lạnh lẽo vang lên. Trụ chính bị bật gốc. Dầm cầu, mặt cầu bị xoắn lại kéo mố cầu phía nam trôi theo dòng nước hung hãn.

Đây là cây cầu cuối cùng bắt qua suối Pa Re. Sau lễ kỷ niệm Đệ Tam Chu Niên (ba năm đi kinh tế mới) vào tháng 7/1978, chính quyền quy hoạch địa bàn xã lần thứ nhất. Dân cư được đưa về khu vực trung tâm xung quanh hạ nguồn suối Cân Te. Thôn Hương Hòa của tôi ở bờ bên kia so với trường học và ủy ban xã. Lại phải chung sức làm những cây cầu bắt qua suối Cân Te. Cho dù trước đó, thôn Hương Phú cũng đã làm nhiều lần.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem