Nhiều thách thức trong phát triển giai cấp công nhân trong giai đoạn mới

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 02/12/2023 10:43 AM (GMT+7)
Sáng nay (2/12), tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) diễn ra Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với sự tham dự của 1.100 đại biểu, đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên, công đoàn cả nước.
Bình luận 0

Đại hội Công đoàn lần thứ 13 hướng tới ý chí, nguyện vọng của người lao động

Sáng 2/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước và đại diện các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13 là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam để quyết định những vấn đề quan trọng của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, 5 năm qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động công đoàn.

ĐH Công đoàn lần thứ 13

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam. N.Hải

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đúc kết những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2018 - 2023; kế thừa những thành quả của nhiệm kỳ qua, tiếp tục xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức Công đoàn trong 5 năm tới.

Trong gần 2 năm qua, đã diễn ra một phong trào sâu rộng của đoàn viên, người lao động chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam.

Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đã có gần 830 nghìn CNVCLĐ tham gia, đóng góp hơn 2 triệu sáng kiến, làm lợi hơn 33 nghìn tỷ đồng.

Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam, là đại hội đầu tiên cụ thể hóa Chiến lược phát triển Công đoàn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Trong ngày 2/12, Đại hội Công đoàn tổ chức phiên trọng thể: trình bày tóm tắt báo cáo của Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam khóa 12; báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; trình bày các bài tham luận.

Chiều nay, Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 13 và công bố kết quả. Đại hội cũng sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Kiểm tra Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 13.

Tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với đất nước, với đoàn viên, người lao động được thống nhất trong đại hội công đoàn cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành và trong các nội dung trình Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam, nhằm tạo ra thế và lực mới của Công đoàn Việt Nam.

“Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam là Đại hội chuyển hướng mạnh mẽ về nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn, đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, tiếp tục bồi đắp các giá trị văn hóa của tổ chức Công đoàn để hướng tới 100 năm Công đoàn Việt Nam.

Những quyết định của Đại hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước, của các cấp công đoàn, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Một nhiệm kỳ Công đoàn 12 với nhiều dấu ấn trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động

Mở đầu phiên trọng thể, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa 12) trình Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam - sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước đang ra sức thi đua lao động sản xuất, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Ông Khang cho biết, nhìn lại nhiệm kỳ qua chúng ta phấn khởi và tự hào về những kết quả đã đạt được, tin tưởng vững chắc vào tương lai tươi sáng của đất nước, chúng ta ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trước những thời cơ, thách thức, yêu cầu đặt ra đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới.

ĐH Công đoàn lần thứ 13

Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: N.Hai

Tinh thần trên đã được quán triệt, cụ thể hóa trong tiêu đề dự thảo Báo cáo của Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa 12 trình Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam.

Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa 12 trình Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam gồm 11 mục, được trình bày theo phương pháp tiếp cận vấn đề, đã thể hiện toàn diện, đầy đủ, cụ thể các nội dung của hoạt động công đoàn.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp, kéo dài của dịch bệnh Covid - 19 đối với đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn, song phát huy truyền thống của Công đoàn Việt Nam gần 95 năm đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động, với sự năng động, nhạy bén thích ứng của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Các cấp công đoàn, nhất là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, có kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.

Đại hội công đoàn lần thứ 13

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội công đoàn lần thứ 13. Ảnh: N.Hải

Tham mưu tổ chức thành công Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hằng năm, Diễn đàn Người lao động do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, các cuộc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, viên chức, lao động, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan tâm, bức xúc của công nhân, lao động; là kênh quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật...

Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Hoạt động giáo dục, phổ biến, tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của người lao động được quan tâm. Công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật cũng được coi trọng.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và con của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid – 19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6 nghìn tỷ đồng với 10 triệu lượt người lao động được thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp.

 “Tháng Công nhân” hàng năm được triển khai rộng khắp, hướng về cơ sở với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, trở thành điểm nhấn quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công nhân lao động cả nước, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, quần chúng lao động.

Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai sâu rộng, góp phần giảm thiểu các hành vi chống phá Công đoàn Việt Nam, chống phá Đảng và chế độ nhà nước cũng được đẩy mạnh.

"Trong 5 năm qua, đã kết nạp hơn 4,4 triệu đoàn viên, thành lập hơn 24 nghìn công đoàn cơ sở. Triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn...", ông Nguyễn Đình Khang cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem