Đầu ra ổn định
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thành Phước (phường Vĩnh Trường, TP.Nha Trang) cho biết: “Gia đình tôi có một chiếc tàu với công suất trên 400CV, chuyên hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương tại khu vực nhà giàn DK1 và quần đảo Trường Sa. Mỗi chuyến đánh bắt hải sản thường kéo dài từ 20 – 22 ngày, có nhiều chuyến mang về cá ngừ rất đẹp, tươi ngon nhưng vẫn bị các thương lái, đầu nậu ép giá, buộc bán với giá thấp”. Trong khi đó, theo ông Phước, giá các loại nhu yếu phẩm, công lao động và xăng dầu liên tục tăng cao theo từng ngày, khiến nhiều chuyến biển gia đình ông gần như không có lãi.
Ngư dân Khánh Hòa đang phấn khởi với mô hình khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ theo chuỗi. Ảnh: C.T
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, để phát triển bền vững mô hình liên kết, trong thời gian tới các ngư dân cần mạnh dạn đầu tư các phương tiện máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm và áp dụng quy trình sơ chế, bảo quản một cách hiện đại. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền cho người dân, chủ tàu, thuyền viên thấy được hiệu quả trong mô hình chuỗi.
|
Sau khi được các cơ quan chức năng tư vấn, gia đình ông Phước đã tự nguyện tham gia mô hình khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Ông Phước phấn khởi nói: “Từ khi tham gia vào mô hình này, gia đình không còn lo lắng về đầu ra nữa. Tàu của tôi bán sản phẩm với giá cả ổn định, giá luôn sát với thị trường. Có những chuyến cá ngừ về cảng có chất lượng tốt, doanh nghiệp còn thu mua cao hơn 2.000 đồng/kg so với thị trường”.
Được biết, mỗi chuyến, tàu của gia đình ông Phước đánh bắt được bình quân 1 – 2 tấn cá ngừ. Với giá bán từ 100.000 – 108.000 đồng/kg, ông Phước có doanh thu mỗi chuyến từ 200 – 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 150 triệu đồng/chuyến.
Ông Trần Văn Đạt – Tổ trưởng Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng (TP.Nha Trang) vui mừng cho biết, sản phẩm cá ngừ của người dân trước kia bán cho các vựa, đầu nậu nên giá luôn bấp bênh, việc tiêu thụ cũng không ổn định. Việc Công ty TNHH Thịnh Hưng (Khu công nghiệp Suối Dầu) đứng ra tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ quy trình sơ chế sản phẩm và bao tiêu sản phẩm cá ngừ cho các thành viên tổ hợp tác thực sự là một tín hiệu vui mừng cho ngư dân địa phương.
Ông Đạt đánh giá, việc thành lập mô hình khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi không những giúp nâng cao giá trị cá ngừ mà còn nâng cao thu nhập cho các chủ tàu đánh bắt. Hiện tại, Tổ hợp tác đã có 60 thành viên và tạo được công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 lao động. Mỗi tháng tổ hợp tác cung cấp sản phẩm từ 50 – 80 tấn cá ngừ cho Công ty Thịnh Hưng.
Lợi ích lâu dài
Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà cho biết, đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” tại Khánh Hòa được triển khai từ tháng 10.2016, với số lượng ban đầu 40 chủ tàu tham gia. Thấy được lợi ích thiết thực của việc tham gia vào chuỗi nên số lượng các chủ tàu đã tăng lên và đến nay đã có 60 chủ tàu đăng ký.
Ông Chánh nói, đây là mô hình mới vừa nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ, vừa nâng cao giá trị đánh bắt, đặc biệt là đời sống của người dân tham gia vào chuỗi tăng lên rõ rệt. Sau hơn 6 tháng triển khai theo chuỗi, các thành viên đã cung cấp được 324 chuyến cá, với tổng sản lượng gần 500 tấn.
Qua 6 tháng triển khai, mô hình đã giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm cá ngừ cho ngư dân, tạo đầu ra ổn định, khắc phục được chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” kéo dài trong nhiều năm qua. Mô hình liên kết lấy mục tiêu nâng cao chất lượng, sản lượng cá ngừ làm trọng tâm; ngư dân tham gia chuỗi đã đầu tư, áp dụng đúng quy trình khai thác, sơ chế, bảo quản, qua đó đã nâng cao được chất lượng sản phẩm sau khai thác, giúp doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Trọng Chánh cho hay, trước những kết quả tích cực từ mô hình, thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà tiếp tục vận động khoảng 100 tàu tham gia chuỗi liên kết với Công ty Thịnh Hưng. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các chuỗi liên kết khác, với mục tiêu là toàn bộ gần 320 tàu câu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh đều tham gia vào các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty TNHH Thịnh Hưng, mô hình chuỗi liên kết giữa đơn vị với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ. Trong số 486 tấn cá ngừ ngư dân tham gia chuỗi khai thác được, có đến 95% đạt chất lượng, trong đó có 30% đạt loại A. Nhờ thực hiện chuỗi liên kết, doanh nghiệp ổn định hơn về nguồn nguyên liệu có chất lượng, từ đó chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.