Khánh Hòa: Rong nho là loài "cây" mới lạ dân trồng trên đồng nước mặn, cứ 1 sào thu tới 90 triệu

Thứ hai, ngày 28/12/2020 07:45 AM (GMT+7)
Nghề nuôi trồng rong nho đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, địa phương kiến nghị cần có chuỗi liên kết trong trồng, tiêu thụ rong nho.
Bình luận 0

Nghề nuôi trồng rong nho tại phường Ninh Hải (TX Ninh Hòa) bắt đầu từ năm 2004. Khi ấy, anh em ông Lê Bền và Lê Nhứt (ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã đưa số rong giống ít ỏi (được đối tác mang từ Nhật Bản sang) đến gây nuôi thử nghiệm trên vùng đìa tôm ở tổ dân phố Đông Hà. 

Khánh Hòa: Rong nho là loài "cây" gì mà dân trồng trên đồng nước mặn, cứ 1 sào thu tới 90 triệu? - Ảnh 1.

Sơ chế rong nho ở phường Ninh Hải, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa để phục vụ xuất khẩu.

Kết quả cây rong nho sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện môi trường tại địa phương. Từ đó đến nay, diện tích trồng rong nho trên địa bàn phường Ninh Hải ngày càng mở rộng, hiện lên đến hơn 25ha.

Nhiều hộ dân phường Ninh Hải đã chuyển đổi một số ao nuôi tôm, ốc hương, ruộng muối… sang trồng rong nho.

Theo chia sẻ của những người trồng rong nho, chi phí đầu tư thấp, trung bình mỗi héc-ta trồng khoảng 5 tấn rong giống, giá 3,5 triệu đồng/tấn. 

Thời gian từ lúc thả giống trồng rong nho đến khi thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 1,5 - 2 tháng. Tùy vào điều kiện chăm sóc mà mỗi năm nông dân có thể thu hoạch đến 10 lượt, xen lẫn là thời gian chăm sóc và vệ sinh ao trồng rong. 

“Trồng rong nho chi phí không cao nhưng lợi nhuận lại khá cao. Những hộ nắm chắc kỹ thuật, chăm sóc tốt có thể thu đến 80 - 90 triệu đồng/sào”, ông Trần Thanh Hùng, người trồng rong nho ở phường Ninh Hải chia sẻ.

Hiện nay, sản phẩm rong nho tại phường Ninh Hải không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Trí Tín và Công ty TNHH Đại Dương VN thu mua, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Theo đại diện các doanh nghiệp, rong nho đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về kỹ thuật, an toàn thực phẩm từ khi nuôi trồng đến khi thu hoạch, chế biến và đóng gói. 

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ còn có những tiêu chuẩn về kích cỡ sợi rong, màu sắc đặc trưng, độ tươi… Do đó, để sản phẩm rong nho của nông dân Ninh Hải có thể phục vụ cho chế biến xuất khẩu đòi hỏi có sự hỗ trợ của doanh nghiệp thu mua trong việc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Ông Trần Hải - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải (TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, rong nho chủ yếu được nuôi trồng ở phường Ninh Hải. Việc thu mua chủ yếu phụ thuộc vào 2 doanh nghiệp nói trên, với lượng thu mua khoảng 80% sản lượng rong nho thương phẩm trên địa bàn nên dễ dẫn đến tình trạng được mùa mất giá...".

Theo ông Trần Hải, tực tế, thời điểm tháng 5, tháng 6 hàng năm, rong nho sinh trưởng rất nhanh, sản lượng mỗi tháng lên đến 20 tấn; doanh nghiệp thu mua không kịp nên dẫn tới việc rong tồn trong ao nhiều, giá thấp. 

"Hiện nay, nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nông sản được ngành nông nghiệp triển khai đã mang lại hiệu quả cho người dân. Địa phương kiến nghị tỉnh Khánh Hòa quan tâm, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ rong nho để có đầu ra ổn định hơn cho người dân, tạo điều kiện phát triển nghề trồng rong nho trên địa bàn TX Ninh Hòa

ông Trần Hải, Chủ tịch UBND phường Ninh Hải (TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).

Hải Lăng (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem