Khi không biết đi đâu, đây là một lựa chọn chưa bao giờ cũ

Hoàng Ba Đình Thứ ba, ngày 14/09/2021 14:25 PM (GMT+7)
Cam đoan rằng, một số bạn ở Sài Gòn, từng có ít nhất một mối tình trải qua nơi nhà sách. Đến lúc trưởng thành rồi, mỗi khi đi ngang qua nơi ấy lại bồi hồi nhớ câu chuyện cũ.
Bình luận 0

Sài Gòn có nhiều địa điểm, công trình, món ăn... có thể chọn để tìm hiểu bất cứ lúc nào. Những di tích tiêu biểu cho các thời kỳ lịch sử: Chợ Bến  Thành, Bến Nhà Rồng, Dinh Thống Nhất... 

Những địa điểm đặc trưng cho nhịp sống văn minh hiện đại: Tòa nhà Landmark 81, Bitexco hoặc Phố đi bộ Nguyễn Huệ... Những biểu tượng văn hóa - kiến trúc: Lăng Lê Văn Duyệt, Chùa Giác Lâm, Nhà Thờ Đức Bà...

Khi không biết đi đâu, thì đây là một lựa chọn chưa bao giờ cũ - Ảnh 1.

Quang cảnh thường thấy trong các nhà sách. Ảnh: TL

Nhưng đến lúc không biết đi đâu, cần lắng lại, có một nơi luôn đón chào chúng ta. Đó là nhà sách. Người Sài Gòn nói "đi nhà sách", thì người nghe không rõ là đang nói đến nhà sách nào, vì có muôn vàn nhà sách khác nhau. Với riêng từng hệ thống nhà sách, tùy từng quy mô mà có từ vài đến vài chục cơ sở.

Trở ngược thời xa xưa, mỗi đô thị đều chỉ có vài nhà sách mà thôi. Về những nơi tỉnh lẻ như thị xã, thị trấn, có khi chỉ có một nhà sách, thậm chí không có. Chứ riêng Sài Gòn đã có rất nhiều, trải dài trên diện rộng về quy mô lẫn chủng loại. 

Có những nhà sách chuyên sách và báo. Có nhà sách kiêm luôn văn phòng phẩm. Và hiện tại, nhà sách – hiệu sách thậm chí đã đạt đến quy mô siêu thị sách. Từ đó, Sài Gòn trở thành một trong những nơi có văn hóa đọc bén rễ sâu đậm trong quần chúng.

Khi không biết đi đâu, thì đây là một lựa chọn chưa bao giờ cũ - Ảnh 2.

Các bạn nhỏ tô tượng trong nhà sách. Ảnh: TL

Văn hóa đọc đấy bắt đầu từ đâu? Từ nhỏ xíu rồi. Ngay từ lúc biết đọc chữ, một số cha mẹ đã xem chuyện cho con cái đi nhà sách vào cuối tuần như một phần thưởng cho những điểm son học hành. 

Mỗi khi đi học được loại khá, loại giỏi, điểm cao... là được tặng quyển sách, quyển truyện yêu thích. Nhiều phụ huynh kỹ tính, vào lướt trước nội dung mới cho con cái tiếp cận.

Mà vào nhà sách, bọn trẻ nào chỉ có mỗi đọc sách? Có khu trò chơi thiếu nhi, có khu tô tượng, vẽ tranh... Nên ngoài đọc sách, có những hoạt động giải trí tiêu khiển phù hợp với lứa tuổi kèm theo nữa. Một số phụ huynh còn khá tự tin, cứ để con cái trong nhà sách, rồi đi công việc, sau mới đến đón. 

Dần dà, nhà sách trở thành một dạng "điểm hẹn văn hóa cuối tuần" của lũ trẻ nít ranh. Duy trì đến lớn sẽ hình thành văn hóa đọc vậy.

Đến độ tuổi chững chạc hơn, tầm cấp 2, nhà sách vẫn là điểm đến quen thuộc của sấp nhỏ. Màu áo trắng học sinh luôn thân thuộc với các nhà sách. Tuổi này không cần bố mẹ kèm cặp nữa rồi. Tự đi, tự đến, tự lựa chọn những đầu sách quan tâm. 

Hiếm ai trong đời học sinh mà chưa từng có những buổi lăn lê bò toài, nằm dài đọc sách… trong nhà sách cả. Có đứa còn trốn học chỉ để vào nhà sách. Thậm chí có những bạn nhỏ ngồi đọc đến tận khi nhà sách đóng cửa mới chịu ra về. Thực ra chúng vào đấy đọc truyện tranh là chủ yếu. Nhưng giữa việc lựa chọn đọc truyện và ôm máy tính chơi game thì rõ ràng đọc vẫn tốt hơn.

Khi không biết đi đâu, đây là một lựa chọn chưa bao giờ cũ - Ảnh 3.

Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) từ lâu đã trở thành điểm hẹn của nhiều người trẻ ở Sài Gòn. Ảnh: TL

Đáng ngại hơn, là bọn cấp 3, đến tuổi này rồi là tò mò đủ thứ việc. Đầu tiên là vào xem những sách viết về y khoa, y học, tìm hiểu tâm sinh lý tuổi mới lớn. Hoặc xem những bức tranh thời Phục hưng với những nữ thần căng tràn nhựa sống. Bọn nít ranh này cứ tưởng lừa được người lớn. Thật sự chỉ cần nhìn thấy năm ba thằng oắt con túm tụm với nhau, vừa xem vừa rù rì, lâu lâu cười hí hố là biết ngay chúng đọc gì rồi.

Nhưng sau những tò mò tuổi mới lớn đấy, thì bọn trẻ sẽ tìm thấy gì? Đó là cả kho tàng tri thức, một thế giới rộng mở, với những quyển tiểu thuyết lừng danh cổ kim, là những tác phẩm về văn hóa – lịch sử bổ ích, cùng những quyển sách về các danh nhân trong suốt chiều dài phát triển nhân loại... Nhiều bài học mà cha mẹ thầy cô nói mãi chúng không nghe, vì đang độ tuổi "lỗ tai cây", sẽ được tiếp thu qua những quyển sách này.

Nhưng nếu chỉ có mỗi đọc sách thì có khô khan quá chăng? Chưa chắc. Bởi nhà sách không chỉ là nơi đến để đọc sách, mà còn là điểm hẹn hò nữa. Các cô cậu tuổi mới lớn, ba má siết kỹ, xin đi đâu cũng không cho, chỉ có xin đi nhà sách thì may ra mới được. Thế là chúng hẹn đúng giờ gặp nhau tại nhà sách.

Lang thang suốt buổi, cùng đọc, cùng học, muốn sôi động thì ra chơi điện tử, muốn lãng mạn lại ngồi tô tượng, vẽ tranh... Đến lúc chia tay lại mang tượng ra đập, tranh ra xé. Đập xong lại tìm đối tượng khác để cùng tô. 

Các bậc phụ huynh cứ yên tâm, hẹn hò ở đâu không biết, chứ hẹn ở nhà sách chắc chắn văn minh, lịch sự và "trong sáng". Bởi ngoài camera an ninh sẵn có, còn có cả đống camera "chạy bằng cơm" ngó nghiêng, khỏi lo chuyện "lòng hươu dạ vượn" tại đây.

Cam đoan rằng, một số bạn ở Sài Gòn, từng có ít nhất một mối tình trải qua nơi nhà sách. Đến lúc trưởng thành rồi, mỗi khi đi ngang nơi ấy lại bồi hồi nhớ câu chuyện cũ. Chép miệng cho rằng nếu ngày xưa không có cái nhà sách ấy, chắc không phải dính với cái "của nợ" là bà vợ ngày nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem