Khó hiểu: Một tháng xăng dầu "đội giá" 4 lần, Quỹ bình ổn giá vẫn "bất động"

An Linh Thứ tư, ngày 23/08/2023 13:40 PM (GMT+7)
Chỉ qua 1 tháng từ 21/7 đến 21/8, 5 lần điều chỉnh, thì có 4 lần giá xăng tăng liên tiếp từ 2.927 đồng/ lít đến hơn 3.108 đồng/ lít, nhưng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn "bất động".
Bình luận 0

Xăng tăng liên tục, Quỹ bình ổn giá xăng dầu "đứng yên"

Cụ thể, ngày 21/8, giá xăng E5 RON 92 tăng hơn 517 đồng, giá bán lẻ bình quân 23.339 đồng/ lít, giá xăng RON 95 III tăng hơn 608 đồng, giá bán lẻ bình quân 24.601 đồng/ lít.

Một tháng xăng dầu "đội giá" 4 lần, quỹ bình ổn "bất động" có gì bất thường? - Ảnh 1.

Xăng tăng liên tiếp 4 lần, ước tỷ lệ tăng trên 13%, song Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn chưa vào cuộc

Ngày gần nhất 11/8, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 30 đồng/lít, lên 22.820 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 30 đồng/lít, lên 23.990 đồng/lít.

Ngày 1/8, giá xăng xăng E5 RON 92 tăng hơn 1.160 đồng/ lít, giá bán lẻ bình quân hơn 22.790 đồng/ lít, giá xăng RON 95 tăng hơn 1.170 đồng/ lít, giá bán lẻ lên ngưỡng 23.960 đồng/ lít.

Ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, giá bán là 21.630 đồng/lít; Giá xăng RON 95 tăng 1.300 đồng/lít, giá bán là 22.790 đồng/lít.

Đó là chưa kể kỳ điều chỉnh ngày 11/7, giá xăng RON 95 tăng nhẹ 69 đồng/ lít, trong khi đó, giá xăng sinh học E5 RON 92 giảm nhẹ hơn 51 đồng/ lít.

Như vậy, 4/5 lần gần nhất điều chỉnh, tính đến ngày 21/8, tỷ lệ tăng của giá xăng E5 RON92 là 13,5%, xăng RON 95 tăng 13,6% so với cùng kỳ tháng trước đó. Đây là xu hướng tăng giá khá mạnh trong thời gian ngắn, trong khi đó, giá xăng dầu thế giới không diễn biến tăng bất thường như các năm 2022.

Theo số liệu từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã qua 24 lần điều chỉnh định kỳ của liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính, trong đó có 13 lần điều chỉnh tăng và 7 lần điều chỉnh giảm, hơn 3 lần giữ nguyên. Thế nhưng, theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh đó mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của liên Bộ chưa bám sát được xu hướng tăng giá này, nên không có điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, mặt hàng RON 95 và E5 RON 92, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ chi sử dụng 3 lần trong tháng 1/2023, sau đó không được sử dụng; mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa chi sử dụng duy nhất vào đầu tháng 8 và dầu mazut tính đến nay chỉ ba kỳ chi quỹ.

Cụ thể, với các mặt hàng xăng, trong ba lần chi sử dụng Quỹ bình ổn, tổng số tiền chi tương đương gần 2.800 đồng/ lít, đối với dầu diesel, Quỹ chỉ chi 300 đồng; dầu hỏa chi 400 đồng và chi 850 đồng đối với dầu mazut.

Báo cáo của Bộ Tài chính và một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho thấy, hiện số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tới 31/7 hơn 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm 2022, (hơn 4.600 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ quý I/2021.

Trong khi đó, mức chi sử dụng quỹ bình ổn từ đầu năm đến nay đã gần như không được duy trì. Điều này khiến xu hướng tăng giá xăng trong tháng 7 đến tháng 8 tăng mạnh, cao. Trong khi về nguyên tắc, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ chi khi giá xăng dầu tăng liên tục, mức cao, ảnh hưởng việc tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Trả lời PV Dân Việt, đại diện doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho rằng giá xăng tăng cao chủ yếu do giá thế giới biến động, trong khi Quỹ bình ổn giá không chi, khiến xu hướng tăng xuyên suốt hai tháng qua. Trong khi đó, xăng dầu trong nước đang khó khăn do nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm, tiến tới ngừng cung ứng từ nửa cuối tháng 8, điều này có thể khiến cho xu hướng giá xăng sẽ tăng thêm.

Doanh nghiệp đầu mối này cũng bày tỏ băn khoăn, khó hiểu khi cơ quan điều hành không sử dụng biện pháp xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong tháng 7, tháng 8 khi giá xăng tăng liên tiếp để hạ nhiệt dù cho số dư hiện tại đã lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, việc tăng giá xăng dầu các tháng quý III/2023 sẽ ảnh hưởng làm tăng chỉ số CPI do bắt đầu chu kỳ giao thương xuất khẩu cuối quý III, đầu quý IV. Bên cạnh đó từ tháng 7 đến tháng 9 các chỉ số giao thông sẽ tăng cao do nghỉ hè, nhiều ngày lễ và học sinh, sinh viên bắt đầu khai giảng, nhập học nhiều, khiến lạm phát tăng trở lại.

Trong kỳ điều hành ngày 21/8, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu. Điều này dấy lên nhiều lo ngại, xu hướng dừng trích (xả) Quỹ bình ổn có thể khởi phát xu hướng tăng giá xăng dầu trong thời gian tới đây, nhất là khi số dư Quỹ đang nhiều hơn so với các kỳ so sánh.

Về xăng dầu nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/8, Việt Nam nhập hơn 6,7 triệu tấn xăng dầu, trong đó xăng là 1,4 triệu tấn, dầu là hơn 3,7 triệu tấn. Sản lượng xăng dầu nhập khẩu tăng hơn 1,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó xăng nhập tăng hơn 400.000 tấn, dầu tăng hơn 500.000 tấn.

Lượng xăng dầu nhập khẩu từ tháng 7 đến nay tăng nhẹ so với các tháng liền kề, theo đó lượng xăng dầu nhập tháng 7 tăng hơn 5% so với tháng 6/2023. Theo nhận định của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trong tháng 8 đến hết quý III/2023, sản lượng xăng dầu nhập khẩu có thể tăng mạnh do kịp bù đắp thiếu hụt của lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng hoạt động. Bên cạnh đó, yếu tố hồi phục sản xuất, nhiều hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều ngày lễ lớn trong các tháng giữa và cuối năm, sẽ khiến nhu cầu xăng dầu cho hoạt động sản xuất, giao thương tăng mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem