Khu Công nghệ cao TP.HCM hợp tác với Siemens phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Khu Công nghệ cao TP.HCM hợp tác với Siemens phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Mỹ Quỳnh
Thứ ba, ngày 27/02/2024 14:05 PM (GMT+7)
Thỏa thuận hợp tác giữa Khu Công nghệ cao và Siemens được cho sẽ thúc đẩy hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đóng góp vào phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho TP.HCM cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Sáng 27/2, Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức ký kết hợp tác với Công ty Siemens Electronic Design Automation (Siemens) về phát triển năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Thỏa thuận hợp tác dựa trên việc phát huy những lợi thế và kinh nghiệm của Khu Công nghệ cao TP.HCM trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, khai thác những thế mạnh của công ty Siemens trong việc cung cấp các phần mềm thiết kế và phối hợp các hoạt động đào tạo thiết kế IC/PCB.
Các hoạt động hợp tác sẽ được triển khai ngay từ trong năm 2024.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, nhân lực ngành vi mạch bán dẫn được xác định là yếu tố then chốt, đảm bảo cho sự thành công của chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn quốc gia.
Trong thời gian qua, Khu Công nghệ cao đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, qua đó nâng cao sức mạnh nội sinh của hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao.
Ông Thi cho rằng việc mở rộng, tăng cường liên kết 3 "Nhà": Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn rất quan trọng, tranh thủ khơi thông, củng cố nguồn lực, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Khu Công nghệ cao vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là chiến lược lâu dài.
Ngoài ra, trong thời gian tới Khu công nghệ cao tiếp tục định hướng phát triển cho lĩnh vực công nghệ sinh học và hàng không vũ trụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, TP.HCM là môi trường rất thuận lợi để triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và thúc đẩy phát triển. TP.HCM có hơn 50 trường đại học với cả triệu sinh viên, cả chục ngàn kỹ sư và công nhân công nghệ cao. TP.HCM cũng là địa phương có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; khu công nghệ cao đã được hoàn thành và phát triển.
Đặc biệt, TP.HCM cũng có cả một cộng đồng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cộng đồng các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, chip điện tử đang phát triển rất mạnh khỏe.
Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá cao những nỗ lực mà Ban quản lý Khu công nghệ cao thực hiện, đặc biệt trong việc phát triển nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Ông Duy nhận định với hướng đi mà khu công nghệ cao đang thực hiện, là tập trung vào phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm chia sẻ tri thức; đặc biệt là với sự hỗ trợ của Siemens EDA, cũng như nhiều tập đoàn khác sẽ cho phép lan tỏa các cái công cụ mới nhất, hàng đầu trên thế giới về tự động hóa thiết kế vi mạch.
"Tôi tin tưởng TP.HCM với những chính sách đặc thù, sẽ có nhiều đột phá về phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, tạo ra làn gió mới để phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM một cách bền vững, đóng góp góp phần vào quan trọng xây dựng được hệ thống đủ của sản phẩm quốc gia cho Việt Nam", ông Duy nói.
Trong khuôn khổ lễ ký kết hợp tác, các đại biểu cũng tham quan Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC) - mô hình hợp tác giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, một trong những đơn vị tiên phong đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.