Kiến Thụy (Hải Phòng): Ra quyết định xử phạt trái quy định, vội cưỡng chế gây thiệt hại hàng trăm tỷ của người nuôi ngao

Ngọc Lê- Minh Ngọc- Nguyễn Chương Thứ bảy, ngày 05/11/2022 16:07 PM (GMT+7)
Trong khi những người làm nghề nuôi ngao không đồng tình với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) và làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng để được trả lời, xử lý, thì chính UBND huyện Kiến Thụy lại vội vàng tiến hành cưỡng chế cả bãi ngao hàng nghìn ha rồi... để đó.
Bình luận 0

Việc vội vàng cưỡng chế  khu vực nuôi ngao của bà con nông dân trên diện tích hơn 1.500ha dẫn đến nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngư dân.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lại… vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật

Theo nội dung trình bày của ông Vũ Trí Tuân ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy), đồng thời là Chủ tịch Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy, ngày 19/9/2022, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã có quyết định số 4149/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác".

Quyết định này dựa trên các căn cứ: Biên bản vi phạm hành chính số 04/BB-VPHC ngày 15/9/2022. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Việt, biên bản này được lập không đúng thẩm quyền. Cụ thể, tại Quyết định số 2303/QĐ-UBND ngày 23/5/2022 của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã giao ông Lưu Văn Thụy- Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiến Thụy làm Tổ trưởng. Tuy nhiên, người lập biên bản vi phạm hành chính lại chỉ là một… thư ký của Tổ công tác, đó là ông Đào Hồng Quân.

Căn cứ theo khoản 2, điều 58 quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022, biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ họ tên, chức vụ người lập biên bản. Song ông Đào Hồng Quân không phải là người có chức vụ để lập biên bản này. Được biết, ông Quân cũng chỉ là một chuyên viên của Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Kiến Thụy. Cũng tại biên bản này, rất thiếu thành phần tham gia khi chỉ nêu người chứng kiến là ông Nguyễn Văn Chuận (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy), ông Chuận chỉ là một người dân bình thường, không có chức vụ, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Hải Phòng: Quyết xóa sổ vùng nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy, vì sao người dân không được tạo cơ hội? (bài 2) - Ảnh 4.

Chiếc chòi duy nhất của người dân còn sót lại sau khi UBND huyện Kiến Thụy tiến hành cưỡng chế ngày 14/10/2022. Ảnh: Nguyễn Chương

Không những thế, ngay cả ông Chuận là người được mời chứng kiến buổi lập biên bản vi phạm cũng không ký xác nhận vào biên bản này. Thế nhưng UBND huyện Kiến Thụy vẫn sử dụng văn bản này để làm căn cứ ra quyết định xử phạt.

Bản thân người bị lập biên bản vi phạm hành chính là ông Vũ Trí Tuân cũng không được chứng kiến và có mặt tại buổi lập biên bản vi phạm hành chính. Vi phạm nghiêm trọng hơn nữa trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy nêu "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" nhưng trên thực tế trong biên bản vi phạm hành chính lại không nêu rõ ông Tuân gây cản trở việc sử dụng đất cho ai, ai là người khiếu kiện. Hơn nữa, khu vực được gọi là "đất" thực ra là khu bãi triều ven biển được người dân sử dụng để nuôi ngao từ lâu.

Kiến Thụy (Hải Phòng): Ra quyết định xử trái quy định, vội cưỡng chế, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi ngao - Ảnh 1.

Kiến Thụy (Hải Phòng): Ra quyết định xử trái quy định, vội cưỡng chế, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi ngao - Ảnh 2.

Biên bản xử lý vi phạm hành chính không có cả chữ ký của người chứng kiến và người được cho là vi phạm nhưng UBND huyện Kiến Thụy vẫn sử dụng làm căn cứ để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ làm nghề nuôi ngao trên địa bàn.


Hải Phòng: Quyết xóa sổ vùng nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy, vì sao người dân không được tạo cơ hội? (bài 2) - Ảnh 1.

Người nuôi ngao đang rất vất vả thu hoạch ngao do không còn chòi canh. Ảnh: Nguyễn Chương

Người dân đã mất công khai hoang, hình thành vùng nuôi ngao, sao nói là vi phạm?

Người nuôi ngao bị thiệt hại 540 tỷ đồng

Bằng việc cưỡng chế với 38 hộ dân (gia đoạn 1) đang nuôi thả ngao trên diện tích 1.515ha để giao cho các đơn vị khai thác cát, người nuôi ngao đang bị thiệt hại số tiền rất lớn.

Cụ thể, bà con đã thả ngao giống (thả cuối 2021) với số lượng 300 con/kg; Giá ngao giống: 18.000 đồng/kg. Diện tích (tính theo ha): 20 tấn/ha. Giá ngao được tính: 20 tấn/ha x 18.000 đ/kg = 360.000.000 đồng/ha.

Như vậy, tổng thiệt hại ước tính: 1.500ha x 360.000.000đ/ha = 540 tỷ đồng.

Tại thời điểm UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định xử phạt ông Vũ Trí Tuân và các hộ nuôi ngao khác với hành vi "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" (quy định tại khoản 1, điều 16, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai). Trên thực tế, theo ông Vũ Trí Tuân, việc áp dụng các điều, khoản trên của UBND huyện Kiến Thụy là không đúng với nguồn gốc đất, hiện trạng thực tế bà con đang sử dụng.

Cụ thể, xét về nguồn gốc của các ngư dân tại Bãi Triều, huyện Kiến Thụy sử dụng để nuôi thủy sản (nuôi ngao) đã mất hơn 20 năm khai hoang, cải tạo. Từ năm 1999 đến năm 2011, ngư dân đã bỏ công sức, tiền để nuôi ngao trắng phát triển kinh tế địa phương, đồng thời có "Đơn xin được giao mặt nước" và UBND xã Đại Hợp có tờ trình lên UBND huyện Kiến Thụy thực hiện Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 27/9/2010 của UBND Thành Phố Hải Phòngvề việc phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Huyện Kiến Thụy duyệt nuôi thả ngao trắng với diện tích 1.300ha.

Đến tháng 1/2018, UBND huyện Kiến Thụy đã ký Hợp đồng kinh tế số 01/2018/HĐKT với Viện nghiên cứu Địa môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu (Hội Liên hiệp, KHKT Việt Nam). Theo đó, tiến hành đo đạc và khảo sát để lập Bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/2000 đối với Bãi Triều (Cồn Mục), Cửa sông Văn Úc, xã Đại Hợp với diện tích 3.000ha, có khoảng 230 hộ gia đình đang nuôi thả ngao.

"Việc nuôi thủy sản của ngư dân diễn ra liên tục từ năm 1999 đến nay, không có tranh chấp, được chính quyền địa phương xác nhận và không bị lập Biên bản xử phạt vi phạm trong suốt quá trình sử dụng, thì không thể nói là gây cản trở việc sử dụng đất của người khác được"- ông Tuân bức xúc nói.

Hơn nữa, căn cứ vào Luật Đất đai qua các thời kỳ thể hiện: "Nhà nước khuyến khích việc khai hoang, vỡ hóa đất cồn cát ven biển để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản". Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013: "Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào các việc sau đây: Khai hoang, phục hoá, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng" (Điều 9)

Trong khi đó, theo khoản 3, điều 6, Luật Thủy sản năm 2017 có quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, đó là: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho hoạt động được quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều này và khuyến khích hoạt động đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển; nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

Như vậy, có thể nói việc người dân khai hoang, phục hóa, đầu tư vào bãi bồi chưa có người sử dụng, chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản là đúng với chủ trương, quy định, chính sách pháp luật.

Theo luật sư Trần Thế Anh (Công ty Luật XTVN): Đối với nghề nuôi trồng ngao, pháp luật không quy định về việc người dân phải xin cấp giấy phép. Cụ thể: Căn cứ Điều 24, Luật Thủy sản năm 2003 quy định điều kiện nuôi trồng thủy sản gồm: Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản; (Điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; Tiêu chuẩn thức ăn. Căn cứ điểm a, khoản 2, điều 44 Luật Thủy sản năm 2017, quy định: Thẩm quyền giao khu vực biển không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Trong đó, UBND cấp huyện giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận.

"Đối với 38 hộ bà con ngư dân thì chỉ có nguồn thu nhập chính là nuôi con ngao trắng (đã có chính quyền địa phương xác nhận từ năm 2011), đồng thời áp dụng các luật thì bà con đang là người quản lý, sử dụng đất hợp pháp và được Nhà nước phải bảo vệ mới là đúng, đồng thời không phải xin cấp phép. Do đó, Quyết định xử phạt VPHC của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đối với ngư dân về hành vi 'Nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định" và "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" là không có căn cứ, không đúng với quy định pháp luật"- luật sư Trần Thế Anh phân tích.

Hải Phòng: Quyết xóa sổ vùng nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy, vì sao người dân không được tạo cơ hội? (bài 2) - Ảnh 3.

Do chòi canh đã bị UBND huyện Kiến Thụy cưỡng chế, không còn cách nào khác người dân buộc phải dùng thuyền nhỏ để khai thác, trông giữ ngao. Ảnh: Nguyễn Chương

Một vi phạm lớn nữa của UBND huyện Kiến Thụy, đó là "Vi phạm về áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính".

Theo Bản đồ hiện trạng nuôi ngao năm 2018 thì UBND huyện Kiến Thụy đã biết thực tế, hiện trạng trên Bãi Triều có 230 hộ đang nuôi nuôi thả ngao với diện tích 3.000ha. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay, các hộ nuôi ngao không bị lập Biên bản xử phạt vi phạm trong suốt quá trình sử dụng.

Luật sư Trần Thế Anh khẳng định: Căn cứ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 6 Luật xử lý VPHC năm 2012, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp vi phạm hành chính về đất đai là 2 (hai) năm, tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "Nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định" và "Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác" mà UBND huyện Kiến Thụy đang "quy chụp" cho các hộ nuôi ngao đã hết, nên việc Tổ công tác lập Biên bản về hành vi VPHC và Chủ tịch huyện Kiến Thụy ra Quyết định xử phạt VPHC là trái quy định pháp luật.

Cũng theo luật sư Trần Thế Anh, UBND huyện Kiến Thụy còn vi phạm và áp dụng không đúng Luật Ban hành Quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo đó, việc UBND huyện Kiến Thụy áp dụng quy định tại khoản 3, Điều 38-Luật Thủy sản 2017 và Điều 17 tại Nghị định 42/2019/NĐ –CP về quy định Xử lí vi phạm hành chính trong nuôi trồng thủy sản để ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Biện pháp khắc phục hậu quả là hoàn toàn trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định tại Luật Ban hành quy phạm pháp luật (2015), cụ thể Nghị định 42/2019 tại Điều 57 quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản xảy ra trước khi có nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang được xem xét, giải quyết thì áp dụng quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tại đểm a, khoản 2, điều 152 – Luật Ban hành quy phạm pháp luật về hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật. Tại khoản 2 quy định nêu: Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp, quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà tại thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý.

Thực hiện Quyết định cưỡng chế khi chưa đến hạn bàn giao

Ngày 04/10/2022, UBND huyện Kiến Thụy đã căn cứ vào Biên bản xử lý VPHC, Quyết định xử lý VPHC để ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tại điểm b, khoản 4, Điều 1 của Quyết định này: "Thời gian thực hiện: 15 ngày, kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được Quyết định này".

Cũng tại thông báo này, UBND TP Hải Phòng có nêu: Các doanh nghiệp khai thác cát đồng ý hỗ trợ 30 triệu đồng/ha nuôi ngao đối với diện tích trồng lấn với mỏ cát. Tuy nhiên, khi hai bên chưa thống nhất được, thì huyện Kiến Thụy đã cho tàu húc đổ, san bằng các chòi trông giữ ngao trên biển của bà con.

Điều đáng nói, đây là thời điểm lứa ngao của bà con chuẩn bị được thu hoạch để phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới nhưng với việc cưỡng chế như trên, hàng trăm tấn ngao của bà con với giá trị vài trăm tỷ đồng đứng trước nguy cơ mất trắng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem