Kỳ thi THPT năm 2020 thay đổi: Học sinh, phụ huynh băn khoăn

Diệu Bình Thứ năm, ngày 23/04/2020 08:50 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều phụ huynh, học sinh tỏ ra lo lắng trước thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trong kỳ thi THPT, các trường đại học tại Đà Nẵng đang xây dựng phương án tuyển sinh với phương châm hạn chế tối đa việc xáo trộn, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các thí sinh.
Bình luận 0

Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin, năm nay, Bộ không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến vào cuối tháng 8. Mục đích chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT. Ngay khi biết thông tin này, không ít phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng.

Bạn Nguyễn Hải Yến (học sinh lớp 12 tại Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, năm nay, em dự kiến dự thi Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) và đăng ký một số trường khác có mức điểm thấp hơn để tăng tỷ lệ đỗ đại học. Song trước thay đổi của Bộ GDĐT, nữ sinh nay không khỏi lo lắng.

“Việc Bộ GDĐT đột ngột thay đổi phương án thi khiến học sinh chúng em thật sự sững sờ. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, chúng em sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, trong khi đó, các trường đại học cũng chưa công bố chính thức phương án thi. Mặt khác, một số trường đã ra phương án thi riêng, mỗi trường mỗi kiểu, chúng em không biết ôn tập như thế nào cho đúng. Chưa nói đến việc các trường đại học tổ chức thi cùng ngày hoặc sát ngày, như vậy rất có thể thí sinh sẽ phải lựa chọn một trong các trường, mất đi cơ hội trúng tuyển”, Yến nói.

Tương tự, bạn Nguyễn Đông (học sinh lớp 12 tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chia sẻ em đã chuẩn bị cho kỳ thi THPT như mọi năm ngay từ các năm học trước nên việc thay đổi của Bộ GDĐT khiến Đông rất hoang mang.

“Nếu thi theo phương án mới, chúng em sẽ phải tham gia nhiều kỳ thi, gồm cả thi tốt nghiệp và thi vào từng trường. Một số trường ĐH top trên em dự kiến thi đều đã thông báo phương án dự phòng là tổ chức kỳ thi riêng. Như vậy, mỗi trường đăng ký sẽ tương ứng với một đợt thi. Tiêu chí, đề thi của từng trường đến giờ vẫn chưa có thông tin rõ ràng, thời gian thì không còn nhiều. Mong Bộ xem xét lại”, Đông bày tỏ.

img

Việc thay đổi mục đích kỳ thi THPT của Bộ GDĐT khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.

Không chỉ học sinh mà các phụ huynh có con em đang học lớp 12 cũng rất lo lắng.

Theo nhiều bậc phụ huynh, vì tình hình dịch Covid-19, việc triển khai học trực tuyến đã gặp không ít khó khăn, nay lại thay đổi phương thức thi tuyển sẽ gây áp lực cho các em học sinh cuối cấp.

Có con đang học lớp 12, chị Thanh Nga (trú tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng) luôn theo dõi sát sao những thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia. Chị Nga không khỏi bất ngờ khi Bộ GDĐT thay đổi vào thời điểm này. “Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, việc học đã bị gián đoạn rất nhiều. Nay, Bộ lại thay đổi phương án thi khiến các bậc phụ huynh như chúng tôi không biết đường nào mà lần. Năm nay, phải thi nhiều đợt, không biết các con có thể trụ nổi không”, chị Nga lo lắng.

Chị Tuyết Mai (trú tại Quảng Nam) cũng có con học lớp 12, tâm sự: “Nếu thi đại học riêng, các cháu ở các tỉnh sẽ phải lên thành phố thuê nhà trọ để yên tâm thi. Trong điều kiện mùa hè nóng nực, các cháu sẽ rất vất vả, áp lực. Chưa kể việc thi nhiều trường, các cháu sẽ phải di chuyển bất tiện, mất an toàn giao thông...”.

Trước chủ trương kỳ thi THPT năm 2020 được tổ chức chỉ để xét tốt nghiệp khi học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19, đại diện các trường đại học Đà Nẵng đều cho biết sẽ xây dựng phương án tuyển sinh trên cơ sở đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học thành viên với phương châm hạn chế tối đa việc xáo trộn, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các thí sinh.

Theo PGS.TS Lê Văn Huy - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), trường sẽ không có nhiều thay đổi trong phương án tuyển sinh. “Để đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời không gây nhiều xáo trộn lớn cho thí sinh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng chỉ bỏ đi phương án xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Trường cũng không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THTP Quốc gia. Ngoài ra, các phương án xét tuyển bằng học bạ và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia TP.HCM vẫn giữ nguyên”, PGS.TS Lê Văn Huy nói.

Các tổ hợp xét tuyển của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng sẽ dựa vào kết quả học tập 3 năm THPT môn đó của thí sinh. Trường Đại học Kinh tế cũng ưu tiên xét tuyển thẳng như đề án tuyển sinh đã công bố trước đó.

img

Các trường đại học tại Đà Nẵng đều cho biết sẽ xây dựng phương án tuyển sinh với phương châm hạn chế tối đa việc xáo trộn, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các thí sinh.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhà trường sẽ xác định lại tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển theo học bạ, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ của 3 năm học THPT sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn. Nhà trường cũng ưu tiên cho đối tượng xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh mà trường đã công bố trước đó. Cụ thể, trường ưu tiên xét tuyển thẳng đối với các học sinh đạt giải thi học sinh giỏi quốc gia hoặc cấp tỉnh/TP, học sinh giỏi 3 năm liền…

Ngoài ra, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cũng đề xuất, Cục khảo thí có thể cung cấp đề thi và gợi ý một ngày cụ thể để các trường có thể tổ chức thi theo cụm trường. Công tác tổ chức thi, chấm thi… đều sẽ do các trường thực hiện. Với cách thức này, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi để tham gia xét tuyển ở các trường khác trong cùng nhóm nếu không đỗ vào trường mà mình đăng ký dự thi.

Theo phân tích của PGS.TS Vinh, việc Cục khảo thí cung cấp đề cho những trường có nhu cầu sẽ có nhiều thuận lợi, vừa đảm bảo tính bảo mật, vừa giúp các trường tiết kiệm kinh phí, cũng như nhân lực cho việc tổ chức ra đề thi. Hơn nữa, trong một thời gian ngắn, các trường sẽ rất cập rập nếu tự xây dựng đề thi.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem