Chiều 5/4, Quốc hội khoá XIV đã bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Minh Chính kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc điều hành Chính phủ, trở thành Thủ tướng thứ 9 trong lịch sử kể từ năm 1945 đến nay.
Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức.
Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng
Kỳ vọng vào tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) mong muốn: Trên cương vị mới, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, thể hiện được vai trò của người đứng đầu Chính phủ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhiều năm đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng như các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại địa phương và đã có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Thành An).
"Có thể thấy rằng, trong thời gian còn làm lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đã để lại nhiều dấu ấn, giúp tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương năng động trong phát triển kinh tế. Với kinh nghiệm đã có ở địa phương, Trung ương, tôi tin tưởng tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chỉ đạo điều hành Chính phủ đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong nhiệm kỳ sắp tới", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Còn đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, Thủ tướng là người đứng đầu có vai trò rất quan trọng.
"Anh là thuyền trưởng thì anh cần biết chèo lái con thuyền, quần tụ tất cả những thành viên để con thuyền đi cùng hướng. Còn nếu mỗi người chèo một hướng thì có thể thuyền quay ngược lại hoặc đi thuyền thụt lùi, thậm chí có khi bị lật", đại biểu Đỗ Văn Văn Sinh nói và khẳng định: Vai trò người thuyền trưởng rất quan trọng. Đã là người đứng đầu thì anh phải giỏi hơn, phải có tầm nhìn hơn, quyết liệt hơn, quyết đoán hơn để dẫn dắt mọi người. Tôi rất kỳ vọng điều này".
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh.
Về đột phá trong thời gian tới, ĐBQH Đoàn Quảng Trị cho rằng, Chính phủ cần tập trung lấy con người là trung tâm.
Theo ông Ngân, trong nhiệm kỳ tới chúng ta cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bởi chính kinh tế vĩ mô ổn định đã giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, khó khăn vừa qua. Thứ hai, trong thời gian tới, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, giáo dục, môi trường.
Một điểm quan trọng được ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh là Thủ tướng Chính phủ "phải tiếp tục tích cực chống tiêu cực, tham nhũng" nên phải có đội ngũ cán bộ dám dấn thân vì lợi ích tập thể. Muốn như vậy phải xoay quanh vấn đề cho giáo dục. "Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, đầu tư ở đây không phải là kêu gọi tiếp tục đổi mới mà đầu tư phải toàn diện, đúng mực, theo hướng hiện đại, tập trung giáo dục nhân cách, làm người, sống phải biết nghĩ cho gia đình, xã hội".
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Chia sẻ những thách thức đối với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, tân Thủ tướng cần vận dụng được nền tảng là thắng lợi, thành công của nhiệm kỳ 2016 - 2020 mà người tiền nhiệm để lại để giữ được nhịp độ tăng trưởng, nhịp điệu của nền kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.
Thứ hai, tân Thủ tướng sẽ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay, đặc biệt là mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân, Chính phủ và doanh nghiệp, làm sao để Chính phủ là ngọn cờ đầu, dẫn dắt người dân, doanh nghiệp nâng khát vọng sáng tạo thành hành động cụ thể để phát triển đất nước.
Thứ ba, phải làm sao để tiếp tục giữ vững chủ quyền, đồng thời thực hiện quan hệ đối ngoại tốt, tận dụng được làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ tư, là phải phòng chống thiên tai, dịch bệnh có hiệu quả và cuối cùng, là thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp trong phạm vi quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.
Nhắc đến vấn đề văn hóa, ông Trần Hoàng Ngân thẳng thắn nhìn nhận, đã một thời gian dài, chúng ta thiếu đi những tác phẩm văn hóa có tầm vóc, song ông nêu thực tế "cũng phải nghĩ lại chúng ta đã đầu tư cho văn hóa như thế nào". "Chúng ta đã tập trung cho đầu tư về hạ tầng, kinh tế, điều này là đúng, nhưng đồng thời với đó thì đầu tư hạ tầng văn hóa còn thấp so với nhu cầu thực tiễn đặt ra", ông Ngân nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.