Lãi suất huy động giảm sâu, kênh tiết kiệm “lép vế” trước chứng khoán, vàng và bất động sản?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 02/10/2020 06:26 AM (GMT+7)
Sau thông điệp giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, làn sóng điều chỉnh giảm lãi suất huy động lại được các ngân hàng triển khai dù lãi suất huy động thực tế trên thị trường kỳ hạn dưới 6 tháng hiện đều dưới 4%/năm, tức là dưới mức trần mới mà cơ quan quản lý yêu cầu.
Bình luận 0

Từ ngày 1/10, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm 0,25% xuống 4%, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn.

Ngay sau động thái của NHNN, nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất mới với mức lãi suất áp dụng giảm từ 0,05 - 0,6 điểm % ở một số kỳ hạn.

Lãi suất huy động xuống dưới 3%

Đơn cử như tại Sacombank, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 0,05 - 0,2% so với đầu tháng trước, xuống mức 3,7% - 4,0%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng giảm 0,1 - 0,2 điểm %, dao động từ 5,6% - 5,9%/năm.

Duy chỉ có lãi suất các kỳ hạn 12 tháng đến 15 tháng được giữ nguyên, cao nhất ở mức 7,8%/năm. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 18 tháng đến 36 tháng cũng được điều chỉnh giảm 0,1 điểm %, xuống mức 6,5% - 6,6%/năm.

Tại Kienlongbank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,55%/năm; 2 tháng là 3,75%/năm và từ 3 tháng đến 5 tháng là 3,95%/năm, giảm tối đa 0,6 điểm % so với trước.

Tại SHB, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng giảm từ 0,1% - 0,2%, xuống mức 5,7% - 5,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng giảm mạnh từ 0,4 - 0,5%, xuống dao động trong khoảng 6,0% - 6,3%/năm.

Tại ACB, lãi suất tiết kiệm truyền thống ở kỳ hạn 1 tháng giảm 0,1% xuống còn 3,6-3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 và 3 tháng giữ nguyên so với tháng 9, dao động 3,8-3,9%/năm.

Tương tự, DongABank cũng vừa điều chỉnh lãi suất, áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng ở mức 3,83%/năm, giảm 0,42% so với trước điều chỉnh.

VietCapitalBank hồi đầu tháng 9 niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 – 5 tháng ở mức 4,1%/năm cũng đã điều chỉnh xuống tối đa còn 3,9%/năm (đối với tiền gửi thông thường).

Tại LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn 3 tháng – 6 tháng từ 1/10 ở mức 3,8%/năm, giảm 0,2% so với trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giữ nguyên mức 3,7%/năm.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, sau khi NHNN thông báo hạ lãi suất điều hành kể từ ngày 1/10, Vietcombank đã có động thái giảm lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn. Tuy nhiên, ba ngân hàng còn lại vẫn giữ nguyên lãi suất không đổi so với ghi nhận từ đầu tháng 9.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, Agribank bà BIDV) trong tháng 10 dao động trong phạm vi từ 3,3%/năm đến 6,1%/năm. Trong đó, ngân hàng Vietcombank có lãi suất tiền gửi cao nhất, niêm yết ở mức 6,1%/năm áp dụng tại kỳ hạn 24 tháng. Đồng thời, cũng chính Vietcombank có lãi suất thấp nhất ở mức 3,3%/năm niêm yết tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng.

Hiện biểu lãi suất huy động của Vietcombank đã giảm so với tháng 9. Chẳng hạn, với khách hàng cá nhân được điều chỉnh hạ cùng mức 0,2% tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng. Biểu lãi suất sau khi điều chỉnh dao động trong khoảng từ 3,3%/năm đến 6,1%/năm, áp dụng tại kỳ hạn 1 - 36 tháng.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank cũng có động thái hạ lãi suất huy động tại hầu hết các kỳ hạn. Biểu lãi suất huy động nằm trong phạm vi từ 3,2%/năm đến 5,1%/năm. 

Theo đó, lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng áp dụng cùng mức 3,2%/năm, giảm 0,3% so với tháng trước. Đồng thời, Vietcombank cũng hạ 0,3% lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, lãi suất sau khi điều chỉnh lần lượt là 3,5%/năm và 3,9%/năm.

Trong khi đó, Vietinbank, BIDV và Agribank vẫn dut trì biểu lãi suất từ tháng trước. Ba ngân hàng này có biểu lãi suất tương tự nhau tại các kỳ hạn tương ứng. Khung lãi suất từ 3,5%/năm đến 6%/năm khi gửi tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất từ 0,05 - 0,4 điểm % ở một số kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất từ 0,05 - 0,4 điểm % ở một số kỳ hạn.

Lãi suất giảm mạnh, dòng tiền chảy vào đâu?

Ngay sau thông điệp giảm lãi suất của NHNN, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết ông không bất ngờ với quyết định giảm lãi suất của NHNN vì trước đó, lãnh đạo NHNN đã phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất khi điều kiện thị trường cho phép. Hiện tại, lạm phát có xu hướng giảm, thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, trong khi tín dụng đang tăng trưởng thấp... 

"Đây là cơ sở quan trọng để NHNN điều chỉnh lãi suất, điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi nhất để các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp, người dân vay, kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế", ông Thành nói.

Lý giải cho lần điều chỉnh này, NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng đạt 3,85%. Việc quyết định giảm thêm lãi suất điều hành theo NHNN nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là, lãi suất giảm mạnh, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng có "lép vế" so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay bất động sản khiến cho dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư này hay không?

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc lãi suất đi xuống nhưng lượng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng trong thời gian qua cho thấy gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, tính đến 22/9, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% so với cuối năm trước; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt 5,12% (cùng kỳ năm ngoái tăng 8,51%). Điều này phản ánh thực tế là thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại liên tục thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng giảm ở các kỳ hạn nhưng vốn huy động vẫn không giảm mà còn tăng. Vì vậy, trước mắt sẽ chưa xuất hiện lo ngại về việc dòng tiền chảy khỏi hệ thống ngân hàng.

Dù vậy, nếu lãi suất tiếp tục giảm mạnh từ nay tới cuối năm, thì có thể sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như vàng hoặc chứng khoán hay bất động sản. Đặc biệt, nếu chứng khoán và vàng tăng đột biến trong những tháng tiếp theo thì sẽ có lượng tiền lớn sẽ chảy sang 2 kênh đầu tư này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem